Dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Chỉ tính riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2 triệu ngày công. Nếu tính toàn chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và ở các chiến trường phối hợp như Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên... thì con số ấy phải nhân lên gấp 10 lần.

Đỗ Thu Nga
09:14 07/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Từ đó tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, tạo điều kiện đi đến ký kết Hiệp định Geneva (7/1954).

Và trong chiến thắng vang dội ấy, không thể không nhắc đến sự vai trò của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Họ đã chiến đấu, hi sinh và hết lòng phụng sự tổ quốc, góp phần to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Đó là những chị công nhân đi tải lương, phục vụ chiến dịch. Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta huy động một khối lượng lớn dân công ra mặt trận, nhiều hơn quân đội và được tổ chức như quân đội. Chưa có số lượng thống kê cụ thể nhưng theo nhiều tài liệu, hơn nửa số dân công là phụ nữ từ vùng do Việt Nam kiểm soát như Nghệ An, Thanh Hóa, liên khu 3, liên khu 4, đồng bào Tây Bắc...

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-9
Dân công Phú Thọ vận chuyển lương thực

Những người phụ nữ ấy đã gánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt thường ngày đến lòng chảo Điện Biên Phủ. Họ bất chấp hiểm nguy, vượt bom rơi bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng nằm trên những tấm nilon trải đất, không dám ngủ hết giấc; những bàn chân, đôi tay chai sạn, tóe máu gắng sức tải lương thực cho chiến dịch. Vậy mà, suốt con đường ấy, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc hát ca, nói cười...

Hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam thời chiến khiến ai ai cũng tự hào, khâm phục. G. Roa - nhà báo kiêm nhà văn Pháp, trong một cuốn sách dày hơn 600 trang với tựa đề “Trận Điện Biên Phủ” đã không giấu nổi khâm phục khi đến thăm phòng trưng bày các di vật của Điện Biên Phủ, nhất là khi ông nhìn thấy đôi dép cao su bốn quai của một nữ dân công bên cạnh các chân bàn và chân giường của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ông Viết, rồi đây, khi nào mới có một viện bảo tàng ở tầm nhân loại, người ta phải bày đối diện với đôi dép và những chân bàn, chân giường đó cái máy điều hòa không khí  trong phòng làm việc của Nava và cái ghế bành trong máy bay  của ông ta để chứng tỏ rằng trên đời này có những sức mạnh làm vươn cao vút những tâm hồn và sáng tạo ra sự thần kỳ: con người ta đã dám thách thức hai kẻ thù ghê sợ nhất của mình là khổ đau và chết chóc. 

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-8
Những người phụ nữ xay lúa, giã gạo, phục vụ kháng chiến

Đôi dép 4 quai đó là của nữ liệt sĩ Hà Thị Miễn - dân công Thanh Hóa đã hy sinh trên đường đi tải đạn Nà Nhạn - Mường Phăng... Nhật ký của cố giáo sư Tôn Thất Tùng ghi ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày 7/4/1954 đã viết: “Một chị dân công bị đại bác bắn vào chân. Bảo anh Quang chữa và cho thuốc men làm sao cố cứu chị. Mai sẽ đi gắn huy hiệu Hồ Chủ tịch cho chị. Chị đã lấy thân mình che chở cho thương binh lúc máy bay oanh tạc. Dũng cảm quá!”

Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là lần đầu tiên, phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" nào là lợn, gà, dê, ngô, khoai; phụ nữ Thái cũng rời xa bếp củi mang thóc gạo, muối, cá... ủng hộ bội đội đánh giặc. Trải qua nhiều năm bị áp bức bóc lột, chịu sự kìm kẹp của chế độ Thực dân, họ hiểu rằng chỉ có con đường đứng lên chiến đấu, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ dẫn dắt mới thoát khỏi cảnh "nước mất nhà tan", mới có cuộc sống hòa bình, ấm no. Tiêu biểu cho những con người ấy là nữ dân quân Lò Thị Đôi (đến nay đã hơn 100 tuổi) - người con ưu tú của xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-0
Phụ nữ các dân tộc ra hỏa tuyến thăm hỏi và tặng quà cho thương binh vào năm 1954

Khi Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển về khu rừng Mường Phăng, cụ Đôi là 1 trong những người luôn đi đầu trong công tác tiếp lương, tải đạn, sửa đường, vận chuyển thương binh cho bộ đội. Cụ là số ít người may mắn được gặp và dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông tới đây. 

Nhận thức được vai trò quan trọng của hậu cần và đảm bảo bí mật và an toàn của Bộ chỉ huy chiến dịch, cụ đã vận động chị em phụ nữ và bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế gạo, rau cho Bộ chỉ huy chiến dịch và là một trong những đầu mối bảo vệ vòng ngoài cho Sở chỉ huy của ta.

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-7
Tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh ngoài hỏa tuyến

Số gạo mà phụ nữ Mường Phăng vận động, ủng hộ chiến dịch lên đến 9 tấn. Trong đó, gia đình cụ Đôi ủng hộ thêm trâu, bò, rau xanh. Không chỉ vậy, cụ còn cung cấp, đảm bảo lương thực cho Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu. Cụ cũng là người liên lạc trực tiếp, nhận mọi nhiệm vụ từ đồng chí Hặc, kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra.

Một nhà quân sự Việt Nam khi bàn về phát huy sức mạnh của hậu phương trong kháng chiến đã nhớ lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Những nữ dân công chuyển gạo bằng mảng trên sông Nậm Na dài hơn 80 km với 102 thác ghềnh đã lập nên những kỳ tích về trí thông minh sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời. Những nữ dân công làm đường, giữ đường đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường, bám trụ đường dưới bom địch…”

Chiến dịch Điện Biên Phủ còn thấy bóng dáng của nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vươt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng; số khác lại túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn.

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-6
Phụ nữ tham gia trong quân y chăm sóc thương binh cả hai bên chiến tuyến

Ở Điện Biên Phủ còn có dấu ấn của những nữ y tá quân y, ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, miệt mà chăm sóc thương binh... Trong những tình huống khẩn cấp, lượng thương binh nhiều hoặc những ca bệnh phức tạp, họ còn quên ăn, quên ngủ hết lòng vì thương binh, cứu chữa nhanh, chính xác và kịp thời. Nhiều nữ y tá kiêm cả nhiệm vụ tải thương binh, băng qua làn đạn quân thù, về đến trại cứu chữa an toàn, trong nhiều hoàn cảnh, họ còn là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh binh.

Dưới bàn tay chăm sóc tận tình của các nữ y tá, nhiều thương binh đã được trả lại về đơn vị chiến đấu. Kết thúc chiến dịch, nhiều người trong số họ còn chăm sóc cho cả những tù binh Pháp chất đống trong những hầm, hố tại các cứ điểm theo chính sách khoan hồng của Chính phủ Việt Nam.

Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chính trị đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của chiến sĩ ngoài mặt trận; một trong số đó là những chương trình văn nghệ trong những lúc giải lao, sau những giờ chiến đấu căng thẳng "một mất, một còn". Với nhiều chiến sĩ, chỉ cần nhìn thấy văn công thôi là thấy sức sống, sự tươi sáng và là cả niềm hân hoan, vui sướng.

Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, các nữ văn công vẫn sẵn sàng lấy nhọ nồi kẻ mắt, với tinh thần "tiếng hát át tiếng bom" đem những điệu múa, vở kịch, lời ca đến với bộ đội. Đó thực sự là những nguồn cổ vũ, khích lệ về tinh thần hết sức quý báu, xua tan những mệt mỏi, gian khổ và tiếp thêm động lực cho những người lính chiến đấu đến cùng, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Dau-an-cua-nguoi-phu-nu-Viet-Nam-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-5
Phụ nữ tham gia đoàn văn công phục vụ các chiến sỹ tại mặt trận

Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng không thể không nhắc đến những người vợ, người mẹ chấp nhận biệt ly, chia cách, tiễn chồng con ra mặt trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Họ ở nhà một mình lo chu toàn cho gia đình, tích cực sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến. Đồng thời cũng sẵn sàng tư thế "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", tham gia du kích, vận động, biểu tình, .... Để rồi có thể sẽ vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại chồng, con mình nữa. 

Đã có những câu chuyện kể rằng, có nhiều người phụ nữ tạm dừng chuyện cưới xin để tham gia chiến dịch, hay nữ dân công cháy cả mái tóc vì dính bom napan... Nhưng thế thì có làm sao, chỉ cần Tổ quốc được hòa bình, chỉ cần bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, họ chấp nhận tất cả.

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2 triệu ngày công. Nhưng nếu tính cả toàn chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và ở cả các chiến trường phối hợp như Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên… thì con số trên phải nhân lên gấp 10 lần…

Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, lòng yêu nước đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng và họ đã biến nó thành hành động chính nghĩa, cùng với cả nước giành độc lập cho dân tộc mình.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Điểm lại 6 điều kỳ diệu làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận