Lê Phụng Hiểu và công lao khai sinh ra loại ruộng đặc biệt nhất trong sử nước Nam: Thác đao điền - ruộng ném đao

Không chỉ nổi tiếng là vị tướng dẹp loạn tam vương, Lê Phụng Hiểu còn được biết đến là người khai sinh ra loại ruộng đặc biệt trong lịch sử nước Nam: Thác đao điền - ruộng ném đao.

Đỗ Thu Nga
12:00 07/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Một tay dẹp loạn tam vương

Lê Phụng Hiểu (982? - 1059?), quê ở hương Bắc Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hóa (nay là xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). 

Sử chép, ông không được đi học, nhưng thuở hàn vi đã nổi tiếng là người sức khỏe muôn địch, là đô vật có tiếng với nghệ danh đô Bưng (Băng). Tổ tiên của ông, trong “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” cho biết, là Lê Thức, vốn có công với quê hương nên được phong Định Phiên.

Hình dung về Lê Phụng Hiểu, sách "Việt điện u linh" miêu tả: "Thân hình cao đại, kỳ vĩ, mày râu dài và rậm, sức mạnh hơn người”… “lúa gặt ba mẫu mà chỉ gánh một gánh, bữa cơm hai mươi người ăn mà chỉ ăn một bữa thì cái dị lực của Vương ra làm sao!”. Cũng bởi nức tiếng về sức khỏe nên ông là đô vật có tiếng với nghệ danh đô Bưng, theo tên nôm của làng ông xuất phát từ tên của núi Băng Sơn, hay núi Bưng.

Nói chung, thời trẻ, Lê Phụng Hiểu khỏe mạnh và giỏi giang. Theo "Ngự chế Việt sử tổng vịnh" thì “Lý Thái Tổ nghe chuyện, vời ra làm tướng”. Ông rất được lòng vua nên được thăng chức Võ Vệ tướng quân. Được trọng dụng, Võ Vệ tướng quân Phụng Hiểu hết lòng phụng sự nghiệp đế của Công Uẩn. Đến tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), trị vì được 19 năm, vua Lý Thái Tổ mất. Loạn tam vương diễn ra, cũng từ sự kiện này, Lê Phụng Hiểu có dịp thể hiện lòng trung hiếu của kẻ làm tôi.

Danh-tuong-Le-Phung-Hieu-va-cong-lao-khai-sinh-ra-ruong-nem-dao
Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

Sử chép, mùng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), vua Thái Tổ mất, chưa làm lễ tang, các hoàng tử Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chính vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử. Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức Võ vệ tướng quân cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. Khi quân của Thái Tử và quân của các vương giáp trận, Lê Phụng Hiểu đã tuốt gươm chỉ vào Võ vương: "Bọn Võ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng".

Dứt lời Phụng Hiểu vung gươm chém chết Võ Đức vương. Quân của ba hoàng tử vì thế mà loạn. Từ đó, vua Thái Tông dẹp được phản nghịch và ngôi nhà Lý từ đó mới ổn định.

Sau khi làm lễ đăng quang, vua Lý Thái Tông thăng luôn cho Lê Phụng Hiểu lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.Từ đó cho đến cuối đời, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu một lòng phò tá nhà Lý lập được nhiều công trạng lớn, đánh đuổi Chiêm Thành (1044), giữ vững ổn định cho đất nước Đại Việt bên trong cũng như bên ngoài.

Cha đẻ của "thác đao điền"

Nói đến Lê Phụng Hiểu thì không thể không nhắc đến câu chuyện "thác đao điền". Tờ Pháp luật Việt Nam có chép, Hiểu xuất thân chân lấm tay bùn, tuổi thơ gắn liền với nghiệp nông tang mà thời Lý, “dân dĩ nông vi bản” (dân lấy nông nghiệp làm gốc), nên mảnh ruộng, con trâu là của cải quý giá với nhà nông.

Bởi thế, dù làm tướng quen việc võ biền, nhưng ông vẫn biết rằng, chức tước chỉ là phù du, nay thăng mai giáng, còn sản nghiệp thì không đâu bằng ruộng vườn. Do đó, ông thưa với đấng kim thượng: - Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp.

Nghe cái sự cổ kim chưa có bao giờ nhưng vì công trạng của vị tướng Nam chinh, vua chuẩn lời. “Việt điện u linh tập” chép: “Phụng Hiểu mới trèo lên chóp núi Băng Sơn, xách dao ném một cái, dao đi xa hơn 10 dặm, cắm vào địa phận làng Đa Mi”. Còn “Toàn thư” cũng có đề cập tới chi tiết này: “Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa hơn đến nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi.

Danh-tuong-Le-Phung-Hieu-va-cong-lao-khai-sinh-ra-ruong-nem-dao-9
Truyện tranh về Lê Phụng Hiểu

Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy người châu Ái gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao)”. Tương truyền, chỗ Phụng Hiểu đứng ném đao chính là khoảng đất bằng Mã Yên của núi Băng Sơn. Tài ném dao xuất chúng đó của ông hàng trăm năm sau còn được dân gian lưu truyền: 

Quăng dao, múa kiếm lừng danh,

Sáu trăm năm lẻ, sử xanh còn truyền.

Làng Bưng, theo "Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa" nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa. Xem “Đại Nam nhất thống chí” thì ngọn núi Băng Sơn “có tên nữa là Mộc Sơn ở huyện Hoằng Hóa, có hai ngọn nổi vọt lên ở giữa đồng bằng, trong ấy một ngọn hai đầu cao vót mà quãng giữa bằng phẳng nên lại gọi là núi Mã Yên, tức chỗ ném đao của Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đời Lý”.

Đến đời Trần, ruộng thác đao điền vẫn còn tồn tại và đánh thuế. Đây là loại ruộng đặc biệt được biết đến do Lê Phụng Hiểu ném đao mà thành bên cạnh những ruộng sơn lăng, ruộng quân điền, ruộng tịch điền, ruộng hậu thần, hậu Phật... Và danh tiếng Phụng Hiểu với thác đao điền, thì truyền đời ghi mãi, tỉ như “Thiên Nam ngữ lục” còn ghi lại:

“Ơn vua cáo lão nhàn ngơi,

Cấp xin điền lộc để tôi dưỡng mình.

Chi nhiều tổn lộc triều đình,

Cổ đao nhiều ít làm danh công thần.

Thủy sơn lên núi đề chân,

Đao đưa mười dậm đến gần Mỹ Hương.

Lấy làm ơn nước lộc thường,

Ái Châu bán ruộng hiệu đồng thác đao”.

Xem thêm: Lê Phụng Hiểu: Danh tướng đánh đâu thắng đó, vang danh sử sách với "nhát gươm định loạn"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận