Danh thần Đặng Đăng Độ - mang gông về kinh chịu tội nhưng lại được chúa thăng chức
Thời chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong có nhiều bậc quan tài danh hết lòng phụng sự, trong số đó không thể không nhắc đến Khâm sai tuần hành ngũ phủ Thỏa Lộc hầu Đặng Đại Độ.
Sử chép, danh thần Đặng Đại Độ (1728-1765) sinh ra trong một gia đình quan lại lâu đời ở làng Cư Triền, huyện Đăng Phong, phủ Quảng Bình, nay là làng Quảng Cư, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Tổ bốn đời của ông là Liễu Đại hầu Đặng Quý Công, thuộc dòng dõi quan lại lâu đời ở Thanh Hóa, làm đến chức Chưởng phụ thự vệ quản lãnh. Liễu Đại hầu đã chọn và lập làng Quảng Cư vào đầu thế kỷ XVI trên vùng đất địa linh. Nơi vua Lê Thánh Tông đã cho dựng chùa Phật Ngồi khi nhìn thấy khí thiêng sông chốn này trên đường hành chinh vào phương Nam năm 1470. Tại đây, hậu duệ Liễu Đại hầu đều học hành đỗ đạt, tám đời nối tiếp làm quan, hàng chục người được phong tước hầu, tước bá, nhiều người làm đến bậc đại thần nhà chúa Nguyễn.
Thân sinh của Đặng Đại Độ là Tuy Lộc hầu Đặng Đại Lược (1690-1764), nhờ có khí tiết và học vấn nên được bổ vào Văn Chức viện. Sau đó, ông được thăng làm Ký lục dinh Bố Chính năm 1741, Cai bạ dinh Quảng Nam (quản cai ba phủ là Thăng Hoa, Quảng Ngãi và Quy Nhơn) năm 1746. Quốc sử quán triều Nguyễn Đại Nam liệt truyện đánh giá Đặng Đại Lược là vị quan có tài, nổi tiếng thanh liêm. Lúc mất được đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, ban thuỵ Văn Chính.
Sử sách nhà Nguyễn cho biết Đặng Đại Lược là vị quan khí tiết, đức độ, thanh liêm nổi tiếng., Tuy làm quan to nhưng gia cảnh vẫn nghèo khó. Ông cai trị ở địa phương, người dân biếu đồ dân dã thì ông "chỉ lấy một cái" cho họ vui; biếu đồ có giá trị, ông đều khéo léo từ chối để không làm mất lòng.
Còn về Đặng Đại Độ, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng, Đại Độ có tiếng học giỏi, đỗ khoa thi Hương tiến, được bổ Văn chức, cùng cha làm quan một triều.
Năm 1748, ông được thăng Ký lục doanh Bình Khang (Khánh Hòa), rồi sau làm Ký lục Quảng Nam. Khi làm quan, Đại Độ liêm khiết còn hơn cha, ai đưa cho cái gì nhất thiết đều từ chối. Ông được người đời khen là trong sạch, là “băng thanh ngọc khiết”.
Xuất thân là quan văn nhưng Đại Độ cũng có tài cầm quân. Năm 1761, người Man Thạch Bích ở phía tây Quảng Ngãi nổi dậy chống phá triều đình. Chúa Nguyễn lệnh cho ông từ Bình Khang về cầm quân dẹp tan cuộc nổi dậy này.
Sau đó, ông được bổ làm Ký lục doanh Trấn Biên (vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai) mới được chúa Nguyễn mở mang. Thời đó, mỗi doanh (tương đương vài tỉnh hiện nay) được bổ nhiệm các chức Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục. Ký lục là chức quan cai quản việc hành chính, hình án.
Khi đó, hai người Cai đội hầu cận chúa đến Trấn Biên tìm bắt con hát (ca nhi). Hai người này cậy thế hống hách, làm nhiều điều trái phép, ức hiếp nhân dân. Đại Độ biết chuyện liền cho quân bắt lại, cho hành hình và treo ở cửa chợ. Sau đó, ông tự mặc áo đơn, đeo gông ngắn, đi bộ về kinh xin nhận tội.
Khi về đến kinh, Đại Độ có một đứa đi theo. Người cháu đó xin thuê người võng cáng cho đỡ mỏi. Đại độ nói: "Lại có hạng tội nhân mong được nhàn hạ ư?", rồi nhất quyết đi bộ.
Sau hơn 1 tháng, ông mới đến kinh đô Phú Xuân, vào trình bày tình trạng với Bộ Hình xin vào ngục để đợi định tội. Bộ Hình đem việc tấu lên, chúa Nguyễn cho gọi. Đại Độ vào chầu, vẫn chỉ mang áo ngắn, chúa Nguyễn Phúc Khoát thấy vậy thương cảm, sai cấp cho mũ áo triều phục.
Đại Độ trình bày sự việc, xin chịu tội. Chúa Nguyễn úy lạo, dụ rằng: "Khanh có tội gì, mà tự lao khổ như thế? Trước kia ta sai đi chọn một vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế hiếp người? Khanh giết đi là phải. Có tội gì đâu. Vậy bỏ qua việc ấy đi".
Chúa lập tức thăng Đại Độ làm Tuần phủ Gia Định, cho ông cho đi tuần hành 5 phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, được quyền bãi hay thăng chức các quan lại.
Đại Nam liệt truyện viết rằng: “Sự trạng cha con Đại Độ được Chúa biết đến muộn, cho nên sách Đại Nam Thực lục không kịp chép đến”.
Tuy uy danh lừng lẫy nhưng Đặng Đại Độ vẫn rất mực khiêm nhường, hết lòng tận tụy giúp chúa chỉnh đốn quan lại, giúp dân bình an xây dựng cuộc sống đến nỗi gục lên bàn làm việc mà chết. Hai con đưa ông về quê nhà, dọc đường quan lại và nhân dân bày hương án đón, bái biệt vị quan đáng kính. Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếc thương, ban thụy Trung Cần và cho dựng bia ca ngợi công đức (lăng mộ ông đã được di dời về khu lăng mộ cổ của dòng họ).
Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ là vị đại thần tài năng, đức độ, văn võ song toàn. Làm quan thanh liêm, công minh, chính trực, một lòng vì nước vì dân nên được chúa tin yêu, bạn đồng liêu quý trọng, nhân dân hết lòng tôn kính. Các học giả đánh giá về ông rất cao. Trong Dũng khí Đặng Đại Độ, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã so sánh: “Hình tượng Đặng Đại Độ gần với hình tượng Bao Công” và khẳng định ông là con người “trung trực hiếm thấy trên đời, soi sáng muôn đời”. Nhà giáo, nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi đánh giá ông “đáng mặt công thần lương đống”.
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần trong Lần giở trước đèn viết rằng: “Vì mục đích an dân, Đặng Đại Độ sẵn sàng nghiêm trị bất cứ một ai dám nhũng nhiễu dân. Thế ra, phép nước nghiêm hay không nghiêm, trước hết đều do ở người thực thi phép nước. Cổ kim vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên; nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ, quả thật là rất hiếm. Cuộc đời của ông đã vĩnh viễn khép lại từ lâu, nhưng khí khái của ông thì vĩnh tồn với đất Biên Hòa - Gia Định, với tất cả những ai khao khát quốc thái dân an”.
Sân khấu truyền thống dân tộc ghi nhớ Đặng Đại Độ bằng vở kịch nổi tiếng “Dũng khí Đặng Đại Độ”. Đặc biệt, vở kịch này đã được trình diễn trong Lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (1698-1998). Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số tỉnh thành khác đều có đường mang tên ông.
Xem thêm: Danh thần Nguyễn Duy - Được đặc cách phong chức nhờ những lời khen
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận