COVID-19 đẩy gia đình nhỏ vào cơn bĩ cực: Bố mẹ cạn tiền, con 4 tháng tuổi uống nước cơm thay sữa
Anh Viễn kể, nước cơm đun đậu xanh chính là "món" mới thay cho sữa để đứa con thơ 4 tháng tuổi uống mỗi ngày. Giờ đây vợ chồng cạn tiền, sống nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Anh Trần Dụng Viễn (SN 1990, quê Thừa Thiên Huế làm nhân viên sửa chữa xe bus ở Xí nghiệp xe bus nhanh BRT Hà Nội, thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) và chị vợ là chị Phạm Thị Hằng (SN 1993, quê Bắc Giang) hiện đang trọ trong căn phòng ẩm thấp chưa đến chục mét vuông cùng cậu con trai 4 tháng tuổi trong 1 con ngõ trên đường Trung Kính, phường Trung Hòa, Hà Nội.
Trong căn phòng ẩm thấp ấy, chị Hằng ôm con thơ ngồi trên giường còn anh Viên đang tất bật nấu ăn. Chỉ vào rổ trứng còn hơn chục quả, nửa quả bí đao và túi nilon đựng hơn 10kg gạo - anh Viễn cho biết: Đó đều là quà của các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình hơn 10 ngày trước. Những ngày này, 3 người trong nhà sống dựa vào tình thương của các mạnh thường quân.
"Các anh biết không, 7 ngày nay, vợ chồng em chưa được ăn miếng thịt, miếng cá, đồ tươi bởi tiền trong nhà đã cạn kiệt. May nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm thì vợ chồng em mới không đứt bữa", anh Viên nghẹn giọng khi kể về những ngày giãn cách xã hội vì COVID-19 hoành hành.
Cách chỗ anh Viễn nấu cơm không xa nơi chị Hằng ngồi bón món sữa "tự chế" cho con trai. Do ăn uống không đủ chất nên da chị tái xanh, nhợt nhạt... và cũng chẳng đủ sữa mẹ cho con bú.
Nhìn đứa con trai bé bỏng đáng thương, chin Hằng rơm rớm nước mắt tâm sự: "Vợ chồng em lấy nhau đã 7 năm, do hiếm muộn nên phải chạy chữa nhiều nơi, tốn kém rất nhiều tiền bạc mới sinh được cháu. Không may cho gia đình, cháu mắc bệnh thiếu thận bẩm sinh (thận trái) nên sức khỏe không được bình thường như những đứa trẻ khác. Còn em, sau sinh do sức khỏe yếu nên không có sữa, cháu không được bú sữa mẹ mà phải dùng sữa ngoài”.
Trong lúc vợ tâm sự về hoàn cảnh, anh Viễn lấy một chiếc xoong nhỏ, trong đó đựng một chút nước lờ nhờ... Khi được hỏi thì anh nói, đó là nước cơm chắt ra rồi đun với chút đậu xanh chế thành "sữa" cho con uống. Nhưng do không ngọt, thơm như sữa bột nên cu cậu chẳng chịu mút.
Khi được hỏi sao không cho con uống sữa bột, giọng anh Viễn trùng xuống đáp: "Sữa bột cũng gần hết nên chúng em dành cho cháu bú bình vào buổi tối, còn ban ngày vợ em cố gắng dỗ, nựng cho nó uống nước cơm đun với đậu xanh. Vừa để đổi món, vừa đỡ tốn sữa".
Để con có thêm chất, chống lại bệnh tật, hàng ngày anh Viễn lân la hàng xóm trong trọ xin các bà mẹ khác ít sữa cho con bú... Trộm vía, từ lúc sinh đến nay cậu bé rất ngoan, ít quấy khóc bố mẹ.
"Do sức khỏe yếu nên cháu phải bỏ một vài mũi vaccine và đang trong diện phải tích cực theo dõi về sức khoẻ. Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy con quấy khóc, sốt, đi tiểu ra máu thì phải đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay nhưng hiện giờ trong nhà em chỉ còn hơn 100.000 đồng, nhỡ may cháu nó ốm thì lấy đâu ra tiền đi cấp cứu”, chị Hằng gạt nước mắt tâm sự. Cũng theo chị Hằng, nguyên nhân 'cạn tiền' là do hai vợ chồng phải dồn tiền trả chi phí 2 tháng thuê nhà.
"Chúng em đã có lời với chủ nhà trọ là do COVID-19, xí nghiệp dừng hoạt động từ hơn 2 tháng nay nên không thu nhập, xin khất sẽ trả khi đi làm trở lại nhưng chủ nhà trọ không đồng ý. Em phải vay của đồng nghiệp 2,8 triệu đồng và vét những đồng tiền cuối cùng để trả tiền thuê phòng, tiền điện, tiền nước… gần 6 triệu đồng”, anh Viễn cho biết.
Nói về hoàn ảnh của gia đình anh Viễn, ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Xí nghiệp xe bus nhanh BRT Hà Nội cho biết: "Khi chưa có dịch COVID-19, gia đình Viễn - Hằng đã rất khó khăn bởi hai vợ chồng sức khoẻ đều yếu, lấy nhau nhiều năm nhưng chưa có con. Chạy chữa rất tốn kém, làm ra bao nhiêu tiền thì chi phí hết cho khám chữa bệnh. Vợ chồng mãi mới sinh được con trai thì cháu lại mắc bệnh về thận. Cặp đôi này đúng là “cặp đôi hoàn cảnh” nhất xí nghiệp. Nay dịch COVID-19 đã đẩy Viễn vào bĩ cực hơn vì không có việc, không thu nhập, con thì ốm đau, vợ thất nghiệp, gia đình hai bên cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ được”.
Hiện nay, anh Viễn và các đồng nghiệp tại xí nghiệp đều mong được nhận khoản hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
“Ngày 1.9, xí nghiệp đã nhận được quyết định hỗ trợ từ UBND quận Ba Đình, tuy nhiên đến nay, 584 cán bộ, người lao động vẫn chưa nhận được tiền. Nếu Viễn nhận được 3,7 triệu đồng thì đúng là “trời hạn gặp mưa rào”,ông Dũng cho hay.
Trong lúc khó khăn này, rất mong các mạnh thường quân dang tay giúp đỡ để vợ chồng anh Viễn vượt qua cơn bĩ cực này.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận