Bỏ sổ hộ khẩu, công dân thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan thế nào?

Khi sổ hộ khẩu bị "khai tử", công dân chỉ cần mang thẻ Căn cước công dân gắn chip ra các cơ quan công quyền để thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan.

Đỗ Thu Nga
10:48 15/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Luật cư trú 2020 mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7. Luật Cư trú 2020 sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân được ghi trên Căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Khi luật này có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Theo luật này, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như  giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Kể từ ngày 1/7/2021, mọi thông tin về cư trú sẽ được cập nhật, thay đổi trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an cho biết: "Khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân không cần mang sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà chỉ xuất trình căn cước công dân gắn chip".

Theo Bộ Công an, hiện có khoảng 30 thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu như: đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, xin cho con học, đăng ký thường trú, tạm trú... Thế nhưng, từ 1/7, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip để làm các thủ tục trên. 

cong-dan-thuc-hien-thu-tuc-the-nao-khi-so-ho-khau-bi-thu-hoi-9
Sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 60 năm

Cán bộ làm thủ tục sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân thông qua mã số định danh cá nhân. Việc khai thác, tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ thay thế việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.

Cũng theo Bộ Công an, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kết nối thông suốt với dữ liệu chuyên ngành khác, người dân có thể đăng ký cư trú online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.

Mới đây, ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 14/5/2021. Theo đó, người dân có quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nộp cho cơ quan Nhà nước khi họ có nhu cầu. 

Hình thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thể khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.

Như vậy, người dân hoặc các cơ quan liên quan được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính cần chứng minh cư trú. 

Bên cạnh đó, đến hết năm 2022, khi sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị, người dân có thể chứng thực một vài bản trước khi đi thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu. Bởi khi tiến hành các thủ tục này sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu. Người dân có thể sử dụng bản chứng thực để thay thế khi bị thu hồi bản gốc.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Sổ hộ khẩu ra đời vào tháng 6/1964 và trải qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh. Tháng 11/2014, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Căn cước công dân, là tiền đề cho công cụ quản lý dân cư thay cho sổ hộ khẩu. Đến tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023.
Còn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kích hoạt 25/2, hiện quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã đến Trung ương, với hơn 40.000 người truy cập vào hệ thống.

Công dân cần sửa đổi/cập nhật thông tin các loại giấy tờ nào khi chuyển sang CCCD gắn chip?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận