Nghị lực phi thường của Anh Thư: Từ cô bé "chân thấp chân cao" bị bỏ rơi đến nữ họa sĩ tài hoa vẽ tranh nuôi mình, làm từ thiện

Ban đầu Anh Thư chỉ vẽ tranh để giải tỏa stress, để thỏa mãn đam mê. Nhưng lâu dần, tranh trở thành cuốn "nhật ký nhỏ", trở thành nguồn thu nhập giúp cô gái khuyết tật có thể nuôi sống bản thân và quay lại báo đáp xã hội.

Đỗ Thu Nga
08:00 07/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cô gái bị bỏ rơi

Anh Thư là cô gái khuyết tật đầy nghị lực. Bằng khả năng vẽ tranh, Anh Thư đã kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân. Ở tuổi 25, anh Thư có cuộc sống ổn định tại Sài Gòn.

Thế nhưng ít ai biết được, khoảng 4 - 5 tuổi, Anh Thư từng chịu cú sốc rất lớn. Cô gái 25 tuổi chia sẻ, khi đó, mẹ dẫn cô đến chơi ở chùa Bửu Sơn (Định Quán, Đồng Nai). Sau khi chơi mệt với bạn bè, Anh Thư mới nhớ ra mẹ và khóc đi tìm nhưng mẹ đã bỏ đi từ lâu. Từ đó, Thư được các sư cô trong chùa cưu mang, cho ăn học cùng hơn 30 đứa trẻ khác. 

"Có lẽ mình khuyết tật, nên mẹ mới bỏ", Thư kể.

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-khuyet-tat-Anh-Thu-6
Ngoài vẽ tranh, Anh Thư còn dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ

Từ nhỏ, Thư đã phải đối diện với ánh mắt thương hại của nhiều vị khách đến thăm chùa. Cô gái nhỏ không thích điều đó, Thư muốn mọi người xem mình là người bình thường.

"Suốt những năm học phổ thông, Thư theo học với những người bạn bình thường cùng trang lứa. Cô bé học khá, học kỳ nào cũng có giấy khen", sư cô Thích Nữ An Quý chia sẻ.

Dám sống, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình

Lớn thêm 1 chút, Anh Thư sống khép kín, ít nói chuyện. Nhiều người còn tưởng cô bị câm. Không có ai để chia sẻ buồn vui, Anh Thư gửi gắm tâm sự vào các nét vẽ. Lên cấp 2, khi được sử dụng điện thoại, cô bắt đầu tự học vẽ trên mạng.

Lên Đại học, Thư đậu vào ngành Công Công nghệ thông tin nhưng phần vì học phí quá cao, phần vì các sư cô định hướng cô theo học ngành dược. Mọi người muốn cô sau này có thể về quê mở một tiệm thuốc tây để kiếm sống. Công việc không quá nặng nhọc, phù hợp với một người khuyết tật, đi lại bất tiện như Thư.

Mong muốn theo học ngành mình thích không được, Anh Thư ở lại chùa thêm 1 năm. Năm 2016, cô theo học  ngành dược ở trường đại học Đại Việt Sài Gòn theo ý nguyện. Trong quá trình học chuyên ngành, Thư tham gia một tổ chức phi chính phủ, ở đây cô được dạy kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp và tiếng Anh.

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-khuyet-tat-Anh-Thu-0
Tranh của Anh Thư

Năm 2018, Anh Thư vẽ một bức tranh tặng tình nguyện viên của tổ chức từ Mỹ sang giảng dạy một khóa học mà cô tham gia. Trở về, người này kể lại với cấp trên của mình, người đàn ông Mỹ chủ động nhắn cho cô và tặng một hộp màu đắt tiền. Đồng thời, muốn cô vẽ một bức tranh về chú chó cưng đã qua đời của ông.

"Chú ấy bảo cho chú làm khách hàng đầu tiên của con. Với mình, tranh vẽ là món quà đặc biệt mình chỉ dành tặng cho những người yêu quý, mình chưa bán bao giờ", Thư kể.

Nhưng cũng vì muốn cảm ơn, cô bắt tay vẽ chú chó. Sau khi nhận tranh, người đàn ông tỏ ra xúc động và hạnh phúc. Cô gái thay đổi suy nghĩ: "Không ngờ vẽ tranh lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập, mà cũng làm cho người khác hạnh phúc".

Sau đó, người đàn ông này đã giới thiệu nhiều khách hàng nước ngoài cho Thư. Thời điểm đó, mỗi bức tranh cô nhận được 50 USD, mỗi tháng vẽ được vài bức Thư đã có thể tự kiếm được tiền.

Quay lại đền đáp xã hội

Tốt nghiệp cao đẳng, trước lựa chọn phải về quê mở tiệm thuốc tây theo ý nguyện của sư cô, Thư bất giác nghĩ rằng đây không phải là công việc mình đam mê. "Sống vì người khác quá lâu, mình quên mất rằng mình thật sự yêu thích điều gì. Khi quyết tâm thoát ra quá mạnh mẽ, mình quyết định trái lời sư cô, ở lại Sài Gòn tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp khác", Thư hồi tưởng.

Vừa ra trường, không tiền, không nghề nghiệp, không nhận được sự bảo trợ từ nhà chùa, Thư nhiều tháng phải sống cảnh nợ tiền trọ. Nhiều lần, cô chơi vơi nghĩ đến việc về chùa xin lỗi sư cô nhưng khi bình tâm lại, Thư lại nghĩ: "Nếu cuộc sống quá dễ dàng thì con người đâu cần nỗ lực. Mình luôn tin ngày mai sẽ tốt hơn, khó khăn sẽ sớm qua".

Chị Bảo Thy, giám đốc nhân sự của một công ty ở Đồng Nai đã quen biết Thư gần chục năm nay cho biết: Anh Thư bây giờ cởi mở, vui vẻ hơn ngày xưa rất nhiều. Lúc khó khăn nhất, em ấy vẫn luôn tin mình sẽ tự lập được".

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-khuyet-tat-Anh-Thu

Cũng thời gian đó, nhiều đơn hàng tranh thú cưng của người nước ngoài lần lượt đến, Thư chỉ biết lao vào vẽ để kiếm tiền sinh hoạt. Từ một bức 50 USD khổ giấy A4, Thư dần được trả lên 75 USD. Mỗi tháng vẽ được khoảng chục bức, cô gái nhỏ đã có thể tự nuôi sống mình giữa Sài Gòn.

Sư cô An Quý chia sẻ: "Chính vì quá thương và muốn bảo bọc nên muốn Anh Thư chọn lựa một nghề nghiệp an toàn. Nhưng đó là điều mình nghĩ, còn Thư lại có những suy nghĩ khác. Khi thấy cô bé tự lực vươn lên bằng tài năng của mình, chính tôi cũng thay đổi. Bây giờ, các em ở chùa tôi đều khuyên hãy học ngành mà con thích và kể câu chuyện bé Thư cho các em làm gương".

Bây giờ, Anh Thư không còn sợ phải đối diện với ánh mắt của mọi người nữa. Thay vì mặc cảm rằng họ đang thương hại mình, cô gái nghĩ, có thể vì mình khác biệt và xinh xắn nên được mọi người chú ý. "Mình phải thay đổi cách nghĩ của mình, chứ đâu có thể thể thay đổi cách nghĩ của thế giới", Thư lý giải.

Sắp tới, cô gái sẽ tham dự một buổi hướng dẫn vẽ tranh với tư cách là một họa sĩ tự do. Mọi lợi nhuận sẽ được ủng hộ để gây quỹ tổ chức chương trình từ thiện. "Mình có được thành quả hôm nay là nhờ sự giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần của rất nhiều người lạ không quen biết. Đã đến lúc mình làm gì đó để thấy những niềm tin của mọi người đặt vào mình là đúng đắn" Thư nói.

(Theo Dân trí)

Xem thêm: Cuộc đời truyền cảm hứng của Châu - họa sĩ khuyết tật vẽ ước mơ bằng miệng, bán tranh gây quỹ từ thiện

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận