Chuyện ông giáo hơn một thập kỷ miệt mài "tân trang" xe đạp cũ tặng học sinh nghèo

Hơn 10 năm qua, ông giáo Lê Trọng Kính tìm mua rất nhiều xe đạp cũ ở khắp mọi nơi về sửa chữa lại rồi tặng cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh kém khó khăn.

Đỗ Thu Nga
08:00 07/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hành trình "tân trang" xe đạp cũ của ông giáo Kính

Ông Lê Trọng Kính (hơn 70 tuổi) là nhân vật khá nổi tiếng ở phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình. Họ biết tới ông là người thường xuyên tặng xe đạp cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở trong và ngoài tỉnh.

Theo báo Giao thông, hơn 10 năm qua, ông Kính đã sửa chữa, tân trang hàng trăm chiếc xe đạp cũ để trao tặng cho trẻ em nghèo tại địa phương và các tỉnh miền núi, tiếp sức cho nhiều học sinh đến trường.

Ông Kính từng kể: Sau khi rời quân ngũ, ông nhận công tác giảng dạy kỹ thuật tại trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt - Xô. Đến khi về hưu, thấy nhiều gia đình bỏ đi những chiếc xe đạp cũ, ông liền mua về sửa lại để con, cháu trong nhà đi và cũng là cách lưu giữ hình ảnh một thời kỳ lịch sử.

Chuyen-ong-giao-hon-10-nam-tan-trang-xe-dap-cu-tang-hoc-sinh-ngheo

“Từ lúc còn dạy trong nhà trường, tôi đã có niềm say mê với những chiếc xe đạp cổ như “phượng hoàng”, “peugeot”… nên thường sưu tầm. Khi đi qua những cửa hàng đồng nát, sắt vụn, tôi tìm mua lại từng linh kiện về lắp ráp. Rồi đến khi về hưu, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ của mình”, ông Kính kể.

Một lần nọ, cô con gái có chuyến thiện nguyện ở các tỉnh miền núi phía Bắc có chia sẻ câu chuyện, học sinh ở đó thiếu thốn trăm bề từ quần áo đến sách vở và phương tiện đi lại. Nghe thấy vậy, ông Kính liền gửi con gái mấy chiếc xe đạp vừa sửa xong tặng các cháu.

"Không ngờ, sau đó nhiều người thông qua chương trình đã cảm ơn tôi. Từ đó, tôi nghĩ đến việc lắp ráp, tân trang nhiều chiếc xe hơn nữa để tặng những gia đình và các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh mình. Khi làm được nhiều xe, tôi bắt đầu gửi tặng cho các cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để các cháu đến trường được thuận lợi hơn", ông Kính chia sẻ.

Cũng theo ông Kính, quá trình "tân trang" xe đạp mất khá nhiều thời gian do phải tìm kiếm thêm phụ tùng. Có khi phải mua đến 2,3 chiếc xe đạp cũ mới lắp ráp, tân trang thành một chiếc hoàn chỉnh. Nhanh thì cũng mất 2 ngày, không thì mất cả tuần, cả tháng mới cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Với những phụ tùng dễ mua, ông Kính tìm đến các cửa hàng sửa chữa ở địa phương mua. Còn với phụ tùng hiếm thì phải đợi người ta nhập về. Lắp ráp xong xe, ông lại tự tay sơn sửa để nhìn giống như mới.

Ngoài ra, ông cũng dành thời gian để đạp thử, kiểm tra chất lượng xe trước khi trao tặng, đảm bảo phải an toàn cho người sử dụng.

Hơn một thập kỷ làm việc tử tế

Tâm sự về việc "sưu tầm" xe đạp cũ, ông Kính cho biết: "Giờ nhiều người dùng xe máy, xe đạp điện nên những chiếc xe đạp cũ họ không sử dụng và đem bán. Trong khi đó, nhiều nơi còn thiếu thốn nên tôi tìm mua lại với giá 100 - 300 nghìn đồng rồi về tân trang, sửa chữa lại tặng các cháu học sinh nghèo không có xe đi. Kể cả trong tỉnh ai khó khăn, tôi đều gửi tặng xe. Trong hơn 10 năm qua, tôi đã hoàn thiện và trao tặng hơn 150 chiếc xe đạp cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Ninh Bình, Lai Châu, Quảng Trị, Thanh Hóa...”.

Còn bà Nguyễn Thị Năm (vợ ông Kính) thì chia sẻ: "Tôi cũng là giáo viên về hưu. Trước kia tôi có một chiếc xe đạp cũ nhưng bán đi vì thời đó khó khăn. Ông nhà tôi bắt đầu đi tìm mua lại và duyên làm sao lại tìm mua đúng chiếc xe của tôi, còn nguyên bộ giấy tờ đăng ký xe ngày đó.

Chuyen-ong-giao-hon-10-nam-tan-trang-xe-dap-cu-tang-hoc-sinh-ngheo-6

Con gái tôi vừa là giáo viên vừa làm công tác thiện nguyện nên cháu hỗ trợ việc trao tặng những chiếc xe đạp cho học sinh, người nghèo. Hiện nay, vợ chồng chúng tôi dành nguyên một gian nhà để sửa và xếp xe. Chúng tôi cũng đã có tuổi rồi, làm được gì giúp cho xã hội thì làm”.

Nhắc về ông Kính, bác Lã Văn Lương - Tổ trưởng Tổ dân phố 5 (cũng là hàng xóm với ông Kính) cho biết: “Là hàng xóm lâu nay, tôi không biết ông Kính mua xe về sửa cho các cháu học sinh và người nghèo. Tôi cứ nghĩ ông ấy mua xe về sửa để đi. Ông Kính âm thầm làm việc thiện đã hơn chục năm và là một tấm gương tốt của khu phố để nhiều người khác noi theo”.

Còn ông Đặng Văn Khương - Chủ tịch UBND phường Trung Sơn rất tự hào khi nhắc về người công dân Lê Trọng Kính: "Việc làm của bác Lê Trọng Kính rất đáng trân trọng, góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Bác Kính chính là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo và mong ngày càng có nhiều phần việc ý nghĩa dành tặng cho xã hội".

Xem thêm: 300 suất quà thiện nguyện ấm lòng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp 8/3

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận