Đời thăng trầm của Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam: Từng là nhà báo, điệp viên, bị thực dân Pháp bắt giữ

Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam có tên thật là Công Thị Nghĩa nhưng công chúng biết đến bà nhiều hơn với cái tên Thu Trang. Bà là người gốc Hà thành, từng hoạt động cách mạng, bị bắt tù đày rồi trở thành ký giả, tiến sĩ sử học...

Đỗ Thu Nga
16:00 10/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam là ai?

Ngày 20/5/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn (Sài Gòn), cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của các thí sinh sống ở khu vực phía Nam. Khác với các cuộc thi Hoa hậu thời nay, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên này không có màn trình diễn áo tắm. Người đoạt ngôi vị cao nhất năm đó là bà Công Thị Nghĩa (SN 1932).

Hoa hậu Công Thị Nghĩa quê gốc tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Năm 10 tuổi, gia đình bà theo cha vào miền Nam làm việc và ở lại Sài Gòn. Bà đăng quang ngôi vị Hoa hậu với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86-62-88, nặng 53kg.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-8
Hoa hậu Công Thị Nghĩa

Theo nhiều tư liệu hiện có, khi ấy, bà Nghĩa được đánh giá là mỹ nhân sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời. Làn da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú với lông mày cong vút, mắt buồn, môi mọng, sống mũi thẳng tắp. 

Hoa hậu Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với cái tên Thu Trang. Thu Trang cũng là bút danh của bà Nghĩa khi làm báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Hoa hậu hoạt động cách mạng, làm điệp báo và bị thực dân Pháp bắt giữ

Được biết, từ thời còn con gái, bà Công Thị Nghĩa đã đam mê viết văn, viết báo. Đặc biệt là nghiên cứu về sử học (sau này, bà là tiến sĩ sử học, hiện định cư tại Pháp). 

Vào năm 20 tuổi (1950), bà tham gia vào tổ chức Việt Minh với nhiệm vụ là hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Vào tháng 7/1952, mật thám của Pháp phát hiện vai trò của bà trong tổ chức và ra lệnh bắt giam tại bót Catinat (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch TP.HCM - đường Đồng Khởi, quận 1).

Sau khi thụ án ở bót này được một thời gian thì bà Công Thị Nghĩa bị chuyển qua Khám Lớn - Sài Gòn (nay là Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - đường Lý Tự Trọng, quận 1). Những ngày thụ án của bà chỉ được khép lại khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ thắng lý quan tòa trong phiên xử về tội danh bà mắc phải.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-6
Một trong những cuốn sách mà bà từng xuất bản

Bước chân ra khỏi rù, với vốn chữ nghĩa sẵn có, bà tham gia vào một khóa học ngắn và bắt đầu theo nghề ký giả, chuyên viết về văn hóa - nghệ thuật với bút danh Thu Trang. Đây cũng là bút danh chính bà dùng cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử sau này. 

Đến năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm phát đi thông báo tổ chức một cuộc thi Hoa hậu, thành phần ban giám khảo của cuộc thi gồm nhiều nhân sĩ, tri thức, nhà báo. Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên đã khuyên bà: "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi". Nghe lời rủ rê, bà Nghĩa đăng ký tham gia với mục đích ban đầu là để vui.

Ngày 20/5/1955, nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chính thức diễn ra. Gần như tất cả các mỹ nhân sinh sống ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận đều xuất hiện trong cuộc thi. 

Nhan sắc và tài năng của bà Công Thị Nghĩa đã vượt qua hàng loạt mỹ nhân khác để đăng quang Hoa hậu. Á hậu 1 thuộc về Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, người Cần Thơ.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-7
Nhan sắc xinh đẹp của Thu Trang ngày đầu đăng quang ngôi vị hoa hậu

Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà bà có được là một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác.

Nhà báo Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên) cho biết: "Lambretta thời điểm đó có giá lắm, mà anh không nhớ giá chính xác của nó là bao nhiêu. Chỉ biết đó là dòng xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này, mà bà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là "Hoa hậu Lambretta".

Cuộc tình tội lỗi với đạo diễn trẻ đã có gia đình

Sau khi trở thành Hoa hậu, cuộc đời bà bước sang một trang mới. Cũng như trào lưu bây giờ, bà trở thành nữ diễn viên trong nhiều bộ phim của Sài Gòn thời đó.

Vào năm 1956, bà đảm nhận các vai diễn trong nhiều bộ phim như Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)…

Đến năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang theo bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để làm hậu kỳ. Đồng thời, cũng là để tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đất nước mặt trời mọc.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-4
Tạo hình của Thu Trang trong phim Lục Vân Tiên

Gần một tháng sánh bước cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp ở Nhật, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa hai người nảy sinh tình cảm. Sau đó, bà Nghĩa có mang.

Trong cuốn hồi lý của mình, bà thổ lộ khá nhiều chi tiết về mối tình không lối thoát này. Bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh khỏi. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...) Ngang trái thay, tôi đã không biết ABC gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…) Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".

Về lại Sài Gòn, bà liên tiếp hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có gia đình. Mặc điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Sau này, bà vẫn cho con theo họ bố, đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên.

Cái tên như lưu dấu kỷ niệm về tình cảm mà bà dành cho vị đạo diễn đã có gia đình. Chắc chắn, đó là tình yêu chân thành và đầy vị tha. Sau nhiều năm qua đi, bà Nghĩa chưa từng mở miệng trách móc vị đạo diễn ấy một lời. 

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-5
Thu Trang trên bìa tạp chí Màn Ảnh số đầu tiên năm 1955

Là một mỹ nhân, lại đang trên đà danh vọng, đột nhiên lâm vào tình cảnh "không chồng mà có con", thế nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà suy giảm. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn quên  ngủ chính là… thi sĩ Bùi Giáng.

Giới văn nghệ Sài Gòn khi ấy chắc rằng câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con. Chứ không liên quan gì đến chuyện… nhãn cầu. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng, thì ai suy nghĩ sao… cũng được.

Ngoài việc bà là "tác nhân chính" cho câu thơ trên của Bùi Giáng thì thi sĩ còn viết nhiều bài thơ khác cho bà, có bài công bố, có bài không. Trong tập "Mưa nguồn" của Bùi Giáng in năm 1962, ông đã viết tặng bà như sau: "Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này".

Họa sĩ Bửu Ý, có công bố bài thơ do họa sĩ chép lại mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho bà với tựa đề chính là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách: "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ, Trang rất tệ".

Vực dậy từ những đau khổ

Với đạo luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả người từng tham gia cách mạng. Nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà Công Thị Nghĩa, khuyên bà nên rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.

Vào năm 1961, nhận lời mời tham dự tuần lễ phim ảnh tại Pháp, bà đã rời Sài Gòn và tìm cách định cư lâu dài ở đất nước này. 

Khi sống ở Pháp, bà Công Thị Nghĩa không hoạt động nghệ thuật mà quyết định quay lại với con đường tri thức. Bà thi cao học chuyên ngành lịch sử và triết học thuộc trường Đại học Sorbonne. Bà phải vừa đi học vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho hai mẹ con.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-0
Bà Thu Trang và con tại Pháp

Sau đó bà bảo vệ luận án tiến sĩ sử học với đề tài “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp” tại Đại học Paris VII năm 1978. Với việc sớm được tiếp cận kho lưu trữ của Bộ Thuộc địa, bà đã có những nghiên cứu rất giá trị về Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh trong giai đoạn ở Pháp, được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn. “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917- 1923” được xuất bản tại Việt Nam năm 1989 là một trong những đầu sách đáng chú ý của Tiến sĩ Thu Trang Gaspard - Hoa hậu Công Thị Nghĩa.

Vì nhiều lý do khác nhau, trong thời gian học tập và sinh sống tại Pháp bà không tiết lộ thân phận Hoa hậu của mình, chỉ một số rất ít người biết bà là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Sau này, bà có về lại nước để tham gia giảng dạy tại nhiều trường Đại học khác nhau.

Chuyen-doi-thang-tram-cua-Hoa-hau-dau-tien-o-Viet-Nam-9
Tiến sĩ Thu Trang trong một lần giảng dạy tại Việt Nam

Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn tiếp tục viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách và năm 1990, được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt Nam được yêu mến của thế kỷ 20. 

Ở tuổi xế chiều, bà được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Việt Nam. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp. Bà đã kết hôn với một bác sĩ nha khoa người Pháp tên Marcel Gaspard và sống hạnh phúc, bình yên.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Cuộc sống vạn người mơ của Hoa hậu Thu Ngân sau 6 năm lấy chồng đại gia hơn 19 tuổi

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận