Vị tri phủ làm quan trải 5 đời vua Lê bị kẻ ngoại thích đánh "chết đi sống lại" là ai?
Đám quan lại quyền thế đánh tri phủ Nguyễn Chí đến mức bất tỉnh rồi đem vứt ra đường. Người thân đau đớn tới đưa về chôn thì ông bất ngờ tỉnh dậy...
Nhà Lê Sơ được thành lập sau khi Lê Lợi phát động Khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại quân Minh. Ông đổi tên Giao Chỉ, vốn tồn tại trong thời gian nội thuộc nhà Minh thành Đại Việt, quốc hiệu có từ đời Lý Thánh Tông.
Thời đại Lê sơ có 10 vị hoàng đế thuộc 6 thế hệ. Đây là thời kỳ các hoàng đế nhà Lê nắm trọn được quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam.
Theo sử chép, nhà Lê bắt đầu lung lay, có dấu hiệu suy tàn dần kể từ khi vua Lê Túc Tông yểu mệnh qua đời vào năm 1504. Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ thực lục, quyển 4 có ghi rằng: Năm 1505 sau khi vua Lê Túc Tông mất mà không có con nối dõi, bà Kính phi là mẹ nuôi hoàng tử Lê Tuấn (em của Túc Tông) tính mưu kế dựng Lê Tuấn lên làm vua, tức vua Lê Uy Mục.
Vua Lê Uy Mục thích uống rượu, hay giết người, háo sắc, làm oai... Chính sự nhà Lê lúc này rơi vào tình cảnh rối ren, đất nước nhiễu loạn và chỉ 5 năm lên ngôi, ông ta đã bị giết chết.
Nói về vị tri phủ Nguyễn Chí, sử chép: Vị quan này làm Trung thư giám chính tụ thời vua Lê Hiến Tông và dưới thời Lê Uy Mục làm thiếu doãn phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long), sau đổi làm tri phủ Phú Bình.
Nguyễn Chí là người có tính khẳng khái, không chịu khuất lụy trước kẻ quyền thế nên bị Nguyễn Trọng - có quan hệ họ ngoại thích với vua Lê Uy Mục - tìm cớ bắt, rồi đánh đến bất tỉnh nhân sự. Nghĩ ông đã chêt,s Nguyễn Trọng sai quân mang xác vứt ra ngoài thành.
Con cháu của Nguyễn Chí hay tin, đau đớn ra ngoài thành nhặt xác, lấy chiếu bó rồi đem về định chôn thì ông bất ngờ tỉnh dậy. Sợ bị lộ, ông phải trốn trong nhà, chịu cảnh khổ cực ngày ở dưới hang, đêm ngủ cành cây.
Sau đó, vợ con ông phải dùng kế "kim thiền thoát xác", lấy hài cốt của người khác đem chôn, giả làm đám ma, để tang như thường lệ.
Những năm sau đó, triều đình dưới sự cai trị của vua Lê Uy Mục đã hết sức ngả nghiêng. Những người họ ngoại của vua chuyên quyền cạy thế, kìm hãm quan lại, có khi vì ý riêng mà giết hại dân lành hoặc yêu sách của... Nhân dân đều oán thán mà vua không thay đổi.
Năm 1509, viên tướng Nguyễn Văn Lang bị vua đổi về nhà đã cùng đại thần tôn thất là Nghị quận công Lê Năng Cẩn và Giản Tu công Lê Oanh nổi dậy khởi nghĩa.
Khi quân khởi nghĩa của Giản Tu công từ Tây Kinh (Thanh Hóa) đánh ra để chống lại vua Lê Uy Mục, Nguyễn Chí sau 3 năm ở ẩn đã xin gia nhập dưới trướng, được cho làm "bí thư xá nhân", được ban cho tên là Hoàn Sinh (người đã chết mà còn sống lại).
Cuối tháng 8/1509, quân của Giản Tu công tiến vào Thăng Long, bắt được vua Uy Mục rồi giết. Tháng Chạp, Giản Tu công lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 1, tức là vua Lê Tương Dực.
Nguyễn Chí sống đến hết thời vua Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, cho đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê (1527). Ông còn được vua Mạc phong làm tri phủ ở phủ Nghĩa Hưng và ở Cao Bằng.
Xem thêm: Nguyễn Tri Phương - Danh tướng quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận