Lê Tuấn Thiện - bậc anh hùng xuất thân nông dân, giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi nhưng bị chính sử lãng quên

Nguyễn Tuấn Thiện chính là thủ lĩnh đội quân "Cốc Sơn" danh tiếng lừng lẫy ở Hà Tĩnh thời kháng chiến chống quân Minh. Ông từng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề kết nghĩa với Lê Lợi. Nhưng cuộc đời ông lại bị chính sử lãng quên.

Đỗ Thu Nga
09:00 15/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Xuất thân nghèo khó của Nguyễn Tuấn Thiện

Nguyễn Tuấn Thiện (1401-1494) hay Lê Thiện là một danh tướng, khai quốc công thần triều Lê sơ. Ông là người làng Phúc Đậu, xã Phúc Dương, nay là xã Sơn Phúc (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Vị anh hùng này sinh ra trong gia đình nghèo khó, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và đi săn. Từ nhỏ, ông mồ côi cha, những công việc trong nhà sớm phải tự gánh vác nên tỏ rõ là người chín chắn, trưởng thành. 

Nguyễn Tuấn Thiện lớn lên trong cảnh nước nhà bị giặc Minh xâm lăng, quê hương bị thống trị, nhân dân lầm than. Ông rất căm hận quân thù nên sớm nuôi chí diệt địch, cứu dân, cứu nước.

Chuyen-chua-ke-ve-vi-khai-quoc-cong-than-nha-Le-bi-chinh-su-lang-quen-6
Nguyễn Tuấn Thiện anh dũng trên sa trường

Ông tự đứng dậy, tập hợp một số bạn bè, người thân cùng chí hướng. Rồi cùng nhau luyện võ nghệ, thành lập quân đội với mục đích bảo vệ xóm làng trước sự cướp bóc của quân Minh.

Đội quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện làm thủ lĩnh đã làm chủ được toàn bộ Hương Sơn, gây được sức ảnh hưởng lớn ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Chuyện kết nghĩa cùng Lê Lợi

Cũng phẫn nộ trước sự đàn áp của giặc Minh, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân có nhiều trận đánh quan trọng và giành thắng lợi. Sau đó, nghĩa quân tiến dần vào vùng Hương Sơn. Nguyễn Tuấn Thiện biết tin liền huy động nhân dân trong vùng cùng tham gia với nghĩa quân của Lê Lợi.

Sau một thời gian hợp tác cùng chống giặc Minh, Nguyễn Tuấn Thiện cùng với Lê Lợi giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề kết nghĩa anh em dưới gốc cây thị ở xóm Nậy (xã Sơn Phúc), quyết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược. Từ đó đội quân Cốc Sơn trở thành bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn.

Cũng từ đó mà người dân địa phương về sau vẫn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử này:

" Cắt tóc, giết ngựa trắng

Dưới gốc thị thề nguyền

Nguyện đồng tâm đồng chí

Phá giặc xây cơ đồ"

Trải 10 năm chống giặc Minh xâm lược, Nguyễn Tuấn Thiện cùng các tướng lĩnh khác như Đinh Liệt, Trịnh Khả, Lê Sát, Nguyễn Xí đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt, ông được phong làm Đô tổng quản phó nguyên soái.

Chuyen-chua-ke-ve-vi-khai-quoc-cong-than-nha-Le-bi-chinh-su-lang-quen-0
Vua Lê Lợi

Với tài thao lược của mình, Tuấn Thiện đã góp sức cùng Lê Lơi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn hoàn thành sức mệnh dẹp sạch bóng quân thù, giành lại độc lập, tự chủ.

Vào năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Nguyễn Tuấn Thiện được liệt vào hàng khai quốc công thần và được phong làm Tĩnh nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô tổng quản phó nguyên soái Trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ Đại tướng quân (tước Đại trí tự) và được Vua ban quốc tính họ Lê.

Trong Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam tác giả Đinh Xuân Lâm,Trương Hữu Quýnh NXB Giáo Dục có viết: "....Hai người tổ chức lễ thề, kết làm anh em. Đội quân Cốc Sơn trở thành một bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn, vùng Phúc Đậu thành đại bản doanh của Lê Lợi.

Giữa năm 1426, Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy một đạo quân ra Quảng Oai (Ba Vì- Hà Tây) góp phần quan trọng trong chiến thắng ở cầu Nhân Mục (tháng 10 năm 1426).

Tháng 11 năm 1426, ông lại cùng các tướng Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, bố trí quân chặn đánh Vương Thông trong chiến thắng Tốt Động- Chúc Động.

Sau chiến thắng này, Ông được Lê Lợi điều lên Bắc Đạo chặn địch. Đầu năm 1428, ông được xếp vào hàng công thần khai quốc. quản lĩnh vùng Lạng Sơn...".

Thế nhưng khi đại họa nghi kỵ giết hại công thần xảy ra, Nguyễn Tuấn Thiện xin cáo quan về quê ở ẩn, tránh xa các cuộc thanh trừng nơi chốn quan trường.

Chính sử đã lãng quên vị anh hùng nông dân

Dù là khai quốc công thần nhưng tên tuổi và cuộc đời của Nguyễn Tuấn Thiện ít được nhắc đến. Có vẻ như chính sử đã lãng quên ông. 

Tuy nhiên, nhân dân vẫn mãi ghi nhớ công lao của vị tướng tài giỏi này trong việc giành lại độc lập cho đất nước, bảo vệ nhân dân trước kẻ thù. 

Trải qua 5 thế kỷ, Mộ ông vẫn được bảo vệ nguyên trạng trên Kim Quy Sơn, được con cháu trong họ và nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo và hương khói thường niên.

Đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện gồm 2 toà nhà, kiến trúc theo kiểu chữ Nhị 二, diện tích khoảng 3000m2, cao hơn mặt ruộng 1,5m, xung quanh và trên khu gò trồng nhiều loại cây như bạch đàn, long não, xà cừ... Toà thượng điện gồm 3 gian tường xây bao quanh lợp ngói vảy, gỗ làm nhà hầu hết bằng mít và lim, bên trong là nơi đặt bàn thờ thần chủ và bức trướng gỗ sơn son thiếp vàng ghi phổ hệ và gia tước do Lê Lợi phong cho. Nhà bái đường nằm ở phía trước thượng điện làm bằng cột gỗ vuông, mái lợp ngói mới hiện đại và trong nhà bái đường có đặt “ Hòn đá buộc voi của Đức Hầu - Nguyễn Tuấn Thiện”.

Chuyen-chua-ke-ve-vi-khai-quoc-cong-than-nha-Le-bi-chinh-su-lang-quen
Đền thờ và mộ tướng Nguyễn Tuấn Thiện

Phía sau đền thờ là mộ của ông, mộ đất có hình chóp, đường kính 7m, cao khoảng 2m, nhìn vào như là một gò đất cao nổi lên sau đền thờ. Sau những năm tháng phụng sự Lê triều, về trí lão được triều đình cho chọn đất Ninh Xá để an trí, ông đã tự tìm cho mình đất an táng ở Kim Quy Sơn, trải qua hơn năm thế kỷ lăng mộ của ông vẫn được bảo vệ nguyên trạng từ bấy đến giờ.

Đền thờ của ông hiện ở xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lời bình: Có thể nói, Nguyễn Tuấn Thiện là một vị tướng không chỉ giỏi về mặt cầm quân trên chiến trường mà còn là một người khá nhạy bén với thời cuộc. Ra đi từ một chàng trai nông dân áo vải bình dị và cuối đời cũng an nhàn chốn quê hương. Không bon chen với đời, không ham vinh hoa phú quý, địa vị tiền tài, biết tiến lùi đúng lúc. Ấy mới là bậc anh hùng đáng ngưỡng mộ.

Xem thêm: Chính sử đã "quên" ghi rõ công lao của những vị tướng nào trận Bạch Đằng 938?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận