Chính sử đã "quên" ghi rõ công lao của những vị tướng nào trận Bạch Đằng 938?

Mặc dù là một chiến thắng quan trọng bậc nhất nhưng bên cạnh Ngô Quyền, chính sử đã không ghi rõ về công lao của nhiều người khác trong trận Bạch Đằng năm 938.

Đỗ Thu Nga
09:00 30/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đại Việt Sử ký toàn thư viết về trận Bạch Đằng thế nào?

Vào cuối năm 938, theo sự cầu cứu của Kiều Công Tiễn vua Nam Hán là Lưu Giang sai hoàng tử Hoằng Tháo (cũng có sách chép là Hồng Thao, Hoằng Thao, Hồng Tháo) đem 200 chiến thuyền tiến đánh Giao Châu, còn mình thì đóng quân ở Hải Môn (tỉnh Quảng Đông ngày nay) để sẵn sàng tiến quân tiến ứng. 

Tuy nhiên, khi đại quân của chúng còn chưa tới nơi thì Kiều Công Tiễn đã bị chết. Mất đi nội ứng từ bên trong, quân Nam Hán chẳng khác gì "rắn mất đầu". Nhân cơ hội này, Ngô Quyền đã dụ quân Nam Hán vào sông Bạch Đằng đánh cho chúng thảm bại.

nhung-vi-tuong-trong-tran-bach-dang-938-bi-chinh-su-quen-ghi-ro-cong
Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán. (Tranh dân gian Việt Nam, Public Domain)

Nói về trận Bạch Đằng, trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư chép khá ngắn gọn: 

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.

Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa sông. Khi nước triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về.

Mặc dù là một chiến thắng quan trọng bậc nhất nhưng bên cạnh Ngô Quyền, chính sử không ghi rõ công trạng của những vị danh tướng khác.

Ai là tác giả kế sách đóng cọc nhọn trên sông?

Đóng cọc nhọn trên sông rồi cho quân giả thua để dụ quân Nam Hán vào bãi cọc nhọn là kế sách tài tình. Trong cuốn Ngọc phả ở xã Lương Xâm (nay là phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) còn gọi là “Ngọc phả về Tiền Ngô Vương Thiên tử” ghi chép rằng:

"Khi Ngô Quyền cùng các tướng bàn kế sách, Ngô Xương Ngập đã hiến kế: “Quân địch có lợi thế ở chiến hạm, ta chưa chuẩn bị trước thì thắng thua chưa biết thế nào. Xin Vương cho trồng cọc ở hai bên cửa biển, khi nước thủy triều dâng lên, sai người lấy thuyền nhẹ giao chiến với quân địch, giả dạng thua chạy để mà đánh, tất quân của Hoằng Tháo tự như ngói mà tan vỡ”. Ngô Quyền cho là phải và quyết định thực hiện theo kế sách này.

nhung-vi-tuong-trong-tran-bach-dang-938-bi-chinh-su-quen-ghi-ro-cong-8
Hiến kế lập trận địa cọc ngầm

Theo ghi chép của Ngọc phả này thì con trai trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chính là người đã nghĩ ra kế đóng cọc nhọn phá quân Nam Hán.

Không chỉ hiến mưu hay kế lạ, trong trận Bạch Đằng lịch sử năm ấy, đích thân Ngô Xương Ngập còn trực tiếp chỉ huy một cánh quân đánh giặc. 

Ai là người chọn địa điểm trận đánh?

Theo báo Dân Việt, người dâng kế sách lựa chọn quyết chiến trên sông Bạch Đằng là Kiều Công Hãn - em trai của Kiều Công Chuẩn, cháu nội của Kiều Công Tiễn.

Khi đó, Kiều Công Tiễn làm chuyện thoán nghịch, giết Dương Đình Nghệ rồi chạy sang Tàu cầu quân Nam Hán. Kiều công Chuẩn cố ngăn cản cha mình không được. Vì lo lắng cho an nguy xã tắc nền đã viết thư nêu rõ việc xấu xa cha mình làm rồi đưa cho con trai mình là Kiều Công Hãn cầm đến Ái Châu (Thanh Hóa) giao cho Ngô Quyền.

nhung-vi-tuong-trong-tran-bach-dang-938-bi-chinh-su-quen-ghi-ro-cong-7
Bỏ thù giết ông nội, Kiều Công Hãn giúp Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán

Khi Ngô Quyền cho nghị bàn kế sách đánh giặc, Kiều Công Hãn đã hiến kế rằng: "Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La (tên cũ của thành Thăng Long). Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng".

Ngô Quyền khen kế hay liền nghĩ ra thế trận Bạch Đằng để tiêu diệt giặc. Theo tác giả Lê Thái Dũng trong trận đại thắng trên sông Bạch Đằng, Kiều Công Hãn có nhiều công trạng nên khi Ngô Quyền lên ngôi vua đã phong Kiều Công Hãn chức Đề sát.

Sau này, khi nhà Ngô sụp đổ, do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, Kiều Công Hãn trở thành một trong 12 sứ quân.

Ai là người lập trận địa cọc dưới sông Bạch Đằng

Ngô Quyền nghe theo lời đề xuất của Kiều Công Hãn, giao cho em vợ tức là con trai của Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha lập trận địa cọc dưới sông.

Theo bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) thì “Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống.”

Tướng Dương Thục Phi và Dương Cát Lợi quê ở Ái Châu đều là gia tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

nhung-vi-tuong-trong-tran-bach-dang-938-bi-chinh-su-quen-ghi-ro-cong-6

Còn theo Thần phả đình Đạo Truyền thì Ngô Quyền cũng sai Phạm Đức Dũng (người ở thôn Đạo Truyền nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam) cho quân chặt cây làm cọc nhọn có bịt sắt rồi cắm xuống sông Bạch Đằng để tạo thành trận địa cọc. 

Hoàng Công Thái là người địa phương rất thông thạo địa hình sông nước nơi đây đã giúp Phạm Đức Dũng tìm ra vị trí thuận lợi nhất để tạo trận địa cọc.

Ai là người giả thua nhử quân Nam Hán vào trận địa Bạch Đằng?

Sau khi trận địa cọc làm xong thì cũng là lúc Ngô Quyền chuẩn bị xong quân mai phục hai bên bờ sông. Tuy nhiên, việc cấp bách bây giờ là cần có một người làm chỉ huy cánh quân đánh rồi giả thua. Người này cần am hiểu về thủy triều lên xuống, khi giả thua rút đi là lúc thủy triều lên, như thế thuyền quân Nam Hán mới dễ dàng theo thủy triều tiến vào trận địa cọc. Ngoài ra, khi giả thua vừa đánh vừa rút thì phải làm sao cho khi nhử quân Nam Hán vào ngay trận địa cọc cũng phải là lúc thủy triều rút. Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn?

Theo bản Ngọc phả xã Lương Xâm, người tình nguyện đảm nhận việc chỉ huy đoàn quân giả thua là Nguyễn Tất Tố, người làng Gia Viên (nay thuộc Hải Phòng). 

nhung-vi-tuong-trong-tran-bach-dang-938-bi-chinh-su-quen-ghi-ro-cong-5

Để thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn này, Nguyễn Tất Tố đã tìm mời bạn mình là Đào Nhuận và ba anh em Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo quê ở Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cùng mình tham gia.

Theo Thần tích về nữ tướng Dương Phương Lan người làng Yên Nhân (nay là thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vợ của Ngô Quyền, thì bà cũng trực tiếp chỉ huy một đội thuyền nhử quân Nam Hán vào bãi cọc ngầm.

Ai là người giết Hoằng Tháo?

Như đã chia sẻ ở bên, Hoằng Tháo là người chỉ huy 200 chiến thuyền tiến đánh nước Việt. Sau vài trận thắng dẫn đến chủ quan, cho toàn quân đuổi cùng giết tận quân nước Việt. Và sự hiếu thắng này đã đẩy chúng vào trận địa cọc đã được quân của Ngô Quyền bố trí từ trước. 

Kết quả, quân Nam Hán đại bại. Sử sách chỉ ghi chép khả ngắn gọn: Bắt được Hoằng Tháo rồi giết đi.

Bản thần tích đền Cổ Lễ (nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) ghi chép lại rằng: “Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Tháo.”

Tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ (Nam Định) có câu đối:

Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,

Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong.

Nghĩa là:

Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,

Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.

Về lý do Hoằng Tháo tử trận thì sử Trung Quốc cũng không ghi rõ. Có nhà nghiên cứu từng cho rằng, Hoằng Tháo tử trận do thuyền trúng cọc bị chìm và chết đuối.

Bên cạnh những danh tướng góp công đã được nên trên thì cũng không thể không nhắc đến công lao của những người khác như: Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lãnh, v.v..

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là chiến thắng vô cùng quan trọng. Đây là cột mốc chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Xem thêm: "Độc nhĩ đại vương" Đỗ Cảnh Thạc - trung thần giúp Ngô Quyền bình thiên hạ, đánh tan quân Nam Hán

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận