"Độc nhĩ đại vương" Đỗ Cảnh Thạc - trung thần giúp Ngô Quyền bình thiên hạ, đánh tan quân Nam Hán

"Độc nhĩ đại vương" Đỗ Cảnh Thạc danh tướng phò suốt 3 đời nhà Ngô, trải qua bao biến cố vẫn giữ lòng trung quân, không màng danh lợi, cống hiến cả đời cho dân, cho nước.

Đỗ Thu Nga
17:00 29/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Độc nhĩ đại vương" Đỗ Cảnh Thạc là ai?

Đỗ Cảnh Thạc (912 - 967) là tướng nhà Ngô, sau trở thành một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai (Hà Nội) được các nhà nghiên cứu sử dụng để bổ sung cho sử liệu có viết về thân thế của Đỗ Cảnh Thạc. Theo đó, cha ông là Đỗ Thục, người Quảng Lăng (nay là Giang Tô, Trung Quốc), mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, ấp Động, huyện Thanh Oai ngày nay. Thời Ngũ đại Thập quốc tương đương thời kỳ tự chủ Việt Nam, Đỗ Thục sang Tĩnh Hải quân và sinh ra Đỗ Cảnh Thạch năm Nhâm Thân (912). 

Thần phả Đỗ tướng công có chép lại nguyên do ông mất một bên tai như sau: "Một hôm giặc vào bắt lợn của nhà, ông xông ra giằng lợn lại bị chúng đánh đập, cáu tiết ông giằng chiếc đòn khiêng lợn đánh túi bụi, sau vì thế cô mà bị chúng quây bắt trói lên cây và xẻo mất một bên tai. Sau việc này, lòng căm thù sôi sục, ông quyết tìm thầy học võ".

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn chú rằng, Đỗ Cảnh Thạc "người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông". Xuất thân trong gia đình quý tộc, ông bị mất 1 tai trong lần giao chiến vì chạy loạn xuống phương Nam.

doc-nhi-dai-vuong-do-canh-thac-la-ai-0
Đình Ngô Sài (Quốc Oai, Hà Nội) thờ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc (Ảnh: Khoa học và Đời sống)

Theo website "HỌ NGÔ VIỆT NAM", tương truyền: Thuở thiếu thời, cậu bé họ Đỗ tỏ ra thông minh khỏe mạnh. Lên 8 tuổi đã biết bày các trò chơi. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, theo cha đi săn.

Đến năm 16 tuổi đã có chí lớn, thấy bọn quan quân nhà Nam ức hiếp dân lành, giết người cướp của thì trong lòng sinh căm hận, chỉ muốn tiêu diệt hết cho bõ tức. Nhưng cũng chính vì tính khí ấy mà vị sứ quân tương lai mới... mất một bên tai về tay giặc Nam Hán.

Cứ liệu lịch sử ghi chép, một hôm, nhà bị giặc xông vào bắt heo, bất bình, ông xông ra đòi lại, nhưng bị giặc đánh đập. Bức tức, ông lấy đòn khiêng heo đánh lại. Nhưng vì thế mà ông vị giặc quây bắt lại, trói lên cây rồi xẻo mất tai trái.

Căm thù kẻ địch, ông quyết tìm thầy học võ trong 3 năm. Sau đó tiến vào con đường binh nghiệp dưới trướng của Dương Đình Nghệ và sau này là Ngô Quyền

"Cánh tay đắc lực" giúp Ngô Quyền bình thiên hạ

Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở vùng Thanh Oai thì ban đầu Đỗ Cảnh Thạc tìm về dưới trướng của Dương Đình Nghệ. Thế nhưng sau đó lại bén duyên với con rể họ Dương là Ngô Quyền lúc ấy đang trấn thủ Ái Châu. Khâm phục tài năng và chí khí của Ngô Quyền, ngày 15 tháng giêng năm Đinh Dậu (937), Đỗ Cảnh Thạc đã đem theo đội quân được xây dựng từ trước về với Ngô Quyền, tôn Ngô Quyền là Đại huynh.

Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp ngôi Tiết độ sứ. Đỗ Cảnh Thạc đã vào Ái Châu đi theo Ngô Quyền. Đến năm 938, ông giúp Ngô Quyền tham gia đánh bại Kiều Công Tiễn. Sau đó ông cùng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, bảo vệ vững chắc nền độc lập non trẻ mà dân tộc ta vừa giành lại được sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc vào năm 938.

doc-nhi-dai-vuong-do-canh-thac-la-ai-4
Đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng

Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, Đỗ Cảnh Thạc được phong làm thái úy đứng đầu võ quan triều đình.

Trong suốt cuộc đời làm tướng của mình, Đỗ Cảnh Thạc dần trở thành một cánh tay đắc lực phò giúp cho nhà Ngô lập nền tự chủ, dựng xây triều đại, được Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tán tụng là: “Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là một tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo”.

Sứ quân "độc nhĩ" nổi danh thiên hạ

Trước khi băng hà, Ngô Quyền chỉ định Thái tử Ngô Xương Ngập nối ngôi, nhờ em vợ là Dương Tam Kha phò giúp. Thế nhưng lợi dụng lòng tin của anh rể, Dương Tam Kha đã cướp ngôi nhà Ngô, tự xưng là Bình Vương. 

Trước biến động triều đình, hai anh em Xương Văn và Xương Ngập chạy về Hải Dương lánh nạn, chuẩn bị lực lượng chống lại Dương Tam Kha. Lúc này, Dương Tam Kha cũng sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc 3 lần đem quân đi lùng bắt Ngô Xương Ngập.

Tuy nhiên, Đỗ Cảnh Thạc không nỡ hãm hại con của Ngô Quyền nên đã giúp Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn giành lại thế lực thuộc về họ Ngô. Sau đó Dương Tam Kha bị lật đổ. Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục phò trợ 2 con trai của Ngô Quyền.

Đến năm 965, Ngô Xương Văn tử trận, nhà Hậu Ngô sụp đổ. Đây cũng là lúc các sứ quân nổi lên tranh hùng, tạo nên thời kỳ tranh giành, loạn lạc 12 sứ quân.

doc-nhi-dai-vuong-do-canh-thac-la-ai-0
Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân

Trong bối cảnh hoảng loạn đó, Đỗ Cảnh Thạc với thanh thế của mình, đã chiếm giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai), tự xưng là Đỗ Cảnh Công, hùng cứ một phương. Sứ quân của ông có thành cao hào sâu bao bọc. Trên hành trình dẹp 12 sứ quân thống nhất thiên hạ, Đinh Bộ Lĩnh bàn mưu tính kế rất cẩn trọng mới đánh bại ông.

Một lần nọ, Đỗ Cảnh Thạc thân chinh cầm quân ở Bảo Đà, vào ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân vây bốn mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quèn. Vì ở xa nên quân của Ngô Cảnh Thạc không thể ứng cứu nhau dẫn đến bị mất  thành lũy, đồn trại, lương thực nên phải bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành.

Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy và bị trúng tên chết ở chân núi Sài Sơn năm 967. Sau khi đánh bại Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập lên nhà Đinh, dựng nước Đại Cồ Việt, mở đầu cho một triều đại mới.

Hiện nay ở vùng đất Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Nội vẫn còn đền thờ Đỗ Cảnh Thạc. Đình Cổ Hiền ở xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, nằm ở gần sông Tích, được coi là vị trí trung tâm thành Quèn xưa của Đỗ Tướng Công, là nơi thờ thành hoàng làng "Độc nhĩ đại vương" Đỗ Cảnh Thạc.

Xem thêm: Danh tướng nước Việt khiến quân Hung Nô khiếp sợ, được Tần Thủy Hoàng đúc tượng, gả công chúa là ai?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận