Chàng IT mê Tiếng Việt, dùng cả thanh xuân để bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ

Lê Trọng Nghĩa (26 tuổi) - cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang là kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản. Thế nhưng ít ai biết được, anh chàng IT này lại nặng lòng với Tiếng Việt, dành 10 năm thanh xuân để phát triển dự án bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ.

Đỗ Thu Nga
10:00 22/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nếu lỡ "sa chân" vào trang "Tiếng Việt giàu đẹp", độc giả có thể được dẫn đi hết từ bất ngờ này đến thú vị khác. Bởi những từ, ngữ tưởng như rất đỗi quen thuộc hóa ra chưa chắc đã như chúng ta hiểu. 

Và ngạc nhiên hơn, trang web về Tiếng Việt ấy lại không phải do một nhà ngôn ngữ hay một "người già" lập ra, mà do do một người rất trẻ, theo ngành công nghệ thông tin, đang sống và làm việc tại Nhật Bản làm chủ nhiệm. Đó là chàng IT - Lê Trọng Nghĩa.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào Tiếng Việt

9x Lê Trọng Nghĩa chia sẻ, từ nhỏ đã yêu thích Tiếng Việt vì được tiếp xúc với tạp chí Kiến thức ngày nay. Trong tạp chí này, chàng IT tài năng ấn tượng với chuyên mục Chuyện đông chuyện tây của học giả An Chi. 

Và cũng từ đây, mỗi lần đọc anh lại thấy mình tìm được những cách giải nghĩa lý thú về các phong tục, tập quán và đặc biệt là nguồn gốc từ ngữ. Nói về việc mê Tiếng Việt nhưng chọn học công nghệ thông tin, Nghĩa giải thích: Việc ứng dụng 4.0 hiện nay có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ.

“Theo mình, ứng dụng công nghệ 4.0 rất quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ đặc biệt là tiếng Việt, vì đây có thể là nơi lưu trữ tài liệu, tư liệu, ngôn ngữ học là ngành có nhu cầu tra cứu rất lớn. Mình nhận thấy tại các nước trên thế giới, hầu như mỗi xã, phường, thị trấn đều có các thư viện. Và các thư viện đều có hệ thống tra cứu online. Qua tra cứu online, mọi người có thể tìm đến thư viện gần nhất để tìm cuốn sách mà mình cần”, Nghĩa nói. 

Chuyen-chang-IT-nang-long-voi-su-giau-dep-cua-Tieng-Viet-0
Trang Fanpage "Tiếng Việt giàu đẹp" của Lê Trọng Nghĩa

Và nếu truy cập vào trang "Tiếng Việt giàu đẹp" thì bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều từ ngữ được giải nghĩa khá thú vị. Ví dụ: “Sững sờ” hay “Sửng sờ”? Khi muốn miêu tả trạng thái quá ngạc nhiên đến nỗi không thể phản ứng lại, ta nên dùng từ “sững sờ” hay “sửng sờ”?

Hay “Minh tinh" là từ thường dùng để chỉ những nghệ sĩ danh tiếng, như trong “minh tinh màn bạc". Tuy nhiên nếu chịu khó tra cứu, ta sẽ thấy có những tư liệu định nghĩa “minh tinh" là “dải lụa ghi tên tuổi, chức tước của người mất trong đám tang". Tại sao lại có sự kì khôi như vậy? 

“Bồi hồi” có phải là cảm giác bồn chồn, lo lắng?

“Bí ẩn” sau từ “ba hoa”…

Nói về trang "Tiếng Việt giàu đẹp", Nghĩa chia biết, anh tạo trang từ năm 2012 khi còn đang là học sinh THPT. Thời điểm đó, trên facebook đã có những trang chuyên về tiếng Anh, tiếng Nhật nhưng vẫn chưa có trang nào nổi bật về tiếng Việt. Nghĩa chợt nhớ về ký ức tuổi thơ nên đã quyết định lập ra trang Tiếng Việt giàu đẹp để theo gương học giả An Chi, nhằm chia sẻ cái hay của ngôn ngữ đến với mọi người.

“Năm 2019, khi sắp kết thúc chương trình đại học tại Nhật, mình quyết định sắp xếp thời gian để đăng bài cho trang đều đặn mỗi ngày. Rồi dần dần trong quá trình mò mẫm, mình phát hiện được nhiều tư liệu quý và viết được nhiều bài chất lượng hơn”, Nghĩa bộc bạch.

Điều khó khăn nhất trong việc tìm kiếm và tra cứu tài liệu, có khi đã biết được tên sách mà không sao tìm được. Khi tra cứu hầu như các tư liệu đều sẽ có những hạn chế nhất định, tủy theo điều kiện nghiên cứu của học giả. Vậy nên, cần phải so sánh, đối chiếu nhiều tư liệu thì mới có thể rút ra được kết luận chuẩn xác nhất.

Dự án bảo tồn và phát huy Tiếng Việt

Theo Vietnamnet, Nghĩa tuy học khá môn Văn nhưng lại chọn thi khối A để vào ĐH Bách khoa và khối D để vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM. Cuối cùng chọn học công nghệ thông tin. Sau 2 năm học ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nghĩa giành được học bổng và sang Nhật du học tại ĐH Osaka.

“Vì ưu tiên cho việc học nên tôi đã bỏ mặc dự án 'Tiếng Việt giàu đẹp' một thời gian. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng viết một số bài đăng lên.

Đến năm 2019, Nghĩa cảm thấy mình thực sự trưởng thành sau khi đã hoàn thành chương trình đại học và quyết định ở lại làm việc tại Nhật Bản. “Tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với dự án Tiếng Việt giàu đẹp, với mong muốn có thật nhiều người tham gia hưởng ứng".

Ban đầu, Nghĩa chỉ tìm và chia sẻ những bài viết của học giả An Chi. Nhưng sau đó, anh đã tra cứu tận gốc các tài liệu để đưa lên trang và cũng tự viết được những bài chuyên nghiệp hơn. 

Đến năm 2021, Nghĩa và các cộng sự lần đầu tiên tổ chức dự án Ngày Tôn vinh tiếng Việt 21/2 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía cộng đồng…  Sau dự án, nhờ sự động viên của độc giả trong nhiều lĩnh vực, Tiếng việt giàu đẹp quyết định "bước từ mạng xã hội ra đời thực", chuyển mình từ một trang MXH sang một tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 40 thành viên, chuyên thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của Tiếng Việt.

Cho tới nay, Tiếng Việt giàu đẹp đã có được khoảng hơn 77.000 lượt yêu thích trên Facebook và mở rộng trên nhiều nền tảng như website, Youtube…

Chuyen-chang-IT-nang-long-voi-su-giau-dep-cua-Tieng-Viet-9
Chân dung chàng IT mê tiếng Việt

Lý giải về sự quyết tâm đầu tư cho dự án phi lợi nhuận, mỗi ngày “ngốn” vài giờ đồng hồ này, Nghĩa cho biết hiện nay nhiều kênh học tiếng nước ngoài trở nên cực kì phổ biến và được hàng triệu người hưởng ứng, theo dõi.

“Thế nhưng, song song với đó lại là sự mai một của Tiếng Việt khi những kênh bảo tồn Tiếng Việt lại không được dành nhiều sự quan tâm và chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng sai chính tả ngày càng nhiều và xu hướng cho rằng dùng Tiếng Anh hay tiếng khác nghe chuyên nghiệp, hiện đại hơn…", Nghĩa chia sẻ.

“Mọi người và trên báo chí hay các phương tiện truyền thông thường lên án cách dùng Tiếng Việt của nhiều bạn trẻ bây giờ. Chúng tôi không phê phán cái xấu mà chọn cách đề cao cái hay, cái tốt. Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng nhằm lan tỏa rộng rãi tới mọi người những tinh hoa của tổ tiên gửi gắm trong tiếng mẹ đẻ, để cộng đồng thấy được rằng ngôn ngữ dân tộc cũng hay, cũng đẹp, cũng đáng trân trọng không kém bất kỳ thứ tiếng nào trên thế giới”.

Khi được hỏi về những từ Tiếng Việt mà Nghĩa thích nhất, cậu cho biết có một từ nghe thì hơi buồn nhưng luôn khiến cậu cảm thấy thú vị. “Là từ “tang thương”. Từ này hiện nay vẫn đang được dùng với ý nghĩa đau buồn, giống như các từ tang tóc đau thương.

Thực tế, đây là từ gốc Hán, mà gốc Hán vốn là “tang thương”, mà “tang” là “cây dâu”, “thương” là “màu xanh”.

“Tang thương” vốn xuất phát từ câu “thương hải biến vu tang điền” tức biển xanh biến thành ruộng dâu, dùng để chỉ sự biến đổi của cuộc sống, cũng dùng để chỉ sự đổi thay của đời người. Đây cũng là nguồn gốc của từ “bể dâu”.

(T/h Thanh Niên, Vietnamnet)

Xem thêm: Xúc động du học sinh Việt mỗi tuần một lần đi dọn tượng Bác Hồ đặt ở Singapore

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận