Chí Phèo với sự thiện lương trong hình hài "quỷ dữ"

“Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?” (Chí Phèo - Nam Cao).

Đỗ Thu Nga
10:00 24/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

01

Hòa trong mạch sống khởi sinh, văn chương, dẫu được thể nghiệm qua lăng kính nào đi chăng nữa, thì vẫn vẹn nguyên giá trị cốt lõi nơi tầng vỉa sâu kín của hiện thực. Cái mãnh liệt, chua chát, đắng cay, hay ngọt bùi, tất cả, như đã quyện trong từng câu chữ mà khơi gợi những xác cảm sâu xa. 

Bắt nguồn từ những giá trị tốt đẹp, ban sơ nhất, con người, với cái bản nguyên vốn có trong mỗi cá nhân, bước vào đời bằng sự thiện lương khởi sinh nơi tâm hồn. Thế nhưng, dẫu "nhân chi sơ tính bản thiện", cái bản ngã ấy vẫn chẳng thể địch nổi sự chi phối từ tính vô thức tập thể mà cộng đồng đã tác động lên một cá nhân. Và có lẽ, giằng xé trong khủng hoảng bản sắc, cái căn tính của Chí khởi sinh từ những giá trị thiện lương vốn có, dường như đã bị chi phối bởi biết bao tác động từ cộng đồng, hình tượng hóa một Chí Phèo đội lốt hình hài "quỷ dữ", một "sản phẩm" từ xã hội với sự phi nhân tính đã tha hóa con người.

Quả thực, Chí Phèo vốn có "xấu" đâu...

02

Anh Chí, trong sự cưu mang của cộng đồng dưới "cái mác" một đứa trẻ bị bỏ rơi, cũng đã từng lương thiện vô cùng. Anh cũng từng  “ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng mướn cuốc cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm".

Chi-Pheo-voi-su-thien-luong-trong-hinh-hai-quy-du-7

Kỳ thực, bình dị mà đơn giản, những ước mơ của Chí có lẽ đã hình tượng hóa rõ nét cho cái bản chất lương thiện trong anh. Chí từng mang trong mình những ước mơ, cũng từng cố gắng làm ăn chân chính để hiện thực hóa khát vọng của mình. Thế nhưng, dưới ngòi bút của Nam Cao, thật mỉa mai làm sao khi bao giá trị hướng thượng ấy vẫn tựa một bản án dành cho kiếp người bị đọa đầy trong khổ sai. Thương xót thay, trong cái xã hội bất công thuở nào, Chí mặc cho sự nhen nhóm của thứ khát vọng hoàn lương, vẫn phải trả một cái giá quá đắt so với những gì anh đã bị tước đoạt. 

Quả thực, xã hội nuôi dưỡng Chí và cũng chính xã hội trở thành căn nguyên cho hình tượng "Chí Phèo" xuất hiện. Chẳng mảy may chút lương tri, chính ngục tù và ánh mắt mang nặng định kiến của cộng đồng tự như một con dao cắt đứt thứ nhân tính trong người anh...

03

Được khơi gợi bởi dòng cảm xúc, ta đã nhận ra bao ước muốn của Chí với khát khao hoàn lương trước tình yêu dành cho Thị Nở. Nếu không có sẵn bản tính lương thiện, liệu anh có mang một khát vọng "trở lại làm người" mãnh liệt như thế? Kỳ thực, trong Chí vẫn luôn đau đáu một nỗi đau khi trở thành "con quỷ của cộng đồng", vẫn còn đó tính "con người" trong bao tầng suy nghĩ sâu thẳm nhất của tâm can. Quả thực, Chí vẫn còn đó sự thiện lương, mặc cho cái dáng vẻ mà anh đã trở thành - một "con vật lạ" trong mắt những "kẻ vô tội". Và có lẽ, qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, vẫn còn đó một tia hi vọng le lói giữa cái đen tối của một xã hội với đầy "lũ ác nhân".

04

Sẽ chẳng thể tha thứ cho cơn say mà Chí Phèo đã mượn nhằm giết Bá Kiến. Thế nhưng, có lẽ, anh cũng chỉ là một nạn nhân của xã hội. Mơ màng, đau đớn trước cái bản án về tấn bi kịch của một cá nhân. Dường như, chính bước đường cùng ấy đã tựa như "một giọt nước tràn ly", đưa nỗi oan ức của Chí Phèo thoát ra khỏi cái vô hình hóa của cuộc đời mà trở thành hình tượng cho cái chết nơi trang văn, một cái chết của Bá Kiến và chính Chí Phèo.

Chẳng rời khỏi làng Vũ Đại để gây dựng một cuộc đời mới như ông Năm Nhỏ, khát vọng được sống lương thiện trong Chí Phèo suy cho cùng vẫn là ước muốn được giải oan, được trả thù nhằm trút bỏ bao tủi nhục anh gánh bấy lâu nay. 

Kỳ thực, khi tiềm thức được khơi dậy trong cơn nửa tỉnh nửa say, cái chết mà Bá Kiến phải hứng chịu có lẽ đã trở thành sự vùng dậy bao kiếp người khổ sai, là sự giải oan cho bao giá trị trong Chí Phèo, cho những già mà Bá Kiến đã cướp mất bởi lòng ghen. Thế nhưng sau cùng, Chí vẫn chọn tự vẫn, có lẽ anh đã chẳng thể tha thứ cho bản thân và những việc mình đã làm. 

Quả thực, mang trong mình sự giác ngộ về tính bản thiện trong tâm hồn, hắn phải chết đi, để tái sinh thêm lần nữa, để lột xác mà trở lại làm "người".

(Nguồn: Văn chương máu chảy)

Xem thêm: Chuyện chưa kể về sự hi sinh của nhà văn Nam Cao - người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận