Chuyện chưa kể về sự hi sinh của nhà văn Nam Cao - người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao
Thuộc trong số người viết văn sớm hy sinh cho Tổ quốc, và nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất, hy sinh ở tuổi đời 36, và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. 10 năm – một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại.
Nhà văn Nam Cao sinh ngày 29/10/1915, tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là nhà văn hiện thực, có tư tưởng và tâm hồn lớn, có tầm nhìn xa trông rộng và có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Tác phẩm làm nên thương hiệu của Nam Cao sau này là Chí Phèo (viết năm 1941, mang tên Cái lò gạch cũ, khi tác giả 26 tuổi). Cái lò gạch cũ nằm trong một chùm truyện gửi đến Nhà xuất bản Đời Mới, suýt bị bỏ quên trong bồ rác, may được Vũ Bằng moi ra, đọc từ dòng đầu đã thấy lạ, liền đọc luôn một hơi, rồi quyết định cho đưa nhà in, với cái tên mới là Đôi lứa xứng đôi, kèm một lời tựa của Lê Văn Trương; một lời tựa rất ngắn mà nói rất hay, rất trúng đặc sắc của tác giả.
Thế nhưng, từ khởi đầu may trong rủi ấy, hành trình viết của Nam Cao vẫn rất lận đận, dẫu nhiều chục truyền ngắn vẫn lần lượt được in trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật. Xem với truyện ngắn là một số truyện dài như: Ngày lụt, Cái bát, Cái miếu, Một đời người phải bán đứt bản quyền cho các nhà xuất bản để sớm có tiền, mà vẫn không được in, rồi đành để mất.
Chỉ riêng Truyện người hàng xóm là được đăng tải trên Trung Bắc chủ nhật từ tháng Tư đến tháng Chín – 1944. Còn tiểu thuyết Sống mòn “viết xong tại Đại Hoàng ngày 1/10/1944”, như được ghi ở cuối sách, thì đương nhiên là không thể in; rất có thể cũng sẽ chung số phận với các tiểu thuyết khác nếu không được Tô Hoài giữ hộ và mang theo trong ba lô lên Việt Bắc; rồi phải chờ đến 1956, sau khi Nam Cao mất 5 năm mới được in ở Nhà xuất bản Văn Nghệ.
Phải nói rằng, một đời nhà văn của Nam Cao có thể xem là lặng lẽ, chưa bao giờ tự thỏa mãn và yên tâm, hoặc tự tin về mình - một tâm thế viết rất khác với nhiều bạn văn cùng thời, không kể Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng mà ngay cả với Tô Hoài - người kém ông 5 tuổi, nhưng vào nghề lại may mắn hơn ông.
Bằng chứng là Nam Cao không có tên trong bộ sách Nhà văn hiện đại gồm 79 người của Vũ Ngọc Phan. Bằng chứng là trong Bản tự thuật Nam Cao gửi Ban tổ chức của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1950 có một dòng: “… trước 1945 không xuất bản được tác phẩm nào đáng kể”.
Và rồi sau đó, trong một chuyến đi công tác, "người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao" đã ra đi mãi mãi...
Được biết, vào ngày 30/11/1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu liên khu 3, nhà văn Nam Cao đã hy sinh tại vùng giáp ranh giữa Ninh Bình và Hà Nam. Theo lời kể của nhà văn Tô Hoài, người rất thân thiết với Nam Cao thì chuyến đi ấy, ông đi Thanh Hóa dự một hội nghị về văn nghệ.
Kết thúc hội nghị, lẽ ra ông trở về Việt Bắc theo đường số 6 nhưng ông lại muốn về thăm lại làng mình (làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam ngày nay) để nắm thực tế vì nghe nói làng quê đã thành làng du kích.
Chuyến đó, Nam Cao đi theo một đoàn cán bộ tuyên truyền thuế nông nghiệp, đi bằng 7 chiếc thuyền nan, vì lúc đó vùng chiêm trũng Ninh Bình, Hà Nam đang ngập nước trắng băng. Nam Cao cùng mấy cán bộ lãnh đạo ngồi chiếc thuyền đầu.
Trước đó, liên lạc viên đã thông báo là trên đường không có địch, nhưng khi đoàn vừa đến làng Vũ Đại ở Gia Xuân, Gia Viễn thì sa lưới một toán lính Commandos phục kích. Theo lời kể của các cán bộ trong đoàn, thì chỉ mình thuyền đi đầu bị bắt, các thuyền sau chạy thoát cả.
Các cán bộ bị bắt được bọn lính Commandos đưa sang giam ở nhà thờ Mưỡu Giáp. Rồi trong đêm hôm đó, có một anh cán bộ tìm cách bỏ trốn mà không thoát, nên sáng hôm sau, bọn giặc đem tất cả ra bắn ở cánh đồng Mưỡu Giáp rồi chôn ngay ở đó. Lúc đó Nam Cao mới 36 tuổi.
Nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi ngôi làng nơi Nam Cao hy sinh lại có tên là làng Vũ Đại, đúng tên làng mà nhà văn hư cấu ra khi viết các tiểu thuyết Chí Phèo (Đôi lứa xứng đôi), Chết mòn (sau đổi thành Sống mòn).
Trong hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nam Cao, Giáo sự Phong Lê trong tham luận “Nam Cao sống và viết” đã khẳng định: Trong suốt cuộc đời, nhà văn Nam Cao chưa bao giờ được hưởng vinh quang từ tác phẩm của mình, một đời thầm lặng nhưng ông không ngờ rằng chính mình là người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao.
Cuộc đời và sự nghiệp Nam Cao kết thành một phù điêu lịch sử trong văn chương hiện đại. Giá trị của Nam Cao được khẳng định trước hết qua những truyện ngắn viết về làng quê Việt Nam những năm tiền cách mạng qua một nghệ thuật viết không hề lặp lại dấu ấn của tất cả những bậc tiền bối. Đúng như lời một nhân vật của chính tác giả: Cái nghề văn kỵ nhất là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.
Cũng trong hội nghị ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá: Sau trăm năm, Nam Cao còn gì để chúng ta bàn thêm, có gì ảnh hưởng đến công việc của chúng ta hôm nay? Đóng góp của Nam Cao là chữ Thiện, sự tử tế sẽ được giải quyết bằng cách nào, nên hiện nay ông vẫn là người đồng hành, người tiếp năng lượng cho sáng tác của chúng ta.
Xem thêm: Những câu nói bất hủ trong tác phẩm Chí Phèo đến nay vẫn đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận