Chí Phèo và 5 câu hỏi khiến bao thế hệ người đọc trăn trở?

Chí Phèo là một trong những tác phẩm văn học ghi đậm dấu ấn của Nam Cao. Nhưng trong đó cũng có nhiều câu hỏi khiến bạn đọc băn khoăn.

Đỗ Thu Nga
12:00 28/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1. Nguyên mẫu đời thực của nhân vật Chí Phèo là ai?

Theo cụ Trần Hữu Đạt (90 tuổi), em ruột nhà văn Nam Cao – người đang trông coi căn nhà lưu niệm của nhà văn Nam Cao chia sẻ lại ở làng Đại Hoàng có 3 nhân vật được nhà văn chắt lọc, góp nhặt những điển hình để xây dựng hình ảnh Chí Phèo.

Người thứ nhất là anh Chí, quê gốc ở làng Đại Hoàng. Cha mẹ mất sớm, anh Chí vì nhà quá nghèo không có ruộng vườn nên phải đi làm thuê cho nhà Trương Pháo. Chí làm công việc mổ lợn thuê, có tài làm món phèo rất ngon. Nguyên mẫu này giống với hình tượng Chí Phèo trước khi ở tù rất hiền lành và chất phác.

Người thứ hai tên là Trinh, vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến, không cha, không mẹ, lại có thêm cái bệnh nghiện rượu. Mỗi khi uống rượu là ông này uống đến say khướt, chửi bới và ăn vạ. Nguyên mẫu này giống với hình tượng Chí sau khi ở tù.

Người thứ hai tên là Đào, chính là em họ bà nội của nhà văn Nam Cao. Ông Đào có người vợ tên là Nở, ông cũng chính là anh lực điền làm thuê cho Chánh Bính (nhân vật Bá Kiến trong truyện). Nguyên mẫu này có lẽ khơi gợi một phần cảm hứng để nhà văn sáng tạo về mối tình Chí Phèo – Thị Nở và con đường trở thành người lương thiện của Chí.

2. Tại sao Nam Cao xây dựng "đôi lứa xứng đôi" cả ngoại hình lẫn tính cách?

Trong lịch sử văn học thế giới những câu chuyện tình kiểu người đẹp và quái vật, công chúa và hoàng tử ếch, Sọ Dừa, chuyện Trương Chi… nhưng cặp đôi lứa xứng đôi cả về ngoại hình lẫn tính cách thì chưa từng có.

Nhiều người cho rằng Nam Cao là tự nhiên chủ nghĩa, là quá trớn khi mô tả thị Nở xấu đến ma chê quỉ hờn. Nam Cao đã trút vào Thị tất cả những nét mỉa mai nhất của Hoá công dành cho một người đàn bà. Đã xấu, nghèo, dở hơi, lại còn thuộc dòng giống hủi.

Chí Phèo được xây dựng về nhân hình lẫn nhân tính bị tha hóa. Người cố nông ấy bị tước đoạt linh hồn để biến thành nửa người nửa vật: nó không còn phải là mặt người: “nó là mặt của một con vật lạ”.

Chí Phèo – Thị Nở biểu tượng tầng lớp bần cùng, dưới đáy của xã hội thực dân nửa phong kiến. Nam Cao muốn gắn kết những con người vô giá trị kia để thể hiện niềm tin vào con người. Sự đối lập giữa ngoại hình, tính cách bên ngoài với tình người bên trong như một dụng công tài tình của Nam Cao. Thế giới càng tha hóa, càng vô tình thì vẫn có một “lòng tốt bình thường” ở Thị Nở. Khi mà tất cả mọi người xa lánh Chí, Thị vẫn tìm đến với Chí, nhận ra bản chất lương thiện ở Chí. 

chi-pheo-va-5-cau-hoi-khien-bao-the-he-nguoi-doc-tran-tro-78

3. Nam Cao có dụng ý gì khi xây dựng hình ảnh "bát cháo hành"?

Thị Nở và bát cháo hành còn xuất hiện như một đối nghịch với những người đàn bà trong kí ức của Chí khiến Chí phải đi tù. Để rồi Chí nhận ra tình cảm thực sự trong hương vị tình người từ bát cháo hành. Chí rung rung xúc động, “mắt hình như ươn ướt” hắn ngạc nhiên vì trước giờ không ai tự nhiên cho không hắn cái gì?

Nếu hơi rượu tượng trưng cho sự lưu manh thì hơi cháo hành tượng trưng cho tình người lương thiện. Hơi cháo hành xuất hiện hai lần trong tác phẩm khơi gợi khát vọng trở về thế giới loài người trong Chí. Lần thứ hai, khi Chí tuyệt vọng nhất, hơi cháo lại xuất hiện như một vết cứa khắc sâu bi kịch không được làm người lương thiện. 

4. Nguyên nhân thực sự khiến mối tình đẹp đẽ sớm tan vỡ?

Tình người ở thị Nở đã bị định kiến ở bà cô giết chết một cách lạnh lùng. Chính thị Nở đem đến cho chí cảm giác hạnh phúc, đánh thức những ước mơ giản dị ngày trước. Nhưng cũng chính thị là người phũ phàng khước từ cuộc tình này. Tình người mong manh đã bị định kiến thôn tính. “Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái”. Nỗ lực cuối cùng nhằm níu giữ thị Nở lại cho mình đã bị gạt phắt phũ phàng. Đó thực sự là cú “sốc” đối với Chí. Đau đớn cùng cực, Chí về mang rượu ra uống. Lần này khác tất cả mọi lần, càng uống vào lại càng tỉnh ra. Rượu đã bất lực. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Thế là, từ hi vọng đến tuyệt vọng, khởi đầu, là nước mắt, cuối cùng, lại là nước mắt. Bà cô thị Nở xuất hiện như bức tường ngăn cản con đường lương thiện, tượng trưng cho dư luận làng Vũ Đại không tin vào sự hồi sinh tính người trong Chí.

5. Kết cục của mối tình ấy sẽ đi về đâu?

Chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở tưởng là câu chuyện lãng mạn, sẽ kết thúc như bao câu chuyện cổ tích khác nhưng đã khép lại với một hiện thực đầy ám ảnh. Chí Phèo giết chết kẻ thù lớn nhất đời mình, giết chết con quỷ làng Vũ Đại. Truyện trở về với mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến chưa thể hóa giải. Ý nghĩ của thị cuối truyện mở ra nhiều suy tưởng: “Nói dại, nếu mình chửa, giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào? Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ

bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người qua lại…” Nó vừa gợi ra được sự quẩn quanh, bế tắc trong tấn bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền sống lương thiện của người nông dân: cuộc đời Chí Phèo tuy kết thúc nhưng tấn bi kịch Chí Phèo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Kết thúc truyện vừa khép vừa mở dành nhiều khoảng trống cho người đọc tưởng tượng và suy ngẫm, tạo ra được dư âm sâu bền đối với sự tiếp nhận. Kết cục của mối tình ấy sẽ đi về đâu… đó vẫn là một ẩn số khiến người đọc trăn trở đi tìm.

Xem thêm: Tình yêu đã mở thông lối về với cuộc đời của Chí Phèo như thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận