Chuyện về người đàn ông có tâm sáng như sao trời, từng cắm cả ô tô để lấy tiền làm thiện nguyện

 “Tôi làm thiện nguyện từ tâm, miễn sao ăn ngủ ngon không bị quấy rầy kiểu sao kê, minh bạch…” - người đàn ông mê làm thiện nguyện Trương Văn Tâm chia sẻ.

Đỗ Thu Nga
08:00 09/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ăn chay trường và làm thiện nguyện từ năm 9 tuổi

Theo Dân Việt, ông Trương Văn Tâm (sinh năm 1968, ngụ quận 9, TP.HCM) hiện đang là Giám đốc Công ty thương mại, sản xuất dịch vụ Kim Thái Thanh. Ông tâm ăn chay trường và làm thiện nguyện từ năm 9 tuổi.

Với ông Tâm, những cơm rau chấm nước tương, ít đậu khuôn rất ngon miệng. Sau này trưởng thành, ông vẫn ăn chay và còn học thêm các giáo lý nhà Phật, chăm làm việc thiện giúp đời...

"Mới 9 tuổi, nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa thiếu thốn các thứ như sách vở, quần áo, dụng cụ học tập, trong tôi nảy sinh ý định mình sẽ bớt đi số tiền ăn quà vặt tại trường. Tôi để dành mỗi ngày một ít, sau đó những người bạn trong lớp ai thiếu cái gì, tôi đều hỗ trợ mua. Tuy rất ít nhưng những việc làm này khiến tôi vui, thấy ấm lòng", ông Tâm thổ lộ.

Trong câu chuyện của mình, ông Tâm còn thật thà bộc bạch: Ban đầu làm thiện nguyện một cách bộc phát. Sau này khi thành công, có sự nghiệp, có kinh tế thì bắt đầu tổ chức những chuyến từ thiện quy mô hơn. Ví dụ như đi xây nhà tình thương cho người nghèo, xây cầu đi lại cho các hộ dân ở vùng xa thuộc các tỉnh miền Tây...

chan-dung-nguoi-dan-ong-an-chay-truong-me-lam-thien-nguyen
Ông Trương Văn Tâm (sinh năm 1968, ngụ quận 9, TP.HCM) ăn chay trường từ lúc 9 tuổi, có sở thích đặc biệt làm thiện nguyện, vận động xây nhà, làm cầu đi lại cho bà con nghèo vùng xa

Xây nhà, mỗi căn khoảng 40 đến 50 triệu đồng; xây cầu thì chi phí lớn hơn, khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng. Kể từ năm 2017 đến hiện tại đã có khoảng 100 căn nhà, cây cầu do ông Tâm vận động chi phí đứng ra tổ chức quản lý xây dựng cho bà con.

Kể từ khi công ty đi vào hoạt động, chi phí hàng tháng từ doanh thu mang lại khoảng gần 300 triệu đồng. Ông Tâm trích ra 15% phục vụ cho công tác thiện nguyện. 

Sau này, khi chi phí xây dựng nhà tình thương, cầu dân sinh tăng lên thì ông vận động thêm bạn bè, những mạnh thường quân lâu nay cùng đồng hành với ông giúp đỡ người nghèo.

Khi được hỏi, việc làm thiện nguyện luôn dính đến lùm xùm sao kê, minh bạch... ông Tâm cười đáp: "Tôi làm từ cái tâm của mình và những việc tôi đang làm đều có chứng kiến từ chính quyền địa phương. Nói cách khác, những người đang chứng kiến là những người đã "sao kê" hộ tôi rồi! Thay vì số tiền kiếm được sẽ gửi vào ngân hàng để tăng khoản tiết kiệm, tôi chọn phương án làm những việc này, có nghĩa tôi đang gửi tiết kiệm vào ngân hàng... nhà Phật. Tôi không sợ thị phi".

"Có khi tôi cầm cố cả ô tô, khi nguồn tiền thiện nguyện bị hụt"

Ông Tâm là người có quan hệ bạn bè rộng. Ông tâm sự với Dân Việt rằng, có bạn bè ở nước ngoài, làm ăn được, vì thế, khi đề xuất xây nhà hoặc làm cầu ở một tỉnh thành miền Tây, bạn bè đều hứa hỗ trợ, cùng làm.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà những người bạn của ông Tâm bảo rằng: "Đợt này, kinh tế khó khăn, xin khất hoặc trả lại sau". Bản thân ông Tâm cho rằng, đây là việc làm thiện nguyện, nhỡ như người bạn của mình không có, ông tính phương án sẽ gánh thay. Và hiển nhiên, khi cần tiền đột xuất, không tìm ra phương án xoay thế nào, ông liền mang ô tô đi cầm vài ngày, khi giải quyết ổn thỏa thì lấy ô tô về.

chan-dung-nguoi-dan-ong-an-chay-truong-me-lam-thien-nguyen-9
Thi thoảng, ông Tâm cùng với những người đồng hành của mình phát rau, củ, quả miễn phí cho người nghèo tại TP.HCM

"Tôi làm như vậy để dòng tiền đi đúng quy trình, công việc xây nhà, làm cầu nhanh hơn. Dĩ nhiên, tôi không thể dùng từ bù lỗ trong công việc tôi đang làm vì người nghèo. Nhưng nói cho vui, có khi toàn một mình tôi ôm hết… Tôi làm vậy nhưng tối đến vẫn ngủ ngon, vui khỏe làm việc. Và nói làm để nhận điều gì, tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng người nghèo mà thôi!", ông Tâm chia sẻ.

Chia sẻ về dự định thiện nguyện 2023, ông Tâm nói: Đầu năm sẽ bắt đầu một chuyến đi về các tỉnh miền Tây khảo sát xem các hộ nghèo có nhu cầu xây nhà ở như thế nào. Từ đó, ông sẽ lên kế hoạch cụ thể rồi bắt tay vào triển khai...

(Theo Dân Việt)

Xem thêm: Chuyện ông giáo hơn một thập kỷ miệt mài "tân trang" xe đạp cũ tặng học sinh nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận