4 ngày xuất hiện 20 trận động đất, chuyện gì đang diễn ra ở Kon Tum? 

Các chuyên gia cho rằng, các trận động đất ở tỉnh Kon Tum đang tái diễn kịch bản động đất kích thích giống như từng xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).

Đỗ Thu Nga
09:30 19/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

4 ngày xảy ra 20 trận động đất

Theo Thanh Niên, chiều 18/4, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Khoảng 1h55 cùng ngày, nhiều khu vực tại Gia Lai có rung lắc do dư chấn từ trận động đất 4,5 độ richter tại huyện Kon Plông (Kon Tum).

Nhiều địa phương của Gia Lai như TP Pleiku, huyện Đăk Đoa… có ghi nhận rung lắc do dư chấn của trận động đất ở Kon Tum. Người dân có thể cảm nhận rung lắc trong thời gian ngắn khoảng vài giây khi đang ở trong nhà. 

Nhiều người dân cho biết, nhà của họ bị rung, đồ đạc như lọ hoa, tượng nhỏ bị lung lay. Có trường hợp cho biết, rung lắc xảy ra 2 - 3 lần với cường độ nhỏ, liên tiếp.

Tính từ ngày 15/4 đến chiều qua, khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 20 trận động đất, trong đó riêng ngày 15/4 có tới 7 trận động đất. 

Cap-nhat-thong-tin-moi-nhat-ve-dong-dat-o-Kon-Tum-9
Trận động đất mạnh 4,5 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông

Dư chấn của trận động đất lớn này đã có cường độ lan truyền khá mạnh, ảnh hưởng đến nhiều khu vực tại tỉnh Gia Lai, cách tâm chấn động đất khoảng 100 km.

Theo khuyến cáo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, cần chú ý vì động đất và dư chấn có thể gây sạt lở đất ở những khu vực taluy có nền đất kém; đặc biệt cần chú ý đến các hiện tượng mưa giông cùng thời điểm xảy ra động đất.

Trong 4 ngày, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra liên tiếp 20 trận động đất kích thích, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương này xảy ra “liên hoàn động đất” với độ lớn vượt mốc lịch sử, lên tới 4,5.

Dân hoang mang, địa phương lúng túng

Theo Vietnamplus, cuối chiều ngày 18/4, ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết trong những ngày qua, rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng đã gọi điện lên tỉnh hỏi nguyên nhân dẫn tới các trận động đất xảy ra liên tiếp từ ngày 15/4 đến nay.

“Tuy nhiên, nguyên nhân thế nào thì chúng tôi cũng chưa rõ, bởi không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vì thế, chúng tôi rất mong có các phân tích, nhận định của các nhà khoa học, cơ quan trung ương, để địa phương sớm đưa ra cảnh báo,” ông Lộc nói và nhấn mạnh rằng ngay trưa nay, thành phố Kon Tum cũng xảy ra rung lắc...

Cap-nhat-thong-tin-moi-nhat-ve-dong-dat-o-Kon-Tum-7
Một góc huyện Kon Plông

Trước đó, theo ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 20 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.

Cụ thể, trong ngày ngày 15/4, tại huyện Kon Plông xảy ra 7 trận động đất với các độ lớn từ 2,7 đến 4,1; ngày 16/4, khu vực này tiếp tục xảy ra 2 trận động đất; ngày 17/4 xảy ra 5 trận động đất. Trong ngày hôm nay (18/4), khu vực huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 5 trận động đất, trong đó trận động đất xảy ra vào hồi 12 giờ 54 phút trưa nay, đã tăng độ lớn lên tới 4,5 - vượt mốc lịch sử, tính từ năm 1993 đến nay.

Chuyên gia nói gì về động đất ở Kon Tum?

Kon Tum và rộng hơn là Tây Nguyên vốn ít ghi nhận hoạt động của động đất. Vì vậy, động đất liên tục ở Kon Plông thời gian qua được TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu nhận định, nhiều khả năng là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi tích nước, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới.

Còn PGS.TS Cao Đình Triều - chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (24/3/2021).

Đặc biệt, ở khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa.

Cap-nhat-thong-tin-moi-nhat-ve-dong-dat-o-Kon-Tum-6
Thủy điện sông Tranh 2

Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2012, kéo dài đến tận bây giờ, từng gây ra nhiều lo ngại cho người dân và chính quyền các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.

PGS.TS Cao Đình Triều, tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ. Vì vậy, động đất mạnh 4.5 chiều qua có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn. Tại Thủy điện Sông Tranh 2, kích động chính có độ lớn 4.7.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, hiện nay khu vực Kon Plông mới chỉ có một trạm quan trắc. Vì vậy, cần lắp đặt thêm một số trạm bổ sung để ghi nhận hoạt động động đất, giúp tăng cường năng lực, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động động đất ở đây, làm căn cứ khuyến nghị với chính quyền địa phương và người dân.

Họp khẩn ứng phó động đất bất thường ở Kon Tum

Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), từ ngày 10 - 18/4 đã liên tiếp ghi nhận gần 20 trận động đất xảy ra ở tỉnh Kon Tum có cường độ 2,5 - 4,5 độ richter. Đáng lưu ý, trong ngày 18/4, Kon Tum đã xảy ra 5 trận động đất.

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã triệu tập cuộc họp khẩn với các bộ, ngành TW và các cơ quan chuyên môn để đánh giá tình hình, chủ động có giải pháp ứng phó dodongjd dất.

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các công ty, chủ công trình thủy điện, thủy lợi khi Kon Tum cũng là khu vực có nhiều hồ lớn có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp tác động từ các trận động đất.

Theo báo Thanh Niên, ông Lê Đức Tín - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho hay trong số 5 trận động đất xảy ra ngày 18/4 ở Kon Tum, đã ghi nhận trận lớn nhất với cường độ 4,5 độ Richter xảy ra vào buổi trưa và được đánh giá mạnh nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Trận động đất này kéo dài khoảng 20 giây, phạm vi ảnh hưởng lan rộng ra các vùng lân cận.

Ông Tín cho biết, những trận động đất trước chủ yếu ở các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem,... nhưng nay ở xã Hiếu, Măng Đen, Măng Cành (H.Kon Plông, Kon Tum) cũng cảm nhận được sự rung chuyển.

Có mặt trong cuộc họp khẩn này, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất vừa qua tại Kon Tum đều là các trận nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không gây rủi ro về thiên tai. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Kon Tum đã xảy ra hàng chục trận động đất. Đây cũng là khu vực có nhiều hồ thủy điện nên Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

Cũng theo ông Xuân Anh, trước tình trạng trên, Viện Vật lý địa cầu đã quyết định cử đoàn cán bộ vào xem xét, đánh giá tình hình động đất.

“Đoàn công tác sẽ nghiên cứu đánh giá để biển các công trình thủy điện có liên quan đến động đất hay không cần có sự đánh giá, nghiên cứu cụ thể”, ông Xuân Anh nói.

Xem thêm: 10 thảm họa thiên nhiên đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại: Việt Nam cũng góp mặt

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận