Các truyện ngắn hay thường có những chi tiết phát sáng

“Suy cho cùng, nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại như Honoré de Balzac đã từng nói và một truyện ngắn hay, ngoài những yếu tố thuộc về thể loại, còn phải là “tiếng đau khổ kia thốt ra từ những kiếp lầm than”.

Đỗ Thu Nga
12:00 14/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Văn nghệ Quân đội, nhà văn Bảo Ninh đã đưa ra quan điểm về một truyện ngắn hay. Ông cho rằng: “Một truyện ngắn đáng gọi là hay nhất thiết phải có ít nhất một chi tiết hư cấu thần tình mà nếu không có nó thì dẫu cốt truyện có khác lạ cỡ nào cũng chỉ là truyện đọc đấy rồi quên”. Có thể thấy, cha đẻ của Nỗi buồn chiến tranh đã khẳng định tầm quan trọng của chi tiết đối với sự thành bại của một truyện ngắn. Đồng tình với ý kiến trên, có người đã khẳng định: “Các truyện ngắn hay thường có những chi tiết phát sáng”.

Chi tiết hay chi tiết nghệ thuật (tiếng Pháp: détail artistique) là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. “Chi tiết phát sáng” được đề cập ở trên có thể hiểu chính là những chi tiết đinh, chi tiết hay, chi tiết quan trọng trong một truyện ngắn. Một truyện ngắn muốn hay phải có một (hoặc một vài) chi tiết hay, biết “phát sáng”. Bởi lẽ “yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng lớn... tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” (Lí luận văn học - NXB Giáo dục 1997, tr 398).

Trong một truyện ngắn, không phải chi tiết nào cũng phải “phát sáng”. Có những chi tiết chỉ như viên gạch chồng lên nhau để tạo thành bức tường chữ nghĩa, nó góp phần thúc đẩy diễn tiến của cốt truyện. Lại có viên gạch gói gọn tư tưởng, chủ đề, tình cảm,… của cả truyện ngắn. Nó chứa đựng cái hồn, cái cốt, cái hay, cái đẹp của cả tác phẩm. Việc sáng tạo ra những chi tiết hay thể hiện cái tầm, khả năng bao quát và quá trình lao động sáng tạo của nhà văn. Maxim Gorki chẳng phải đã từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” đó sao? Khi tiếp nhận truyện ngắn, điều cốt yếu của một người đọc có tri thức và kĩ năng chính là phát hiện và thấm thía được giá trị của những chi tiết đắt giá. Nó như một thứ trầm tích dưới đáy sông mà độc giả là kẻ đãi cát tìm vàng. Gian nan đấy, nhưng một khi đã tìm được (và hiểu được) thì không có bút lục nào tả nổi niềm vui sướng của con người đãi chữ. Bởi khi ấy, người đọc đã bắt được nhịp mạch nơi trái tim của người nghệ sĩ. Vậy mới nói: muôn đời, công việc đó không bao giờ là thú vui của người hời hợt.

cac-truyen-ngan-hay-thuong-co-nhung-chi-tiet-phat-sang-0

Ai đã từng đọc Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp chắc sẽ chẳng bao giờ quên được chi tiết đứa bé trai đút tay vào chiếc bình cổ của hai kẻ lái buôn. Nếu không có chi tiết đó, chuyến đò trong buổi khói lam chiều bảng lảng ấy sẽ giống như bao chuyến đò khác. Nó không bao giờ là dịp để mười một nhân vật trên chuyến đò – kiếp người – bộc lộ toàn bộ bản chất, những thứ thẳm sâu được phủ kín bằng bao thứ vỏ bọc, mặt nạ thường ngày. Nhà thơ mơ mộng, đau khổ mà sung sướng tự thấy mình khác đời. Nhà giáo yếm thế nhìn đời qua cái chép miệng, thở dài. Nhà sư làu thông kinh sử mà chưa sạch bụi trần. Người mẹ trẻ đẹp, phú quí nhìn chúng sinh còn lại bằng cặp mắt miệt khinh. Hai tên lái buôn trong mắt chỉ có “một cây vàng” chứ không có nhân mạng. Tên tướng cướp, chị lái đò cam phận bị những người đồng hành gạt ra ngoài thực tại. Tất cả, chỉ qua một chi tiết mà lột sạch vỏ bọc. Nhà sư, nhà giáo, nhà thơ bất lực trước thực tại. Cậu thanh niên dâm dục trượng nghĩa cũng chỉ biết lấy vàng chuộc mạng đứa bé. Và với bấy nhiêu cũng đủ để cô gái đi cùng lay động tâm can “cô biết, cô sẽ yêu anh mãi mãi”. Những kẻ tự cho mình quí phái, tự gọi mình tài hoa bất đắc chí, tự mãn mình đại đạo quảng khai hoá ra cũng chỉ biết cúi đầu trước thử thách giữa dòng đời. Duy tên tướng cướp bị người ta truy đuổi, bị người đời nguyền rủa, lánh xa, sống giữa lằn ranh con – người là dám ra tay nghĩa hiệp. Chỉ cần bỏ chi tiết ấy ra khỏi tác phẩm, thiết nghĩ, sáng tác của nhà văn Tướng về hưu có lẽ đã đi theo một hướng khác, khó lòng chuyển tải ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Đọc Vợ chồng A Phủ bao lần, tôi cứ ám ảnh mãi chi tiết ngọn lửa đêm đông mà Mị hay trở dậy để thổi. Nó nhỏ bé, nó mong manh, nó yếu ớt giữa màn đêm tối sầm và gió thét gào ở nhà quan thống lí. Nó là cả một thế giới mà Mị đắm chìm vào. Nó như một liều thuốc phiện để cô quên đi cái kiếp ngựa trâu đoạ đày cô từng giờ từng khắc. Cô thổi nó như trong tiềm thức cố giữ lấy cái hi vọng mong manh giữa màn đêm cô đặc đời mình. Cô thổi nó như muốn trốn chạy khỏi thực tại. Có nó, cô khỏi phải thấy A Phủ đang bị trói, “có là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi. Mị chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa”. Và nhờ có nó, cô thấy giọt nước mắt lăn dài trên đôi má xám đen lại của gã đàn ông không sợ trời, sợ đất, sợ quyền lực nhà quan. Và ánh lửa kia cùng giọt nước mắt này là tấm gương ở Vọng hương Đài để cô xem lại đời mình, để hiểu mình, hiểu người. Nhiều khi nghĩ, giá mà Tô Hoài không vẽ ra chi tiết ngọn lửa, có lẽ, đoá hoa ban của núi rừng Tây bắc kia chắc đã héo úa vì cay nghiệt của giá lạnh vùng cao từ hồi gạt nước mắt trở về làm dâu gạt nợ nhà quan thống lí mất rồi. Ai nói Mị vô cảm, lạnh lùng, trơ trơ như tảng đá, như tàu ngựa, như con rùa nuôi trong xó cửa khi mà cô còn biết, còn nghĩ tới một thứ, dù chỉ là ngọn lửa mỏng tang?

Trong Vợ nhặt, khi đọc tới đoạn Tràng đãi thị ăn bánh đúc ngoài chợ, người ta thường chú ý tới cách thị ăn, bởi nó đau đớn quá, độc đáo quá. Nhưng tôi thì chú ý hơn vào câu nói trước khi ăn của thị: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Câu nói cho thấy cái tận cùng thảm thương của một kiếp người. Người Việt quan niệm: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đó là phong tục, là thói quen sinh hoạt của người Việt. Miếng trầu là để bắt đầu câu chuyện, là gia vị cho câu nói. Có vội mấy thì cũng phải ăn xong một miếng trầu mới phải lẽ. Ngay cả chuyện yêu đương, đang nhớ nhung cào ruột cũng phải ăn dập một miếng trầu mới có thể tương kiến như cô gái quê trong thơ tình Nguyễn Bính:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu?

Chờ em ăn dập miếng giầu em sang.

Ấy vậy mà thị lại bỏ qua cái phép tắc cơ bản đó của cộng đồng. Thị chỉ muốn ăn ngay. Thật thấm thía, chua xót! Trong tình cảnh thoi thóp giữa lằn ranh sự sống và cái chết như thị, cái lễ nghĩa, cái phép tắc không làm no bụng, không giúp thị sống. Thị xổ toẹt nó, thị chỉ cần cái ăn để được sống, những thứ khác không cần nữa. Một phận người khốn khổ lâm vào bước đường cùng và một niềm khát sống mãnh liệt của một con người rất người đồng hiện qua một câu nói. Cái tài của Kim Lân chính là ở chỗ xây dựng nên những chi tiết như vậy.

Có thể thấy, một truyện ngắn hay bao giờ cũng phải có một (hoặc một vài) chi tiết phát sáng. Nhiều khi độc giả nhờ chi tiết hay mà nhớ tác phẩm, nhớ tác phẩm mà nhớ tác giả. Nên việc tạo ra những chi tiết độc đáo là một yêu cầu quan trọng trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Có ai đó đã ví von rất hay rằng một chi tiết hay cũng giống như ngọn nến thắp trong chiếc đèn ông sao của trẻ con trong đêm trung thu. Ngọn nến to quá thì cháy mất lớp giấy bọc đèn, còn nến nhỏ quá thì đứa trẻ dễ thấy thua kém chúng bạn. Việc xử lí chi tiết sao cho vừa khéo là việc không dễ dàng nhưng vinh quang đối với nhà văn.

Tuy vậy, cũng không nên tuyệt đối hoá vai trò của chi tiết trong việc thành bại của một truyện ngắn. Việc một người cầm bút cứ chăm chăm đi tìm chi tiết hay, chi tiết độc đáo cho câu chuyện của mình mà quên đi những yếu tố khác vốn là đặc trưng của một truyện ngắn thì có lẽ đích đến của một truyện ngắn hay vẫn còn xa xôi lắm, xa như chiếc thuyền lưới vó ngoài khơi trong văn Nguyễn Minh Châu vậy. Suy cho cùng, nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại như Honoré de Balzac đã từng nói và một truyện ngắn hay, ngoài những yếu tố thuộc về thể loại, còn phải là “tiếng đau khổ kia thốt ra từ những kiếp lầm than”.

(Nguồn: Mạc Thảo)

Xem thêm: Hậu trường truyện "Chí Phèo": Nhờ ai mà nhà văn Nam Cao thoát khỏi đòn thù của Bá Kiến

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận