Hậu trường truyện "Chí Phèo": Nhờ ai mà nhà văn Nam Cao thoát khỏi đòn thù của Bá Kiến?

Nhờ tri huyện Nam Sang "có lời" mà nhà văn Nam Cao mới thoát khỏi đòn thù từ Nghị Bính - nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo".

Đỗ Thu Nga
10:00 08/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà văn Nam Cao và mấy lần đổi tên truyện ngắn Chí Phèo

Nhà văn Nam Cao (tên khai sinh là Trần Hữu Tri, 29/10/1915 hoặc 1917 - 30/11/1951) là nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là người chiến sĩ, liệt sĩ. Quê ông ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý NHân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. 

nha-van-nam-cao-va-don-thu-cua-nguyen-mau-nhan-vat-ba-kien
Nhà văn Nam Cao

Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu của thế kỷ 20. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

"Chí Phèo" là một trong những truyện ngắn rất nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, được viết vào tháng 2/1941. Truyện ngắn Chí Phèo, nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên là Chí Phèo.

nha-van-nam-cao-va-don-thu-cua-nguyen-mau-nhan-vat-ba-kien-8

Truyện ngắn "Chí Phèo" từng được chuyển thể thành phim. Tác phẩm xoay quanh tấn bi kịch của người nông dân bị tha hóa trong xã hội xưa cũ. Ở câu kết của tác phẩm, Chí Phèo đã thốt lên: "Ai cho tao lương thiện?". Đây là câu nói đi sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả. 

Đôi nét về nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến

Truyện ngắn Chí Phèo, cùng với nhân vật Chí Phèo, Thị Nở thì nhân vật Bá Kiến cũng rất nổi tiếng. Bá Kiến là nhân vật điển hình cho giai cấp thống trị của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.

Theo nhiều tư liệu, con người thực ngoài đời được Nam Cao lấy nguyên mẫu để xây dựng nên nhân vật Bá Kiến là Trần Duy Bính. Ông là người làng Đại Hoàng. Người ta gọi là Nghị Bình vì ông thuộc hàng chức sắc không những ở Đại Hoàng cả tổng Nam Sang đều biết tiếng.

Gia tộc Nghị Bính trước đó đã có 5 đời làm lý trưởng. Đến đời Trần Duy Bính tuy là con nhà "dòng dõi" nhưng vẫn phải mua chức phó lý rồi mới lên được lý trưởng. Nghị Bính rất được lòng quan trên, nhờ thế mà ông nhoi lên được tới chức chánh tổng Cao Đà, thành nghị viên Bắc Kỳ, từng được vua triệu vào kinh đô Huế dự lễ tế đàn Nam Giao. Nghị Bính đi đâu thường cưỡi một con ngựa màu nâu thẫm, có người cắp tráp theo hầu.

nha-van-nam-cao-va-don-thu-cua-nguyen-mau-nhan-vat-ba-kien-9
Nhân vật Bá Kiến trong phim

Nghị Bính sở hữu ngôi nhà cực kỳ bề thế ở làng Đại Hoàng. Nhà toàn tòng bằng gỗ lim, thượng bò hạ kẻ, bàn thờ có lư hương, đỉnh nến, hạc chầu. Nghị Bính vời một đồ nho nổi tiếng trong vùng tên Hùng Sơn đến nhà lập câu đối, tạc vào gỗ vàng tâm treo hai bên cột cạnh ban thờ. 

Khi đến công đường làm việc, Nghị Bính mặc áo the, đội khăn sép, giày Gia Định, ô lục soạn. Khi về làng thì mặc bộ sa tành màu mỡ gà, thường hay la cà quán xá chơi tổ tôm, xóc đĩa. Quyền bính khuynh loát nhưng mỗi lần bắt gặp ông giáo nghèo Nguyễn Hữu Tri (nhà văn Nam Cao) thì bao giờ cũng cất lời chào trước. 

"Hậu cung" đông đúc nhất làng Đại Hoàng của Nghị Bính

Ở làng Đại Hoàng, Nghị Bính nổi tiếng nhiều vợ, lắm con. Nghị Bính có 5 bà vợ, 12 người con (3 trai, 9 gái).

Bà cả là người làng thường gọi là bà Nghị cả, tính chân thật, hiền lành nên được ông Nghị Bính giao quản lý tiền nong. Bà cả chỉ có 1 người con trai là Trần Duy Tảo. 

Ba hai tên là Trần THị Khuyến. Bà này được ông Nghị cưới làm vợ trong lúc bà cả bị ốm nặng tưởng không qua khỏi. Bà Hai sinh được 4 người con là Trần Thị Quế, Trần Duy Hòe (ông này nhà văn Nam Cao lấy làm mẫu xây dựng nhân vật Lý Cường, con trai Bá Kiến), Trần Thị Trinh, Trần Thị Nhài.

Bà ba là Trần Thị Yêm. Bà Yêm con nhà quyền quý, xinh đẹp, khi lấy Nghị Bính bà mang theo về khá nhiều của hồi môn, lại biết chiều chồng nên rất được ông Nghị sủng ái, cho dù bà này chỉ sinh cho ông có ba mụn con gái, tên là Trần Thị Dung, Trần Thị Yến, Trần Thị Xuyến.

nha-van-nam-cao-va-don-thu-cua-nguyen-mau-nhan-vat-ba-kien-7

Bà Tư thường chỉ gọi là bà Tư Nghị, cũng sinh hạ ba người con gái là Trần Thị Sen, Trần Thị Cúc, Trần Thị Hồng.

Bà năm tên là Trạch, quê Thái Bình (bốn bà trước đều cùng quê làng Đại Hoàng với Nghị Bính, mà làng này ngày đó hầu như cả làng mang họ Trần). Bà Trạch làm nghề buôn bán. Nghị Bính làm quen với bà trong một chuyến đi kinh lý rồi cưới làm vợ nhưng không cho ai ở làng biết. Bà Trạch có với Nghị Bính một đứa con trai. Đứa con trai lớn lên lấy vợ, sinh con, khi ấy Nghị Bính mới đưa "một góc gia đình" này về quê ra mắt bốn bà vợ trước và họ hàng.

Ở làng Đại Hoàng, Nghị Bính chẳng có gì ngoài tiền và đất. Chính vì thế, ông xây cho mỗi bà một dinh cơ riêng. Nghị Bính ở với bà ba, nhưng chuyện phòng the, chăn gối với các bà kia đều được ông lên lịch đủ đầy vì không muốn bà nào quá thiệt thòi. 

Tuy ông Nghị không để lỡ, để sót bà nào nhưng vì sức ông phục vụ năm bà có vẻ hơi quá tải nên đôi khi các bà cũng có cách đi ngang về tắt, mà chủ yếu dan díu với đám canh điền. Nhờ có của nả, lại muốn an nhàn nên bà nào cũng nuôi canh điền khỏe mạnh trong nhà. Phần lớn những chuyện dan díu của các bà đều kín như bưng nhưng cũng có lúc bại lộ.

Nhờ ai mà nhà văn Nam Cao thoát khỏi đòn thù của Bá Kiến?

Cái đận truyện ngắn "Đôi lứa xứng đôi" ra đời đã trở thành một "sự kiện nóng" trong làng Đại Hoàng. Thực ra khi viết truyện, Nam Cao còn trẻ, ông cứ viết phóng sinh phóng địa theo nguồn cảm hứng và chất liệu thực tế ngồn ngộn tuôn trào chứ ông không tin truyện sẽ được in.

Một phó lý muốn tâng công nịnh thần cấp trên đến ghé vào tai Nghị Bính: "Thưa cụ lớn, con đọc cái truyện ngắn "Đôi lứa xứng đôi" do ông giáo Trần Hữu Tri viết thì thấy ông ta chửi cả làng ta mà người bị chửi nhiều nhất chính là... là... cụ lớn đấy ạ".

Phó lý vừa xun xoe vừa đưa tờ báo cho Nghị Bính. Nghị Bính ngoắc kính lên, đọc xong liền đập bàn một cái, mắt trợn ngược, nghiến răng kèn kẹt, chửi: "Tiên sư cái đồ dở ông dở thằng! Ta đây không thèm nói với cái loại này cho bẩn mồm! Ta sẽ ném đi vài mẫu ruộng là đủ cho nó rũ tù!".

Nghị Bính nói là làm. Y chuẩn bị khá chu đáo để đưa Nam Cao vào vòng lao lý. Ông phó Huệ, phụ thân của nhà văn đã phải nhắn lên phủ nơi Nam Cao đang trú ngụ dạy học rằng hãy tìm nơi chốn nào thật xa xôi hẻo lánh mà ẩn náu, rằng tránh voi chẳng xấu mặt nào... Nhưng thật may cho Nam Cao, đúng lúc ấy huyện Nam Sang thay tri huyện mới. Một hôm, Nghị Bính và đám sai nha lên huyện xin thỉnh thị gì đó. Nghị Bính chưa kịp thưa gửi gì thì quan tân tri huyện đã nói:

- Các chư vị từ làng Đại Hoàng lên đấy phải không ? Tôi có người bạn học tên là Trần Hữu Tri hiện làm nghề dạy học, các chư vị về gặp cho tôi gửi lời thăm...

Nghe đến đó trong con người Nghị Bính đang sôi sục tâm địa trả thù nhà văn bỗng hạ nhiệt. Y đành phải dạ dạ vâng vâng để lấy lòng bề trên.

Nhà văn Nam Cao thoát vòng lao lý là vì thế.

Xem thêm: Một góc nhìn về nhân vật đám đông trong truyện Chí Phèo: Họ là ai?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận