Một góc nhìn về nhân vật đám đông trong truyện Chí Phèo: Họ là ai?

"Đám đông" trong truyện ngắn Chí Phèo - đó là nhật vật chưa được khai thác nhiều. Nếu bạn yêu văn học, yêu thích sáng tác của Nam Cao, hãy dành một chút thời gian nghiên cứu về tuyến nhân vật này.

Đỗ Thu Nga
10:00 01/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong tuyệt phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao còn có một nhân vật tuy xuất hiện thoáng qua nhưng lại rất đáng được quan tâm, đó là nhân vật đám đông. Đúng với quan niệm về “sự bất lương” trong “văn chương” của mình, Nam Cao không cho phép bản thân trở thành con người “đê tiện” ấy. Ông giáo Tri chăm lo cho “đứa con tinh thần” của mình đến từng nhân vật nhỏ nhất, để mỗi nhân vật, mỗi chi tiết được xuất hiện trong tác phẩm đều có một ý nghĩa riêng, một vai trò riêng. 

01

Đám đông ấy là ai? Đó là người dân làng Vũ Đại mà chủ yếu là những người nông dân. Khác với đám đông hung hãn đậm tính bầy đàn của xã hội hiện đại nay, đám đông của làng Vũ Đại có vẻ “hiền” hơn, họ xuất hiện chỉ thoáng qua, chỉ là một hai câu nói, rì rầm và lui lủi. Đám đông chỉ là một tập hợp các nhân vật phụ không tên tuổi nhưng lại có sức mạnh khủng khiếp. Cuộc sống của những người nông dân ấy có hai điểm cần chú ý: nhàm và nghèo. Cái vất vả, cơ cực, nhàm chán và chịu nhiều áp bức, một cuộc sống lặp đi lặp lại đã khiến họ phải đi tìm những thú vui để giải tỏa những cơn khát của tâm hồn ấy: ngồi lê đôi mách. Có lẽ ở cái làng Vũ Đại ấy, không gì thú vị hơn là chuyện nhà Lý Kiến, vì khác giai cấp, khác lối sống, sinh hoạt, mà Lý Kiến lại là tên hách dịch nên sẽ là tâm điểm của mọi lời ra tiếng vào. “Hình như”, “Người ta bảo”, “Có người bảo”, “Có người thì lại bảo”, thế là câu chuyện về bà ba và anh canh điền khỏe mạnh cùng bản tính hay ghen của ông lý cứ truyền tai người nọ người kia, miệng lưỡi thế gian “chẳng biết đâu mà lần”, nó cứ bị thêu dệt, bị lan truyền khắp ngóc ngách của làng Vũ Đại. Và rồi, họ “chỉ biết có một hôm Chí bị người ta giải đi huyện rồi bị người ta giải đi tù”, câu chuyện “vụng trộm” nhà ông lý với họ như thế là kết thúc; có lẽ ngay sau đấy, một câu chuyện khác lại bắt đầu. Nhưng họ đâu có biết, có thể mấy lời nói vui mồm bên gốc đa buổi nghỉ trưa sau hôm ấy của họ đã góp một lực to lớn đẩy Chí Phèo vào nhà tù thực dân, cũng là đẩy Chí xuống vực sâu thăm thẳm của cuộc đời. Không, không ai biết và cũng không ai mảy may quan tâm cả. 

02

Nam Cao dù đứng về phía người nông dân lam lũ nhưng không bên vực họ mù quáng. Ông nhận ra những con người ấy vừa là nạn nhân của bần cùng hóa, của lưu manh hóa nhưng đồng thời là tội nhân của sự vô cảm, lạnh lùng và hiếu sự - bản chất tiểu nông. Buổi Chí Phèo về làng với tiếng chửi mà ai cũng nghĩ là hắn say, đám đông phản ứng thế nào? “Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!” Không ai lên tiếng cả”.”, vẫn là sự thờ ơ, nào ai trong đám đông dân làng nhìn thấu được lời kêu cứu thống thiết của Chí thông qua tiếng chửi ấy. Chí Phèo tỉnh, rất tỉnh mới cất lên tiếng chửi có bài bản và chọn lọc như vậy, chỉ có dân làng Vũ Đại vẫn đang say, là say sưa những chuyện riêng của mình và say trong những định kiến xã hội. Định kiến về một thằng ở tù như Chí, “tù” là chắc chắn “tội” và không chấp nhận một Chí Phèo “trông đặc như thằng sắng cá” được ở làng với tư cách một con người, họ cự tuyệt giao tiếp với Chí và một lần nữa dúi Chí xuống hố sâu cuộc đời. Chính Thị Nở và bà cô cũng là nạn nhân của đám đông vô tình ấy. Người ta tránh Thị “như tránh một con vật rất tởm”, người ta áp đặt về chuyện “ngoài ba mươi tuổi...ai lại còn đi lấy chồng. Ai đời lại còn đi lấy chồng” lên người cô, và rồi người cô ấy lại áp lên thị, áp lên cuộc tình 5 ngày của thị, và như một cách “thần kì”, nạn nhân cuối cùng hứng chịu lại là Chí Phèo.

mot-goc-nhin-ve-nhan-vat-dam-dong-trong-truyen-chi-pheo-98

03

Đám đông vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân của Chí Phèo. “Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện.” Đám đông, Chí Phèo luôn liên tục gây hấn và trả thù nhau, không ai chịu tha ai cả. Nhưng cuối cùng, đám đông vẫn là người tàn độc nhất. Chí Phèo chửi, họ xuất hiện và im lặng dõi theo hắn như một con vật lạ; Chí Phèo ăn vạ thì “Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu là người!” - một hình ảnh gợi hình và gợi cảm, là ngõ tối tăm bẩn thỉu, cũng là sự tối tăm của kiếp người, kiếp đời không cho ai được vươn tới ánh sáng tình thương; Chí Phèo manh động, “người ta dần dần lảng đi” - bản tính ghét lôi thôi, sợ liên lụy của người quê. Chí Phèo cần họ, họ chẳng thấy đâu và cuối cùng là khi Chí chết một cách đầy đau đớn, tức tưởi, chết ngay trên con đường làm người khi mới bước chập chững một vài bước nhỏ thì họ bình phẩm lạnh lùng: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!”, “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc…”. Rõ ràng là cuộc gây hấn thầm lặng này đã kết thúc từ khi Chí Phèo kêu lên đau đớn: “Tao muốn làm người lương thiện”, nhưng dù đã cất lên thành tiếng nhưng những con người kia vẫn giả điếc. Tôi cho rằng, lúc này chính Chí Phèo mới cất lên tiếng nói Người, còn những người kia lại thành những con vật lạ lầm lì và ngơ ngác, họ vô tình, vô tâm và rồi vô nhân tính! Vậy điều gì đã khiến đám đông như thế này? Đó là cái khổ. Nam Cao trong “Lão Hạc” đã lý giải điều này khi để ông giáo nói về người vợ của mình: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương...Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.” Nam Cao cũng vậy, ông buồn chứ không giận, đến cuối cùng thì ngoài là nạn nhân của Chí Phèo (cũng chỉ là một phần) thì đám đông cũng chẳng phải chịu sự trả giá nào cả. Họ vẫn sống, vẫn rì rầm và lui lủi trong những ngõ tối. 

04

Thế mới thấy cái khổ làm che khuất những trong sáng lương thiện như thế nào, khi khổ thì người ta chỉ quan tâm đến mình còn chưa xong, làm sao mà quan tâm, mà cúi mình xuống lắng nghe những thứ khác, nhất là với một “con quỷ” như Chí Phèo; những câu chuyện họ nói với nhau cũng chẳng phải là quan tâm gì cho cam, chỉ là thú vui vặt vãnh hàng ngày mà thôi. Chung quy lại, Chí Phèo hay đám đông đều là nạn nhân cả. Nam Cao thực sự “cao” khi ông nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, ông đào sâu đến tận cùng tâm lý của con người và khai thác những gì chưa ai chạm đến. Thực chất, Chí Phèo -  biểu tượng của sự xấu xí, ghê gớm, là “con quỷ đội lốt người” giao tiếp bằng tiếng chửi, bằng rạch mặt, ăn vạ, không nói tiếng người mà chỉ có mấy con chó dữ đáp lại kia là định nghĩa mà đám đông tạo ra và áp đặt, mà đám đông thì không phải bao giờ cũng đúng. Ra khỏi đám đông kia, Chí Phèo vẫn nói tiếng người, vẫn mang tính người (với Thị Nở) ấy thôi?  m thanh là biểu tượng của văn hóa, chúng ta vẫn tạo ra định nghĩa (diễn ngôn), và cái cốt lõi cuối cùng vẫn là cách chúng ta nhìn nhận để làm sao cái định nghĩa kia phù hợp với hai chữ Con Người nhất. Không ai biết Lão Hạc đã chết ra sao, không ai thấy những đấu tranh giành giật quyền con người của Chí Phèo mãnh liệt và dữ dội thế nào, cái khổ vẫn đeo bám con người cả thể xác và tinh thần, đói mờ cả mắt và mờ cả lăng kính tâm hồn. Nam Cao đặt ra cho chúng ta bài học về con mắt tình thương, cúi mình xuống một chút thôi, một chút mà sẽ có tất cả. Quả thực, nhà văn chân chính vẫn luôn là “đứng trong lao khổ, mở lòng ra đón lấy những vang động của cuộc đời”, và không chỉ nhà văn mà bạn đọc cũng thế. Đám đông bây giờ thì có vẻ “sướng” hơn đám đông làng Vũ Đại nhưng lại phức tạp, còn manh động hơn xưa; đám đông có tính chất định hướng vô cùng ghê gớm, có thể khiến một người “nhảy” mà không cần trực tiếp xô ngã; chỉ một nhà văn lớn như Nam Cao mới nhìn thấy vấn đề thời đại thông qua xây dựng một nhân vật nhỏ thế này. Vì thế, với tư cách một độc giả và cũng là một phần của rất nhiều đám đông, tỉnh táo, làm chủ và mở lòng; đó là những gì để lại khi câu chữ cuối cùng của “Chí Phèo” kết thúc. Chúng ta không cần một Chí Phèo thời 4.0!

(Theo Gác xép văn chương)

Xem thêm: Chí Phèo và 4 vấn đề trọng tâm dành cho học sinh Văn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận