NLVH: Cái tâm của nhà văn

Thơ ca là điệu hồn tâm hồn, là những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất của những người cầm bút. Đó là quy luật sáng tạo nghệ thuật muôn đời...

Đỗ Thu Nga
10:00 03/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Biển cả nghìn năm không ngừng dào dạt sóng. Sóng biển có lúc êm đềm nhưng cũng có khi thét gào dữ dội. Tâm hồn con người cũng như biển vậy. Thi nhân xúc cảm trước cuộc đời mà viết nên trang. Con sóng lòng tràn bờ, tràn trên con chữ thành thơ. Đúng như Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”.

Thơ ca là điệu hồn tâm hồn, là những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất của những người cầm bút. Đó là quy luật sáng tạo nghệ thuật muôn đời. Thi nhân xúc cảm và khao khát được bộc bạch nỗi lòng, tỏ bày tâm sự. Khi đó, họ tìm đến thơ: “Khi tình cảm tự tìm tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ” (Ta-go). Tình cảm là tiếng lòng người thơ. Câu chuyện thơ là câu chuyện tâm hồn thi sĩ. Thể loại thơ là hình thức cần có để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm.

Thơ ca là lĩnh vực của tình cảm. Câu nói của Uy-li-am Uốt chính là một sự đúc rút những kinh nghiệm của nhà thơ về việc sáng tạo trong thơ ca. Đến với miền thơ là đi vào thế giới tâm tình của thi nhân. Bởi thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Sống ở đời với bao buồn vui, con người ta có nhu cầu bộc lộ nỗi niềm của mình. Nhà thơ với “trực giác nhiệm màu” (Thạch Lam) của người nghệ sĩ lại càng tinh tế, nhạy cảm hơn trước cuộc đời. Tâm hồn họ “run rẩy tựa dây đàn” căng tràn trước ngoại cảnh để gảy thành thanh âm của tiếng lòng mình.

“Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt” chính là khi những rung động trong tâm hồn nhà thơ tìm được một cách thể hiện bằng câu chữ. Khi ấy, thơ ra đời. Nói đến tình cảm của con người là nói đến những gì sâu sắc ẩn chứa bên trong tâm hồn. Tình cảm ấy không chỉ có ở nhà thơ mà còn có ở tất cả mọi người. Những rung động trước cái đẹp, hay sự đau khổ, niềm vui sướng… đều là những trạng thái của tình cảm. Nhưng tình cảm của nhà thơ có điểm khác với những người bình thường. Đó là vì “sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”. Nếu như chúng ta bộc lộ tình cảm bằng nét mặt, cử chỉ, hành động cụ thể thì nhà thơ biểu hiện tình cảm ấy qua văn bản ngôn từ. Tình cảm tự tìm thấy cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, tức là tình cảm ấy chủ động tìm đến với mỗi thể loại, một cách viết, cách sử dụng ngôn từ sao cho phù hợp nhất với nó. Tác phẩm thơ, như vậy, chính là sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa tình cảm của người viết với một hình thức biểu hiện. Thực chất câu nói của Uy-li-am Uốt đề cập tới quy luật sáng tạo trong thơ ca: Thơ ra đời khi nội dung tìm được nghệ thuật biểu hiện phù hợp và truyền tải được hết nội dung ấy.

nlvh-cai-tam-cua-nha-van-9

Ngay từ lúc sinh ra trên đời con người đã có tình cảm. Tiếng khóc chào đời là khát vọng được giao tiếp với đời. Mỗi người thơ đều có tấc lòng riêng của mình. Từ tình yêu đôi lứa đến tình cảm gia đình, từ sự rung động trước một bức tranh quê đến lòng đau trước một thân phận con người đều đi vào trang thơ. Quên sao được tấm lòng mong nhớ thiết tha trong ca dao:

Chờ em đã tám hôm nay

Hôm qua quả chín, hôm nay là mười.

Chờ nhau, nhớ nhau nên câu chữ cũng hóa bất thường. Thời gian tâm lí đã thay thế trật tự thời gian bình thường. Những số từ đong đếm tâm trạng trong câu chữ đã vật chất hóa tiếng lòng người đang yêu. Yêu nhau nên ước mong cũng lạ thường:

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

Cầu dải yếm hay tấm lòng em gửi trọn đến chàng? Vật dụng gần gũi và quá đỗi mỏng manh của người phụ nữ trở thành nhịp cầu chuyên chở tình yêu. Yêu nồng nàn nên mới có ước ao đẹp và duyên đến vậy!

Thơ là thể loại trữ tình phù hợp với mọi cung bậc cảm xúc thi nhân. Bao buồn vui trong đời cảm rung thi sĩ, bao nỗi niềm chất chứa trong tầm can đến lúc mãnh liệt mà “cất lên trang”. Câu chữ sẽ tự tìm hình thức thích hợp để tuôn chảy tiếng lòng thi nhân. Có ai đó đã nói rằng: “Thơ là tiếng lòng hồn nhiên nhất của trái tim”. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Bởi thơ chỉ ra đời khi tiếng nói hồn nhiên nhất của trái tim ấy tìm thấy cho nó một hình thức biểu hiện phù hợp và độc đáo. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng “nỗi đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”, bằng một trái tim yêu thương rất mực… nhưng Truyện Kiều sẽ ra sao nếu không được sáng tác bằng thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Tình cảm mãnh liệt của Nguyễn Du đối với những nhân vật trong Truyện Kiều – hình bóng của những con người thực đã tìm đến một hình thức thể hiện độc đáo, phù hợp. Bởi thế mà Truyện Kiều trở thành đỉnh cao của thơ ca Việt Nam không chỉ ở thời kì trung đại, được quần chúng nhân dân mọi thời tiếp nhận, yêu thích, say mê.

Khi những thôi thúc của trái tim trở nên dồn dập, mạnh mẽ, nó sẽ tự tìm đến một hình thức biểu hiện phù hợp nhất, truyền tải hết những tình cảm ấy. Hồ Xuân Hương với tiếng nói riêng của một người phụ nữ có cá tính, muốn đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho người phụ nữ đã cất lên những lời thơ cứng cỏi và có vẻ như thách thức:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Quy luật sáng tạo trong thơ ca chính là quy luật của những cảm xúc lên đến đỉnh điểm. Tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ. Chế Lan Viên – nhà thơ của những triết lí, triết luận cũng xôn xao tiếng lòng khi yêu:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽtrở về.

Nắng sớm cũng mong.

Cây cũng nhớ.

Ngõ cũng chờ.

Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay.

(Tập qua hàng)

Tình cảm đã thể hiện nơi câu chữ. Tâm trạng mong chờ, đón đợi người yêu khiến tấc lòng không yên. Câu chữ cũng tuôn trào, dào dạt, cũng trúc trắc như chính tâm trạng thi nhân. Bồn chồn không yên nên mới có hình thức Tập qua hàng độc đáo như thế!

“Thơ là sự giải tỏa cảm xúc” (Chế Lan Viên). Chính những tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc trưng của thơ so với những thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng tình cảm qua hệ thống nhân vật, cốt truyện, thì qua thơ người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình cảm này bằng ngôn từ:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Rõ ràng thơ trao cho người sáng tác quyền bộc lộ trực tiếp những cảm xúc của mình. Và chính cảm xúc, tình cảm đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Cảm hứng sáng tác chỉ được xây dựng trên hệ thòng tình cảm phong phú, sâu sắc của nhà thơ về cuộc sống. Trong thơ không chấp nhận thứ tình cảm hời hợt, nông cạn. Tình cảm trong thơ phải là tình cảm mãnh liệt, sâu sắc và trào dâng trong tâm hồn nhà thơ, làm cho những hình tượng ấy trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc.

“Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó” (Muýt-xê). Trái tim nhà thơ tự tìm đến một nghệ thuật biểu hiện, và khi ấy thơ ra đời, chân thành, giàu xúc cảm và cũng thật độc đáo, riêng biệt. Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống trong một đêm khi nghe tin địch tràn vào tàn phá quê hương mình. Dòng cảm xúc cứ tuồn trào khiến ngòi bút nhiều khi không theo kịp, bởi thế thể thơ tự do là thích hợp nhất và biểu hiện một cách sâu sắc nhất những tình cảm ấy. Dòng hồi tưởng cứ miên man chảy trôi như chính dòng sông đang hiện về trong tâm tưởng nhà thơ:

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.

Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng mà tưởng như nhịp sóng đang quyện hòa với lời thơ mà xô vào nhịp đập của con tim. Cả bài thơ là một nhịp sóng lớn, con sóng của biển cả và con sóng của một trái tim người phụ nữ đầy lo âu chân thành và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường.

Chính sự dâng trào tình cảm đã tạo nên những giây phút thần hứng cho người nghệ sĩ – “hãy xúc động cho ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). Ta hiểu vì sao những bài thơ như Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Sóng (Xuân Quỳnh) hay Tôi yêu em (Pu-skin) lại có sức lay động mãnh liệt tâm hồn người đọc đến vậy. Bởi những bài thơ ấy trước hết là những dòng cảm xúc sâu sắc của mỗi nhà thơ. “Thơ là tất cả, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh” (Raxun Gamzatop). Tình cảm trong thơ cũng vậy, luôn vận động để tìm đến những hình thức riêng phù hợp. Những tình cảm mãnh liệt thường chọn cho nó một cách thức để biểu hiện sao cho độc đáo nhất, truyền tải hết được những cảm xúc ấy tới người đọc. Tình cảm nhiều khi tràn ra câu chữ, mỗi từ, mỗi chữ, mỗi câu đều được soi sáng bằng ngọn lửa của những tình cảm mãnh liệt.

Thơ không thể thiếu cảm xúc. Sự chủ động của tình cảm trong thơ khi tìm lấy một hình thức biểu hiện riêng đã làm nên những áng thơ hay còn mãi với thời gian. Ý kiến của Ta-go chạm đến một trong những đặc thù sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ sáng tác thơ mà sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đều rất cần ở người cầm bút một tình cảm mãnh liệt, bắt rễ sâu xa trong hiện thực cuộc sống. Sự kết hợp giữa nội dung và nghệ thuật trong thơ sẽ tạo nên những tác phẩm thơ độc đáo.

Nhà văn, nhà thơ chỉ có được tình cảm mãnh liệt khi gắn mình với mảnh đất hiện thực, khi tìm những cảm hứng sáng tác ở chính cuộc đời. “Nhà văn phải mở hồn ra đón nhận những vang động của đời” (Nam Cao). Những con sóng của cuộc đời bắt nhịp với con sóng của trái tim nghệ sĩ sẽ tìm đến những hình thức nghệ thuật độc đáo. Và thơ ra đời, “kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh).

Thơ là tình cảm, là tiếng lòng thổn thức của thi nhân hiển thị trong câu chữ và để có tiếng lòng thổn thức ấy người thơ phải sống trọn vẹn với đời. Chữ “tài” chỉ bừng nở khi chữ “tâm” với đời tỏa sáng. “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp) thi sĩ bắt nguồn từ chính mảnh đất cuộc đời và thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc đời là mạch nguồn khởi đầu và cũng là đích đến của mỗi trang thơ. Tình cảm ấy chính là “tấm lòng sứ điệp” nhịp mãi lên câu chữ để mãi mãi văn học sống trong lòng độc giả, là hành trang để ta bước vào đời.

Kể từ khi văn chương xuất hiện và góp một phần không nhỏ vào cuộc sống con người cho đến nay thì vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về thơ. Mà “Thơ” được định nghĩa khác nhau theo quan niệm nghệ thuật của từng nghệ sĩ. Đối với Voltaire thì “Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Âm nhạc có muôn vàn giai điệu ngân nga, trầm bổng, vui tươi, não nề… và thơ cũng là sự thể hiện của muôn vàn cảm xúc khác nhau: vui, buồn, nhớ thương, giận hờn… Chỉ khác âm nhạc dùng giai điệu để thể hiện còn thơ sử dụng từ ngữ để bộc lộ tâm tư, tình cảm của thi nhân. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi từng nói “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống”. Ta hiểu “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” chính là tiếng lòng, là cảm xúc chân thành, thật sự nhất của tâm hồn con người. Khi con người “đụng chạm” tức là được trông thấy, được cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất của sự sống xung quanh mình, con người sẽ có những cảm xúc, những suy nghĩ, tình cảm riêng của mình về sự vật, sự việc đó. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã nói lên đặc điểm của thi ca: thơ ca được sinh ra từ cảm xúc đầu tiên, cảm xúc chân thành nhất của con người khi con người được cảm nhận và nhận thấy những chuyển biến của cuộc sống và cảm xúc trong thơ luôn là thứ tình cảm trong sáng và chân thật nhất từ trong tâm hồn của con người.

Nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”. Điều này càng khẳng định rằng thơ luôn là thứ con người tìm đến để giải tỏa tâm hồn, bày tỏ tâm sự khi có gì đó chất chứa, mông lung trong lòng hay nói cách khác, thơ chính là lời của trái tim : “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi). Nhận xét này được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận- bài thơ chan chứa những cảm xúc mãnh liệt và là bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1932-1945.

Xem thêm: Chi tiết "những bước đi của Tràng " trong truyện ngắn "Vợ nhặt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận