Chi tiết "những bước đi của Tràng " trong truyện ngắn "Vợ nhặt"

"Những bước đi của Tràng" là một trong những chi tiết nghệ thuật rất hay trong Vợ nhặt mà các bạn học sinh khi ôn thi đừng bỏ qua.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trên con đường Tràng giữ lấy cơ hội xây dựng tổ ấm hạnh phúc của cuộc đời mình, nhà văn Kim Lân đã hơn tám lần viết về những bước đi của anh:

“Trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt người thì Tràng đi làm về. Hắn bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào trong bến”.

1. Bước chân “ngật ngưỡng” trên con đường “khẳng khiu” đã thay Tràng nói lên bao chênh chao, đơn độc, vô định về tương lai trong lòng anh. Trong dáng đi nghiêng ngả ấy, ta tưởng chừng nhân vật đang quá đỗi liêu xiêu, nhỏ bé giữa cuộc đời, giữa nạn đói bây vủa chẳng chịu buông tha cho bất kì ai. Có phải ngay vào lúc “chạng vạng mặt người” mỗi ngày - khoảnh khắc ngày tàn tượng trưng cho đêm tối sắp đến, một ánh sáng khép lại, nhà văn cũng đang hàm ý nói đến cuộc đời đang đi vào khoảnh khắc “chạng vạng” của nhân vật hay chăng? 

“Trong bóng chiều nhá nhem, Tràng đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn”.

2. Nếu không phải “chạng vạng mặt người” thì cũng là “bóng chiều nhá nhem”, miền nhân thế sao hiện lên trang văn “Vợ nhặt” đầy chập chờn giữa tối và sáng, ngày và đêm như thế? “Chạng vạng” rồi “nhá nhem”, cuộc sống con người cũng lưng chừng giữa ranh giới giữa được và mất, sống và chết như khoảnh khắc chênh vênh của ngày tàn. Anh Tràng đi từng bước mệt mỏi, nhưng anh vẫn “chúi về đằng trước” để cố gắng mạnh mẽ nhấc từng bước chân nặng nề, đói khát bước lên phía trước. Bởi nếu hạt mầm sự sống không nảy mầm từ chính trái tim con người, thì giữa cái đói triền miên ấy, liệu con người có đủ sức để vượt thoát nó hay không? Sau những khoảnh khắc thời gian chập chờn tối - sáng, nhà văn vẫn đang cùng nhân vật mạnh mẽ hơn từng ngày. 

“Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ”.

chi-tiet-nhung-buoc-di-cua-trang-trong-truyen-ngan-vo-nhat

3. Tràng đã từng là một anh nông dân ngụ cư vô tư, vô lo vô nghĩ, vừa đi vừa tủm tỉm cười, đắm nụ cười ấy vào bóng chiều mà sống hài hòa với hoàn cảnh. Anh vẫn chọn than thở về cuộc sống chưa như ý bằng cách của riêng mình và cuộc sống vẫn đáp lại anh bằng những cơ hội mới. 

“Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”.

4. Cơ hội mới ấy chính là con đường mới của cuộc đời anh khi anh về nhà cùng người vợ nhặt, khi anh lại tủm tỉm cười nụ một mình nhưng không phải cười trong sự thở than, mà là cười trong hạnh phúc mới với đôi mắt “sáng lên lấp lánh”. Ánh mắt sáng lên lấp lánh ấy chan chứa bao khát khao được hạnh phúc, khát khao mái ấm gia đình được thực hiện, như một bản tình ca của cuộc sống vừa cất lời để đáp lại tấm lòng nhân hậu, sự mạnh mẽ kiên trì của anh trong cuộc đời chật vật của mình. 

“Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”.

5. Nhưng con người nhỏ bé, bằng xương bằng thịt làm sao có thể sống mà không có miếng ăn, cái mặc bên mình? Nạn đói vẫn ở đó, mặc cho con người hi vọng, khao khát, tìm lấy nhau; mặc cho ta cười vui với giấc mơ trước mắt, nó vẫn bằng cách của nó giấu niềm đau vào trong sâu thẳm trái tim mỗi người, để họ cùng nhau “lủi thủi” gắn bó, “lủi thủi” tạo dựng tương lai. Họ nhỏ bé giữa cuộc đời, dù vậy, lòng can đảm đi tìm hạnh phúc của họ đã lay động trái tim mọi người, đã thắp lên một ánh nến trong lòng những người nhìn thấy. 

“Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất”.

6. Tìm thấy nhau trong cái đói cùng cực, có thể Tràng và người vợ nhặt đã thật đáng thương trong dáng hình “lủi thủi” của mình, nhưng khi một con người can đảm bước về phía hạnh phúc, dũng cảm tạo dựng tương lai, họ sẽ tạm biệt mọi “ngật ngưỡng”, “mệt mỏi” từng có để mạnh mẽ “xăm xăm” dọn dẹp lại cuộc đời mình. Hành động “xăm xăm” thu dọn nhà cửa của Tràng không chỉ là sự tôn trọng dành cho người vợ nhặt, mà đó còn là quá trình anh “thu dọn” những đơn độc, khổ đau, trơ trọi và ngổn ngang trong cuộc đời anh từng có để sẵn sàng đón thị vào đó bằng một tấm lòng chân thành, vẹn nguyên nhất. 

“Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”.

7. Buổi sáng đầu tiên sau khi anh có vợ, bước đi của Tràng lại không còn mỏi mệt, cũng không còn vội vàng, anh “lững thững” chậm rãi, từ tốn cảm nhận và tận hưởng dư vị cuộc sống mới trong ánh nắng mùa hè “xói vào hai con mắt”. Ánh nắng quá mạnh mẽ và sáng chói, nó khát ánh “chạng vạng”, “nhá nhem” ngày cũ trước khi gặp thị; nó cũng khác với bóng tối trong cuộc đời mà anh đã từng có. Ánh sáng của ngày mới phải chăng cũng là ánh sáng của hạnh phúc sẽ ở bên Tràng, thôi thúc Tràng sống ý nghĩa và trọn vẹn hơn?

“Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”.

8. Quả thật như vậy. Bởi vì thứ ánh sáng hạnh phúc đó đã soi chiếu vào căn nhà sạch sẽ, tươm tất; vào từng gương mặt sáng bừng niềm hi vọng của mẹ và vợ Tràng; khiến anh nhìn lại mình, nhận ra trách nhiệm anh nên có và tin tưởng hơn về tương lai. Đó không phải một giấc mơ, đó không phải mộng hão huyền. Thế nên anh đã một lần nữa lại “xăm xăm chạy ra giữa sân”, tiếp nối hành động “xăm xăm bước vào trong nhà” trước đó. Cùng là hành động “xăm xăm”, nhưng ở hai thời khắc, Tràng lại có những biến chuyển khác nhau. Nếu như trước đó, anh “xăm xăm bước vào trong nhà” để thu dọn nhà cửa đón thị, mong muốn thị ở lại, không muốn thị thất vọng thì giờ đây, anh “xăm xăm chạy ra giữa sân” để mạnh mẽ cùng vợ và mẹ dọn dẹp, cùng tạo dựng mái ấm cho tương lai. Anh từ “bước vào” đến “chạy ra”, từng hành động đều dứt khoát, kiên cường. Vì vậy, hương chữ nồng nàn của Kim Lân trong “Vợ nhặt” dẫu luôn đến từ những khoảnh khắc ngọt ngào xen lẫn đắng cay, nhưng ở từng câu chữ, từng khoảnh khắc ấy, người đọc lại luôn nghe thấy khúc ca vang từ tình yêu thương và niềm tin sáng ngời vào sự sống của ngày mai đang đến. 

Xem thêm: "Muối" trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận