Bão số 6 năm 2021 mạnh cỡ nào?

Theo cơ quan khí tượng, bão số 6 sẽ đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi vào sáng mai (24/9). Vậy cơn bão này mạnh cỡ nào?

Đỗ Thu Nga
16:51 23/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (23/9), áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, bão số 6 năm 2021 (tên quốc tế Diamu do Trung Quốc đặt). Tính đến 13h chiều nay, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Bình Định khoảng 180km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 260km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 330km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 380km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Lúc 16 giờ ngày 23/9 vị trí tâm bảo vào khoảng 15.2oN; 110.1oE, cách bờ biển Bình Định khoảng 185km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 145km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 185km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 250km. Sức gió mạnh nhất: cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

bao-so-6-nam-2021-manh-co-nao-5
Đường đi của bão số 6

Trong đêm nay, bão số 6 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 1h sáng 24/9, vị trí tâm bão số 6 ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h ngày 24/9, áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m; biển động rất mạnh.

Ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Từ tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.

bao-so-6-nam-2021-manh-co-nao-0
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia ứng phó sự cố thiên tai chủ trì họp khẩn ứng phó bão số 6 (Ảnh VGP)

Từ chiều nay đến ngày 24/9, bão còn tiếp tục gây mưa rất to ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Từ ngày 24-25/9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Mưa do bão số 6 ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong 6 giờ qua (7h-13h) đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Liên quan đến cơn bão số 6, chiều 23/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì họp khẩn của Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Để chủ động ứng phó với bão số 6, Văn phòng Thường trực đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ động ứng phó ATNĐ và mưa lũ.

bao-so-6-nam-2021-manh-co-nao
Bộ đội biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, tránh trú an toàn (Ảnh minh họa)

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm.

Di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ lượng nước đến các  hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn phòng dịch COVID-19.

Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN khi có tình huống xảy ra.

Xem thêm: Tin áp thấp nhiệt đới ngày 23/9: Khả năng mạnh lên thành bão

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận