Bàn về biểu tượng "SÔNG" trong văn học Việt Nam

Sông - biểu tượng xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học. Sông có được miêu tả dữ dội; có lúc lại hiền hòa, e ấp như người thiếu nữ....

Đỗ Thu Nga
12:00 06/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1. Sông - dòng đời

Trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, sông mang ý nghĩa biểu trưng cho dòng đời. Dòng nước dài, luôn vận động chảy trôi qua các khúc, các đoạn biểu trưng cho dòng chảy vô thường của đời sống với những chuyển vần, biến dịch, thăng - trầm, được - không ngừng. Ta có thể nhận ra hướng nghĩa biểu trưng này của biểu tượng sông trong các tác phẩm“Tràng giang” của Huy Cận, “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, “Chảy đi sông ơi!” của Nguyễn Huy Thiệp, “Nhớ sông” của Nguyễn Ngọc Tư ...

Ý nghĩa biểu trưng cho dòng đời của biểu tượng sông được thể hiện rõ nét qua sự tương tác với các biểu tượng về thân phận con người như con thuyền, cành củi khô trong “Tràng giang” của Huy Cận: dòng sông biểu trưng cho dòng đời mênh mông nhiều ngả để trên/trong đó, con người (như cành củi khô, như con thuyền) nhỏ bé, lạc loài đến tội nghiệp. Trong “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, dòng sông biểu trưng cho dòng đời ô nhục của những cô gái làm nghề “buôn son bán phấn” trên sông Hương: Em đi với chiếc thuyền không/ Khi mô vô bến rời dòng dâm ô. Trong “Nhớ sông” của Nguyễn Ngọc Tư, dòng sông là hành trình mưu sinh lênh đênh nay đây mai đó của những con người miền sông nước: dòng sông dập dềnh - cuộc sống chòng chành bấp bênh, dòng sông rộng dài - cuộc sống mờ mịt tương lai...

Biểu tượng dòng sông - dòng đời có khi gắn với trải nghiệm mang tính triết lí của hành trình trở về với kí ức để nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời. “Chảy đi sông ơi!” của Nguyễn Huy Thiệp là hành trình ngược trở về với dòng quê hương, với những con người sinh sống trên dòng sông ấy của nhân vật tôi. Chính “hành trình ngược” ấy tương tác với “hành trình xuôi” của sự chảy trôi không ngừng của dòng sông - dòng đời - dòng thời gian tạo nên sắc thái chiêm nghiệm, triết lí về dòng sông - dòng đời - dòng thời gian bất khả quy hồi và theo đó là sự mất mát, lãng quên: Chảy đi sông ơi!/ Băn khoăn làm gì?/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi?...

2. Sông - vẻ đẹp thiên tính nữ

Không biết từ bao giờ, người ta nhìn sông to, sông nhỏ thành sông mẹ (sông cái) sông con và sự bồi tụ phù sa của sông là sự nuôi dưỡng của một người mẹ? Và cũng không biết từ bao giờ, người ta nhìn thấy vẻ đẹp dịu dàng tha thiết của người con gái trong dáng hình mềm mại uốn lượn của dòng sông? Chỉ biết rằng, trong văn hóa Việt Nam và theo đó là trong văn học Việt Nam, từ lâu, sông mang ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp thiên tính nữ. Vẻ đẹp thiên tính nữ đó có thể là vẻ đẹp của một người mẹ và có thể là vẻ đẹp của một người con gái nào đó.

ban-ve-bieu-tuong-song-trong-van-hoc-viet-nam-9

Trong “Vàm Cỏ Đông” của Hoài Vũ, sông là mẹ chở che, nuôi dưỡng: Đây con sông như dòng sữa mẹ/ Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây/ Và ăm ắp như lòng người mẹ/ Chở tình thương trang trải đêm ngày. Hay trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận thấy dòng sông Hương như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở... Ở góc nhìn khác, một số nghệ sĩ lại thấy ở một dòng sông cụ thể nào đó vẻ đẹp của những người con gái. Với Nguyễn Tuân, hình dáng của con sông Đà nhìn từ trên cao tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn iện trong mây trời Tây Bắc (“Người lái đò sông Đà”). Hay với Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương mang vẻ đẹp của một cô gái Digan phóng khoáng và man dại hay người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại (“Ai đã đặt tên cho dòng sông”).

3. Sông - quyền năng thần thánh

Là một biến thể của biểu tượng nước, biểu tượng sông hàm chứa nét nghĩa biểu trưng: mang đến nguồn sống nhưng cũng mang đến sự chết chóc. Trong nhiều tác phẩm văn học, dòng sông được nhắc đến gắn liền với nỗi sợ hãi về sự nhấn chìm, ngập lụt: nước sông ăn lên lem lém nuốt chửng cả cánh bãi xanh non mênh mông lúa lốc và vừng (“Thời xa vắng” - Lê Lựu); Cánh đồng làng Đông chìm trong biển gió đen ngòm. Nước sông cuồn cuộn sôi lên sùng sục (“Bến Không Chồng”- Dương Hướng); Nửa đêm, vỡ đê sông Hoàng Long. Nước réo ồ ồ. Chó tru. Gà quác. Trâu bò phá gióng. Dê phá chuồng kêu khản giọng. Dân kinh hoàng, nháo nhác chạy lụt như chạy loạn (“Mười ba bến nước” - Sương Nguyệt Minh).

Sông cũng gắn với những buồn đau về sự chết chóc. Trong “Nhớ sông” của Nguyễn Ngọc Tư là cái chết của má Giang: Má ngã xuống, đầu đập vào cái gờ sắt, đôi chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông (...) mái tóc má trôi xùm xòa phiêu phiêu trong làn nước,rồi mất hút. Trong “Bến Mom” của Văn Giá là cái chết của Dung: Dung bị hất xuống sông (...). Đúng chỗ bến đò, nước ngòi đang chảy xiết ra sông. Con bé chìm nghỉm. Cái nón trắng trôi dập dềnh...

Sông như một cái gì đó ghê gớm hãi hùng nên người Việt ta có văn hóa ứng xử với sông một cách “tôn kính và sợ hãi” và huyền thoại hóa nỗi sợ hãi của mình thành các huyền thoại về Ba Ba, Thuồng Luồng, về thần Hà Bá chuyên bắt đàn bà, trẻ em (như trong “Bến Không Chồng” - Dương Hướng, “Mười ba bến nước” - Sương Nguyệt Minh...).

4. Sông - sự minh oan, gột rửa

Ý nghĩa biểu trưng này của biểu tượng sông cũng được “di truyền” từ ý nghĩa của biểu tượng nước vốn là mẫu gốc mà biểu tượng sông chỉ là một biến thể như đã trình bày ở trên. Sông chứa nước, sông là nơi người dân thường ra tắm nên tắm sông, gieo mình xuống sông thường biểu trưng cho sự minh oan, gột rửa, thanh lọc tâm hồn con người.

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ), Vũ Nương, người phụ nữ thủy chung son sắt chờ chồng nhưng bị chồng nghi oan, đã tìm đến dòng sông để trẫm mình: Kẻ bạc mệnh này duyên phận hâm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. (...) Nói xong, gieo mình xuống sông mà chết. Trong “Chảy đi sông ơi!” của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật tôi sau khi được cứu lên khỏi dòng sông, nhận thấy: Lòng tôi trào lên cảm giác dễ chịu lạ lùng, như vừa tắm xong, như vừa gột rửa được điều u ám. Và trong “Khúc hát sông quê” của Lê Huy Mậu, chúng ta cũng không khó để nhận ra rằng dòng sông quê hương có ý nghĩa như một sự thanh lọc, gột rửa bụi trần ai của con người: Quá nửa đời phiêu dạt/ta lại về úp mặt vào sông quê và ta nhận ra rằng sao ngày xưa yên ổn quá chừng/ một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng.

5. Sông - ranh giới, cách trở

Sông với các đặc tính dài, rộng, sâu... tạo sự ngăn cách tự nhiên giữa đôi bờ, giữa hai vùng địa lí, giữa quê mẹ - quê chồng... Và do đó, sông mang ý nghĩa biểu trưng cho ranh giới, sự cách trở. Đó là sự cách trở khiến các chàng trai cô gái xưa phải đau đáu nỗi niềm nhớ nhung: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi (Ca dao). Đó là ranh giới, trở cản của phận gái theo chồng: Một lần này bước ra đi/ Là không hẹn một lần về nữa đâu/ Cách mấy mươi con sông sâu/ Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh (“Lỡ bước sang ngang”, Nguyễn Bính). Ranh giới quê mẹ - quê chồng cũng là ranh giới của hôn nhân lành - vỡ: sang sông với chồng là bắt đầu một cuộc sống hôn nhân và khi ôm túi đồ vào lòng, vừa đi vừa khóc, chạy cùn cụt ra bến nước, ới đò sang sông về nhà mẹ (“Mười ba bến nước” - Sương Nguyệt Minh) cũng có nghĩa là hôn nhân tan vỡ.

Cũng phát triển hướng nghĩa biểu trưng này của biểu tượng sông, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp lại nhấn mạnh sắc thái triết lí của ranh giới dòng sông. Với Nguyễn Minh Châu (trong “Bến quê”), hành trình vượt qua ranh giới, cách trở của sông để sang bờ bên kia là hành trình để đi đến một thế giới khám phá mới. Và trong hành trình ấy, nếu con người không cố gắng vượt qua thì dòng sông sẽ mãi mãi là sự ngăn cách khiến con người đến một lúc nào đó sẽ phải hối hận vì không thể chạm tới cái đích bên kia của khát vọng khám phá, dẫu đó có thể chỉ là cái bến gần gũi bên kia sông. Còn với Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Sang sông”, ông nhấn mạnh và nhuốm ý nghĩa biểu trưng sông - ranh giới trong màu sắc triết lí “đáo bỉ ngạn” của Phật giáo: sông là ranh giới, qua sông là qua được những đắm chìm dục sắc để “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia) - nghĩa ẩn dụ là đạt tới sự hoàn thiện, không còn bị các dục vọng, phiền muộn chi phối.

Ngoài ra, còn có thể kể đến một sốhướng nghĩa biểu trưng nữa của biểu tượng sông trong văn học như sông - cố nhân, sông - chứng nhân, sông - quê hương, sông - mạch nguồn tình cảm yêu thương... Những hướng nghĩa biểu trưng này được hiện thực hóa qua các tác phẩm văn học Việt Nam ở các mức độ “đậm - nhạt” khác nhau.

(Theo Đoàn Tiến Lực)

Xem thêm: Những kẻ khờ khạo nhất lại chính là những kẻ sống "NGƯỜI" nhất

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận