Điểm danh 7 biến chủng của virus SARS-COV-2 đã xâm nhập vào Việt Nam
Tính đến tháng 7/2021, qua giải trình gen các mẫu bệnh xác nhận đã có 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 có mặt tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã có 7 biến chủng của virus SARS-COV-2, đó là các biến chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ. Cụ thể:
- Biến chủng D614G có nguồn gốc châu Âu: Biến chủng này gây dịch bệnh tại Đà Nẵng.
- Biến chủng B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh: Gây dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương.
- Biến chủng B.1.351 có nguồn gốc Nam Phi: Bệnh nhân 1422, người Nam Phi, nhập cảnh vào sân bay Nội Bài.
- Biến chủng A.23.1 có nguồn gốc Rwanda (châu Phi): Ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất.
- Biến chủng B.1.617.2 có nguồn gốc từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh: Đây là nguyên nhân gây dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành phố.
- Biến chủng B.1.222: Được phát hiện từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 2701 là chuyên gia Ukraina.
- Biến chủng 1.619 xuất hiện ở nhiều nước: Biến chủng này được phát hiện từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 2902 là chuyên gia Ấn Độ.
Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được xếp vào nhóm biến chủng gây quan ngại, có khả năng lây truyền cao hơn 50% Alpha. Khoảng 60% người nhiễm virus này không có biểu hiện lâm sàng, là các ca F0 không triệu chứng.
Vào ngày 30/7, đài CNN đã có bài phân tích cụ thể về biến chủng Delta sua khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói biến chủng này lây lan nhanh như thủy đậu và có độc lực cao hơn chủng SARS-COVD-2 ban đầu.
Theo đó, biến chủng Delta dễ lây lan hơn nhưng mức độ "hơn" này cụ thể là bao nhiêu thì chưa rõ ràng. Theo CNN, các ước tính hiện nay dao động từ 60% đến hơn 200% tùy thuộc vào bên đưa ra ước tính. Tài liệu của CDC chỉ ra, mức độ lây lan tương đương với virus gây bệnh thủy đậu, tức là người bệnh có thể lây cho 8 - 9 người khác.
Cũng theo CDC của Mỹ, mức độ lây lan của chủng ban đầu tại Vũ Hán (Trung Quốc) chỉ như cảm lạnh thông thường, tức là 1 người sẽ lây cho khoảng 2 người.
Theo CNN, đây là con số khó kiểm chứng, và cần phải thử nghiệm nhiều hơn. Hiện nay chưa biết chính xác mức độ lây lan. Nhưng chắc chắn nó lây lan nhanh hơn virus ban đầu.
Delta còn làm bệnh trở nặng. Các phòng cấp cứu và khu chăm sóc đặc biệt ở Mỹ đã chật kín bệnh nhân COVID-19. Theo CNN, điều này khiến nhiều người cảm tưởng thể Delta đang gây bệnh nặng. Tuy nhiên, hơn 90% người nhập viện hiện nay ở Mỹ là những người chưa tiêm chủng. Do đó, ai cũng có thể nhiễm Delta ngay từ đầu nếu chưa tiêm, nhưng chưa có thông tin cho thấy Delta khiến bệnh nặng hơn.
Tiêm vaccine rồi vẫn cần phòng bệnh nghiêm túc. Trong tuần qua, giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky cũng nói vaccine có thể ngăn chặn 90% trường hợp bệnh nặng nhưng ít hiệu quả hơn trong việc phòng bệnh hay lây nhiễm cho người khác.
"Do đó, ngày càng có nhiều ca nhiễm đột phá và ca lây nhiễm trong cộng đồng dù đã tiêm" - bà Walensky nhận định. Ca nhiễm đột phá chỉ trường hợp đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.
Nghiên cứu của CDC cũng cho thấy người đã tiêm đủ vaccine khi mắc bệnh cũng có tải lượng virus tương tự người chưa tiêm chủng. Vì lý do này, CDC khuyến nghị những người đã tiêm chủng vẫn nên đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện công cộng trong không gian kín.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận