3 năm ròng sống cảnh không tổ ấm của cậu học trò mồ côi: Thường xuyên ăn mì tôm để tích tiền nuôi ước mơ vào Đại học

Nguyên Trường là cậu học trò giỏi, ngoan hiền nhưng hoàn cảnh quá bất hạnh. Em sinh ra đã mồ côi cha, sau đó lại mất mẹ. Suốt 3 năm ròng em sống trong nhà trọ, ăn mì tôm cầm chừng để nuôi ước mơ vào Đại học...

Đỗ Thu Nga
10:10 22/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

14 tuổi sống cảnh mồ côi, không có tổ ấm để quay về

Căn phòng trọ trên gác lửng ở đường Đặng Văn Bi (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chính là nơi che mưa tránh nắng mỗi ngày cho cậu học trò Nguyễn Phan Nguyên Trường (lớp 12A13 Trường THPT Thủ Đức). 

Mùa hè về, căn phòng trọ của Trường nóng hầm hập. Chỉ đứng vài phút trong đó mà mồ hôi mồ chảy ròng ròng. Thế nhưng, thời tiết khắc nghiệt không thể ngăn được quyết tâm ôn bài thật tốt để nuôi ước mơ vào giảng đường Đại học của Trường.

Những sống gần , biết hoàn cảnh ai cũng xót xa nhưng cũng khâm phục ý chí, nghị lực của Trường. Theo báo Thanh Niên, năm Trường học lớp 1, ba bị ung thư gan và mất. Từ đó, một mình mẹ làm công nhân gánh nồng nuôi Trường ăn học. 

3-nam-rong-song-canh-khong-to-am-cua-cau-hoc-tro-mo-coi-hieu-hoc-8
Dù phòng trọng rất nắng nóng nhưng Trường vẫn miệt mài học tập

Cuộc sống tuy khó khăn nhưng mẹ luôn dặn Trường phải cố gắng học tập. Thương mẹ lại hiếu học nên Trường luôn đạt thành tích học sinh giỏi trong nhiều năm liền.

Trường cứ tưởng, cuộc đời của hai mẹ con sẽ cứ thế êm đềm trôi qua. Rồi Trường sẽ trưởng thành, sẽ đi làm, sẽ quay về phụng dưỡng mẹ... Thế nhưng không! Năm Trường học lớp 8 thì biến cố ập đến, mẹ bị ung thư vú và qua đời. Cả bầu trời như đổ sập trước mắt cậu bé.

Mẹ qua đời, Trường được dì ruột đưa về nuôi nấng. Nhưng vì không sống được với dượng, nhiều lần dượng nói lời khó nghe khiến Trường tủi thân. Cuối cùng dì đành để Trường ra ngoài ở trọ.

“Tôi buôn bán áo quần ngoài chợ nhưng một tuần chỉ được cho bán 3 ngày, lại lớn tuổi rồi (65 tuổi) không thể chạy bán được nhiều nơi, nên cũng đành chịu. Tiền bán được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên cũng phải cố gắng rồi chạy vạy nhưng cũng thiếu trước thiếu sau, không thể lo đầy đủ cho cháu nên thương cháu vô cùng”, cô Nguyễn Thị Xuân, dì của Trường, nghẹn ngào chia sẻ.

3-nam-rong-song-canh-khong-to-am-cua-cau-hoc-tro-mo-coi-hieu-hoc-7

Ngày Trường dọn ra ngoài ở trọ, hành trang chỉ có mấy bộ đồ, chiếc chiếu, chiếc chăn và vài dụng cụ để có thể tự nấu ăn hàng ngày. Nhìn chiếc chăn cũ kỹ, chiếc chiếu đã sờn rách khắp nơi, Trường bảo, đã 3 năm rồi chưa thay mới, nhưng không dám báo vì sợ tạo ra gánh nặng cho dì.

Suốt 3 năm ròng, cứ học xong là Trường quay về phòng trọ ngay, chưa bao giờ dám la cà, đi chơi với bạn bè vì bản thân không có tiền. Về đến phòng trọ, Trường lại lủi thủi nấu cơm. Hôm thì ăn cơm với quả trứng, hôm thì ăn gói mì tôm để cầm chừng.

“May trời thương, em ăn gì cũng được. Bữa nay còn đỡ, những ngày trong dịch rất khó khăn, dì không đi làm được nên cũng không có tiền gửi cho em, những tháng ngày đó em suốt ngày ăn mì gói của các nhà hảo tâm cho”, Trường nhớ lại.

Ăn mì tôm để tiết kiệm tiền nuôi ước mơ vào Đại học

Trường có gương mặt hiền lành, nụ cười tươi rói. Thế nhưng ẩn sau đó là một cuộc đời bất hạnh. Bất hạnh lớn nhất Trường có lẽ là không còn cha mẹ ở trên đời.

Mỗi lần nhắc đến mẹ, dù em đã bảo quen với cảm giác một mình nhưng đôi mắt vẫn ngân ngấn lệ: "hường cứ về đêm, nằm một mình là em lại nhớ mẹ, tủi thân và khóc. Ngày xưa lúc mẹ mới mất, khi ấy em vẫn còn ngây thơ chưa lo nghĩ gì nhiều. Nhưng từ lúc một mình đi ở trọ, đêm đến vừa nhớ mẹ, vừa thấy lo cho tương lai. Dì em cũng lớn tuổi rồi, lại phải lo cho gia đình riêng, cũng không thể lo cho em mãi được. Cũng có lúc em đã nghĩ đến việc nghỉ học vì sợ không thể tiếp tục, nhưng nhớ lại ước nguyện của mẹ lúc qua đời thì em phải cố gắng nhiều hơn”.

3-nam-rong-song-canh-khong-to-am-cua-cau-hoc-tro-mo-coi-hieu-hoc-0

Năm Trường học lớp 12, dịch bệnh hoành hành khiến người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Để giảm bớt gánh nặng cho dì, mỗi tuần tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật, em lại đi chạy bàn ở quán phở gần nhà. Mỗi giờ được trả công 20.000 đồng, số tiền này Trường dùng để lo việc ăn uống hàng ngày. 

Biết được Trường có hoàn cảnh khó khăn hơn các bạn cùng trang lứa, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô ở trường đã mở lớp dạy thêm miễn phí. Nhờ có lớp học này mà cậu học trò 12 năm liền học sinh giỏi và nhiều năm đứng nhất lớp có thẻ chắc chắn hơn với cánh cổng vào giảng đường Đại học. 

Thế nhưng, điều mà Trường lo lắng nhất chính là tiền đâu để có thể học tiếp? Dù ước mơ có lớn cỡ nào thì cũng có phần nào đó bị ngăn cản bởi lý do vật chất.

“Trường là một học sinh rất ngoan hiền và học giỏi, dù hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh nhưng em rất nghị lực. Tôi luôn động viên và khuyên em cứ ráng học và thi thật tốt, rồi cô sẽ vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được đơn vị hay cá nhân nào giúp đỡ để cho em an tâm mà thi tốt kỳ thi sắp tới”, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh, chủ nhiệm lớp 12A3 chia sẻ.

Phép màu đã đến với Trường!

Sáng 21/6, Nguyễn Đỗ Trúc Phương - cô gái được biết đến với cái tên "cô tiên Sài Gòn" đã đăng tải trên trang cá nhân bài viết kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ cho Trường.

Trúc Phương viết: "Sáng nay thức dậy em nhận được hàng trăm tag và tin nhắn về trường hợp của em Trường. Em xin mở quyên góp cho em Trường tiếp nối ước mơ đại học". Đính kèm theo đó là câu chuyện về cậu học trò nghèo. Ngay lập tức, bài đăng đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của cư dân mạng.

3-nam-rong-song-canh-khong-to-am-cua-cau-hoc-tro-mo-coi-hieu-hoc

Với sự đồng lòng ấy, chỉ sau vài tiếng, vào trưa cùng ngày, "cô tiên Sài Gòn" đã vui mừng thông báo rằng số tiền các mạnh thường quân gửi cho Trường lên đến gần 200 triệu đồng.

Cô viết: "Em Phương xin được cho em Trường 182.571.000 rồi ạ. Em xin phép được đóng quyên góp nha. Vì em nghĩ bên nhà báo cũng đã quyên góp được cho Trường một số tiền rồi nè. 

Hy vọng ước mơ Đại Học của Em Trường sẽ được tiếp tục vẽ và hy vọng em sẽ là một người thành đạt, có ích cho xã hội .

Chân thành cảm ơn mạnh thường quân khắp nơi đã yêu thương và động viên em Trường..."

(T/h Báo Thanh Niên, Yan)

Xem thêm: Chuyện cậu học trò Quốc Oai hơn 1.400 ngày tình nguyện cõng bạn đi học: "Việc của con nhỏ bé có gì đâu mà phải nhận khen"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận