Chuyện cậu học trò Quốc Oai hơn 1.400 ngày tình nguyện cõng bạn đi học: "Việc của con nhỏ bé có gì đâu mà phải nhận khen"

Ban đầu là nhặt hộ cái thước kẻ, cái bút do, sau thì cõng bạn đi học, đi chơi... Cứ thế suốt hơn 1.4000 ngày, Tú đã cất đi "cái mai rùa" tự ti của Đăng để giúp bạn thêm hòa đồng. 

Đỗ Thu Nga
07:00 19/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Số phận nghiệt ngã của Đăng

Cậu học trò Hoàng Hải Đăng (Quốc Oai, Hà Nội) là trái ngọt của cuộc hôn nhân giữa anh Hoàng Văn Tuyền và chị Nguyễn Thị Lam (thôn Long Phú xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai). Đó là một cậu bé khôi ngô, hiếu động, ham học. Từ lớp 1 đến lớp 5 đều là học sinh giỏi. Trong đó, năm lớp 3 cậu thi giải toán trên mạng được điểm tối đa 300/300.

Số phận nghiệt ngã thay, từ lớp 2 trở đi, cơ thể Đăng có nhiều biểu hiện bất thường. Khi leo cầu thang thường phải vịn bằng cả hai tay. Khi bước trên đất bằng thì liên tục bị ngã cứ như có một người vô hình ngáng chân vậy.

Đến năm lớp 5, đùi của Đăng bắt đầu teo dần, sang lớp 6 thì không thể đứng thẳng được nữa. Gia đình đưa con đi thăm khám thì nhận được kết quả, cậu mắc căn bệnh vô cùng hiếm gặp là rối loạn dưỡng cơ Duchenne, cả huyện có hai trường hợp thì một đã mất sớm. Không chỉ chân yếu mà tay của Đăng cũng dần teo tóp, đến cái cốc cũng khó cầm nổi. 

Chuyen-cau-hoc-tro-Quoc-Oai-1-400-ngay-cong-ban-di-hoc-0
Em Hoàng Hải Đăng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Cô Trần Bích Hạnh - giáo viên chủ nhiệm từ năm lớp 6 đến lớp 9 của Đăng từng chia sẻ: Buổi đầu tiên vì không biết hoàn cảnh nên đã vô tình gọi Đăng lên bảng. Cả thân người của Đăng phải ưỡn ngửa ra phía sau thì mới có thể lết đi từng tý được. Kể từ đó, cậu được ưu tiên trả bài tại chỗ. Và chỉ trong vài tháng bệnh tình của Đăng chuyển biến đến mức không thể đi lại được nữa.

Căn bệnh quái ác này tác động không nhỏ đến tâm lý của Đăng. Có lần do xấu hổ không dám nói với ai, cực chẳng đã, cậu học trò phải đi vệ sịnh ngay tại chỗ. 

Bệnh tật khiến đăng tự ti giống như một con rùa chỉ muốn giấu mình trong mai. Từ một cậu bé hiếu động, hay cười nối, Đăng trở thành người lạnh lùng, khó tính, khó gần. Thế nhưng niềm ham học vẫn luôn rực cháy trong con người cậu. 

“Có những hôm cháu bị đau bụng, đợi mẹ cho đi vệ sinh xong xuôi vẫn nằng nặc đòi đến trường dù đã là 8-9 giờ. Bố đỡ lên xe, con ngả người vào lưng mẹ, rón rén tôi vừa chở cháu đi lại vừa thương xót…”, chị Lam - mẹ Đăng chia sẻ.

Hơn 1.400 ngày cõng bạn đi muôn nơi

Tại buổi tuyên dương người tốt việc tốt tiêu biểu của huyện Quốc Oai mới đây, mẹ bảo đi nhưng Tú cứ nhất định từ chối: “Việc của con nhỏ bé có gì đâu mà phải nhận khen” khiến bố cậu đành phải lên bục nhận thay.

Cơ duyên đưa đẩy thế nào mà cậu học trò Phạm Anh Tú tuy sống khác xã nhưng lại học chung trường chung lớp với Đăng từ năm lớp 6 (Trường THCS Hòa Thạch). Thời gian đầu còn lạ nên Tú chỉ hỏi thăm xem bạn có đau không, có cần giúp đỡ gì không. Thấy bạn làm rơi cái bút, thước kẻ thì nhặt hộ bạn.

Nhưng lâu dần, tình bạn ấy trở nên thân thiết hơn. Tú đã trở thành người giúp Đăng cất đi "Cái mai rùa" tự ti. Tú giúp Đăng hòa nhập với thế giới bên ngoài. Mỗi buổi đến trường cậu lại cõng bạn vào lớp, cầm cặp cho bạn, cõng bạn lên các phòng học bộ môn ở các tầng cao. Thậm chí, Tú còn sẵn sàng cõng bạn đi vệ sinh, cởi quần giúp bạn, xịt rửa khi xong xuôi rồi lại đưa về. Lần nào cậu cũng tế nhị đem theo cả một chiếc ghế nhựa để Đăng còn có chỗ mà tựa vào cho khỏi ngã.

Căn bệnh quái ác này khiến Đăng vừa phải đi học vừa phải chữa bệnh. Những đợt điều trị triền miên khiến Đăng phải uống thuốc cả vốc nên thường phải đi vệ sinh nhiều. Có buổi trời mưa to, sân trường mênh mông nước, bỗng thấy 4 học sinh khiêng 1 cái càng hối hả đi khiếng các lớp khách ngoái đầu nhìn lại, tò mò không biết ai phải đi cấp cứu. Hóa ra là Tú và nhóm bạn khiêng Đăng đi vệ sinh...

Chuyen-cau-hoc-tro-Quoc-Oai-1-400-ngay-cong-ban-di-hoc
Không chỉ cõng Đăng đi học, Tú còn giúp Đăng thoát ra khỏi "mai rùa tự ti" để hòa nhập với mọi người (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Ở trên lớp, vì tật nguyền nên Đăng được xếp ngồi bàn đầu, còn Tú to lớn hơn thì ngồi bàn cuối. Thỉnh thoảng Đăng lại bất ngờ ngả người ra nhưng đã có sẵn bàn tay của các bạn đỡ nên không bao giờ bị ngã. 

Có không ít lần cõng Đăng lên tầng cao, Tú bước hụt bị đau lưng nhưng chưa bao giờ kêu ca với ai. Về nhà thấy con mặt nhăn nhó, mẹ gặng hỏi thì mới biết chuyện. Cũng vì đau lưng mà có vai bữa, Tú phải nhờ bạn khác cõng Đăng thay mình. Khi khỏi đau lại tiếp tục cõng bạn...

Gia đình Đăng cũng vì bệnh tình của con mà chạy chữa khắp nơi. Có đợt, mẹ đưa Đăng vào trong miền Năm để điều trị. Vắng Đăng, Tú buồn như một cái bóng. Thấy bạn về, cả hai lại như đôi chim sáo, líu ríu nói cười.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền từng kể: "Có hôm trời mưa to, Tú cõng bạn qua đoạn sân bùn lầy lội nên bị trượt. Cú ngã trời giáng ấy khiến cả hai đều đau đớn. Tôi vội chạy lại để đỡ em, bụng nghĩ rằng hai đứa sẽ nhăn nhó vì đau, sẽ cau có vì bẩn nhưng không, lại thấy những nụ cười tươi rói trên môi của chúng. Tôi hỏi Tú tạo sao em cười? Em không đau à? Tú bảo: “Em đau một thì Đăng đau mười, mà càng đau thì càng phải cười cho hết đau Đăng nhỉ?”. Cứ thế, tình bạn lớn dần theo năm tháng, chúng gắn bó với nhau như hình với bóng, dùng nụ cười để vượt qua mọi trở ngại, gian nan.

Tú thu sách vở khi bạn học xong, chép bài hộ khi bạn nghỉ ốm. Có nhiều buổi tan trường thấy mẹ bạn chưa đến đón, dù trời tối, cậu cũng cố nán lại để chờ cùng bạn. Hôm cả lớp tổ chức tham quan đền Cổ Loa ở Đông Anh rồi hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, mẹ không cho Đăng đi vì ngại con khuyết tật nhưng Tú vận động viên tới cùng.

Tú cõng bạn lên đồi, cõng bạn xuống thuyền để Đăng có thể ngắm mọi cảnh vật kỳ thú đang hiện ra trước mắt. Trong các cuộc vui cậu không nỡ bỏ rơi Đăng một mình vì sợ bạn tủi thân.

Chuyen-cau-hoc-tro-Quoc-Oai-1-400-ngay-cong-ban-di-hoc-4
Tú và Đăng trong một giờ học (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Đã có không ít nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện muốn tặng xe lăn cho Đăng nhưng cậu đều từ chối. Đăng nói, không muốn mọi người nhìn nhận mình là kẻ khuyết tật. Mãi đến năm lớp 9, động viên mãi Đăng mới đồng ý.

Chiếc xe lăn để ở góc lớp gần như không bao giờ được sử dụng vì Đăng đã có Tú. Đôi chân của Tú trở thành đôi chân của Đăng. Đôi tay của Tú cũng là đôi tay của Đăng.

Theo chế độ khuyết tật, Đăng được vào thẳng cấp ba nhưng giai đoạn ôn thi dù trời nóng đến mấy cậu vẫn nằng nặc đòi mẹ đưa đến lớp để được gặp các bạn, để được cùng nhau giải những bài toán khó, tập làm văn hay.

Học xong cấp hai, vào đầu năm học mới, cả lớp rủ nhau đến thăm cô chủ nhiệm cũ, Tú cũng không quên cõng Đăng đi cùng.

Trường THPT Minh Khai có tới 14 lớp 10 thì trùng hợp sao cả hai đều được chọn vào lớp mũi nhọn. Ước mơ của Tú là lớn lên muốn thành chú bộ đội giống bố mình còn Đăng chẳng dám ước mơ gì xa xôi hơn vì chân, tay mỗi ngày một bại đi thấy rõ. Nhưng ngày nào còn đến trường thì vẫn còn đó hình ảnh của đôi bạn quấn quýt, kề bên nhau.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Xem thêm: Nữ sinh 12 năm chăn bò, đi học bằng sổ hộ nghèo đã có thêm gia đình nữa, tự tin bước vào giảng đường Đại học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận