Liên tục những vụ trẻ nhỏ bị bạo hành, khởi nguồn chung là ly hôn: Người lớn ơi, hôn nhân không phải là trò đùa
Khi vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến mất mạng còn chưa xuôi, lại thêm 1 bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành với 9 chiếc đinh găm trong đầu khiến dân tình xôn xao.
Những ngày cuối năm gần lễ Tết, cư dân mạng liên tục chấn động bởi những câu chuyện đau lòng. Những đứa trẻ thơ không thể nào tự bảo vệ mình, phải hứng chịu lời mắng mỏ, đòn roi từ người lớn.
Vừa qua, một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của bố bạo hành đến mất mạng. Gần đây nhất, một bé gái 3 tuổi tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch với 9 chiếc đinh găm trong đầu. Những câu chuyện ấy khiến cư dân mạng căm phẫm, bức xúc, muốn đi tìm nguyên nhân bắt đầu khiến những đứa trẻ phải chịu tổn thương đến thế.
Nguyên do là vì đâu?
Không ít người khi thấy bé gái 8 tuổi tử vong vì bị "mẹ kế" bạo hành đã nói, "con mình là của mình không giao cho ai hết". Thế còn bé gái 3 tuổi thì sao, chẳng phải em đang sống cùng mẹ đấy sao? Đứa trẻ đó chỉ mới 3 tuổi, nhưng liên tục nhập viện với những nguyên do khó hiểu như hôn mê vì thuốc trừ sâu, và gần đây nhất là có 9 chiếc đinh găm trong đầu, tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.
Có thể thấy rõ rằng, điểm chung của các nạn nhân trên đều là những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, cũng không thể bỏ chạy. Đó là vì các em đang sống cùng người thân của mình, cùng gia đình mình, nhưng lại chẳng hề được yêu thương, bảo vệ. Các em đến từ gia đình không còn lành lặn, bố mẹ đã ly hôn, đang sống với một trong hai người.
Liệu có phải hôn nhân tan vỡ là một trong những yếu tố gây ra bi kịch? Tất nhiên, cũng có những ông bố, bà mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn, dù cả hai đã không còn ở bên nhau nhưng vẫn cố gắng để con được hưởng tình yêu trọn vẹn. Người ta sẽ cố gắng tìm một lý do để giải thích, nhưng đổ hết cho ly hôn là không công bằng.
Hôn nhân không phải trò đùa
Có một sự thật rất đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu, đó là hôn nhân không phải trò đùa. Qua lời kể ngập ngừng của người cha bé gái 3 tuổi cũng như chia sẻ của người thân, bố mẹ em đến với nhau do mai mối. Khi mới kết hôn, cô vợ còn khá trẻ, anh chồng được cho là "không bình thường". Dù gì, họ cũng ở với nhau 10 năm, có tới 3 mặt con.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi từ sau khi người mẹ quyết định ly hôn. Chỉ sau vài tháng từ khi ly hôn, gia đình bên nội liên tục nhận tin dữ về cháu gái. Mới 3 tuổi, nhưng lại có tới 4 lần nhập viện, ai nghe thấy nguyên nhân cũng đều xót xa. Khi thì bé nuốt đinh, khi lại có dị vật ở mũi, lúc thì uống nhầm thuốc trừ sâu. Giờ đây, cô gái nhỏ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị viêm màng não.
Ly hôn không phải là chuyện hiếm, nhưng hậu quả của nó thật vô cùng. Gia đình tan vỡ, hai bên cùng cố gắng chăm sóc, yêu thương con nhỏ, thì những đứa trẻ thơ vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Nhẹ thì khép mình, u uất, nặng thì như bé gái 8 tuổi kia bị mẹ kế bạo hành đến chết, hay bé gái 3 tuổi nhập viện nguy kịch nghi bị bạo hành.
Giá như cha mẹ chúng không ly hôn, hoặc giá nhưng cha mẹ chúng thực sự biết làm cha - làm mẹ, giá như họ đừng đẻ, đừng kết hôn... Quá nhiều những cái giá như, nhưng thời gian thì không thể quay trở lại được nữa.
Người lớn ơi, hôn nhân không phải trò đùa! Đừng lấy nhau chỉ vì đến tuổi, đừng đẻ con chỉ vì một lần "thăng hoa". Người mang sự sống cho chúng, không có nghĩa là có quyền tước đoạt mạng sống của chúng. Những đứa trẻ sinh ra trên đời không được chọn cách chúng sinh ra, cũng không được chọn bố mẹ, nhưng chúng có quyền sống, quyền làm con người đúng nghĩa.
Liên quan đến vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngày 20/1, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho rằng cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư.
Theo bà Hồng, vụ việc một lần nữa dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đặt ra lo ngại về tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em hiện nay đang ngày càng gia tăng với mức độ báo động, đặc biệt là với các gia đình có bố, mẹ ly hôn. Việc bé gái 3 tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe trong thời gian sinh sống cùng mẹ đã thể hiện môi trường sống của cháu bé có dấu hiệu thiếu an toàn.
Bà Hồng nhấn mạnh, ở các gia đình "rổ rá cạp lại", ngoài trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, những người thân trong gia đình cũng phải quan tâm, để ý tới trẻ. Nếu có dấu hiệu trẻ bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp can thiệp ngay lập tức như đòi quyền nuôi con, báo tin cho cơ quan chức năng... Ngoài ra, bà Hồng kiến nghị, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang soạn thảo cần có những điều luật cụ thể trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em tại gia đình.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Xem thêm: Nghi can vụ bé gái 3 tuổi từng chia sẻ bài viết về cách chăm sóc trẻ con: Đỉnh cao của sự giả dối
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận