Chỉ còn một cánh tay, thầy giáo vùng cao vẫn quyết tâm gắn bó dạy học suốt 13 năm
Mất đi cánh tay do tai nạn, nhưng điều đó không thể ngăn cản được đam mê dạy học cháy bỏng, khiến anh Đỗ Thế Tùng quyết tâm làm thầy giáo cho bằng được.
Với thầy Đỗ Thế Tùng, không có thử thách nào là không thể vượt qua. Anh tâm sự, mình không may mất đi cánh tay phải từ 5 tuổi sau một tai nạn. Nhưng dù thế, anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề giáo.
Được truyền cảm hứng từ tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký qua những trang sách cộng với tình yêu trẻ, cậu thanh niên ấy khuyết tay đã quyết tâm theo đuổi ngành sư phạm. Cuối cùng, anh trúng tuyển vào khoa Toán - Lý, Trường CĐ Sư phạm Lạng Sơn.
Tốt nghiệp xong, anh viết đơn tình nguyện xin đi dạy ở huyện Đình Lập. Năm 2009, anh được phân công về vùng biên giới Bắc Xa, tỉnh Lạng Sơn, nơi người dân đặc biệt khó khăn. Thầy giáo nhớ lại: "Buổi đầu tôi lên lớp, học sinh nhìn tôi cười hiếu kỳ khi thấy ông thầy giáo có một tay. Nhưng khi thấy tôi đặt bút viết bằng tay trái, các em vỗ tay rất to. Là giáo viên trẻ, mới, lại không được toàn vẹn về thân thể, tràng vỗ tay của các em khiến tôi cảm động vô cùng".
Chưa ngớt trầm trồ vì tài viết tay trái thành thạo của thầy, học trò lại thêm phần nể phục khi biết môn học thầy đảm nhiệm. Dù môn Toán phải vẽ nhiều, lại thêm môn Vật Lý cần thực hành thí nghiệm, nhưng chẳng vì thế mà thầy Tùng gặp khó.
Chỉ bằng 1 cánh tay trái, thầy Tùng dùng vai tì giữ thước để tay kia vẽ đủ các loại hình khối. Bờ vai áo trắng xóa những vệt phấn sau mỗi giờ dạy của thầy là hình ảnh rất đỗi quen thuộc với các học sinh. Thầy giáo cười, nói: "Chứng kiến cách tôi kiên trì vẽ một cách thuần thục các đường kẻ, góc..., các em đã nhận ra rằng khi có quyết tâm, con người ta có thể làm được nhiều điều phi thường, ngoài sức tưởng tượng".
2 năm sau, thầy lại được điều chuyển công tác, rồi gắn bó với Trường PTDT bán trú THCS xã Lâm Ca. Ở đây, thầy có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là lần dạy môn Vật lý lớp 9, đang giảng bài mới chợt ngộ ra mình dùng cánh tay trái lên để hướng dẫn cho các học sinh về quy tắc bàn tay phải.
Thầy kể: "Tôi chỉ nhớ ra mình đang dùng tay trái để minh họa cho quy tắc nắm tay phải khi học sinh ở dưới lớp cứ cười". Sau đó, thầy đã "mượn" một học sinh lên bục giảng đưa tay phải làm mẫu để hướng dẫn cho các bạn trong lớp.
Dù bản thân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy vẫn luôn hết mình với việc gieo chữ. Thầy Đỗ Thế Tùng tâm niệm, dạy học cũng giống như việc xây một ngôi nhà, cần chăm chút các em từ những “viên gạch” đầu tiên thì “ngôi nhà” tri thức mới bền vững. Vì thế, ngoài việc dạy học, thầy cũng thường kể chuyện những tấm gương vượt khó cho học trò để tiếp thêm động lực cho các em.
Bằng nghị lực phi thường và nỗ lực không mệt mỏi, những khó khăn buổi ban đầu cũng qua đi. Càng đồng hành với học sinh qua các bài giảng, thầy Tùng càng tự tin hơn và được các học sinh ủng hộ, yêu mến.
Năm học 2019-2020, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, các học sinh do thầy bồi dưỡng đạt điểm trung bình môn Toán đứng đầu huyện, có 2 em đạt thủ khoa toàn huyện. Về phần mình, thầy cũng đạt danh hiệu thí sinh tiêu biểu xuất sắc nhất ở hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh các môn Khoa học tự nhiên năm học 2020-2021. Đó là những kết quả ấn tượng đối với một trường thuộc xã vùng 3 đặc biệt khó khăn như Lâm Ca.
Bên cạnh nhiệt huyết trên bục giảng, thầy giáo còn là một người năng nổ trong hoạt động ngoại khó của trường, của huyện. Chẳng hạn như việc cải tạo cơ sở vật chất của trường từ việc xây dựng sân khấu, sửa chữa lớp học, thầy đều có mặt. Chưa kể, thầy còn từng giành giải nhì môn cầu lông đôi nam tại Đại hội thể thao ngành GD-ĐT huyện năm học 2017-2018.
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet
Xem thêm: Câu chuyện thần kỳ của Ghanim - chàng trai không chân xuất hiện trong lễ khai mạc World Cup 2022
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận