Anh tài xế xe ôm dốc tiền túi đi làm từ thiện: Việc kịp thời cứu người quan trọng hơn tất cả

Hơn 5 năm qua, dù bản thân còn nhiều khó khăn, anh Lưu Hoàng Huynh (An Giang) vẫn dốc tiền túi từ việc chạy xe ôm để làm từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Chi Nguyễn
11:18 26/01/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhắc đến tên anh Lưu Hoàng Huynh (30 tuổi), bà con ở phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, An Giang không ai là không biết tới. Hơn 5 năm qua, dù chỉ kiếm được vừa đủ sống nhờ lái xe ôm, anh vẫn dốc hết tiền túi để làm từ thiện. Anh không chỉ giúp đỡ nhiều người già neo đơn mà còn sẵn sàng đưa bệnh nhân nghèo đến bệnh viện miễn phí, chưa kể còn tặng thêm tiền cho họ.

tai-xe-xe-om-o-an-giang-doc-tien-tui-di-lam-tu-thien-hon-5-nam
Sống bằng nghề chạy xe ôm, nhưng anh Huynh luôn hết lòng với công việc từ thiện. Ảnh: Duy Tân/Thanh Niên

Anh Huynh tâm sự, anh vốn sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, từ nhỏ sống với ông nội bởi cha mẹ đã đều đã đi bước nữa. Thiếu thốn tình cảm gia đình, nên khi nhìn cảnh các cụ già neo đơn không nơi nương tựa anh không đành lòng. Hồi năm 2016, anh quyết định trích một phần thu nhập từ việc chạy xe ôm, mở quỹ từ thiện giúp người nghèo. Anh đích thân đứng ra vận động các nhà hảo tâm góp gạo, góp tiền giúp nguoiwf già neo đơn.

Tài xế An Giang tâm sự: "Thời điểm trước tôi giúp đỡ cho hơn 20 cụ già neo đơn, nghèo khó. Theo thời gian, các cụ già yếu rồi lần lượt qua đời. Khi các cụ qua đời, tôi đều đứng ra xin quan tài và lo tang lễ chu tất. Đến nay, tôi chỉ còn giúp cho 4 cụ, hằng tháng mỗi cụ nhận 300.000 đồng và 10 kg gạo. Hiện tôi đang vận động kinh phí để giúp thêm 2 cụ nữa".

Trước kia, anh chạy xe ôm tự do, nhưng giờ đã tham gia nghiệp đoàn xe ôm núi Sam. Nghề này thu nhập không ổn định, có những ngày lại chẳng có cuốc xe nào. Thế nhưng, anh vẫn cố gắng duy trì công việc thiện nguyện. Thậm chí, khi đang chờ khách, nếu có ai gọi điện báo cần chuyển bệnh viện, anh sẵn sang bỏ cuốc xe để đi vận chuyển bệnh nhân. Anh nói: "Việc kịp thời cứu người quan trọng hơn tất cả. Tôi bây giờ không có gia đình, cha mẹ nên xem các cụ già là người thân của mình, dốc hết sức giúp đỡ, lo lắng cho họ".

tai-xe-xe-om-o-an-giang-doc-tien-tui-di-lam-tu-thien-hon-5-nam
Nghề chạy xe ôm thu nhập không ổn định, nhưng anh vẫn cố gắng duy trì công việc thiện nguyện. Ảnh: Duy Tân/Thanh Niên

Với anh, cuộc sống hiện tại của bản thân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng anh không quản ngại. Ước mong của anh là có thể trở thành cầu nối, đưa các tấm lòng hảo tâm tới giúp đỡ những mảnh đời khốn khó, bất hạnh. Anh bộc bạch: "Làm được như vậy tôi cảm thấy ấm lòng và cuộc sống của mình có nhiều niềm vui".

Cụ Nguyễn Thị Hồng (88 tuổi, An Giang) không may bị tật nguyền, lại không còn người thân thích, những lúc ốm đau không biết phải làm sao. Nhưng nhờ có anh Huynh, chỉ cần gọi là anh lập tức có mặt, nhất quyết không lấy một đồng phí. Cụ bảo: "Mỗi tháng nó còn cho tôi gạo và tiền nữa. Tôi mang ơn nó suốt đời". Cụ Võ Thị Kiếm (78 tuổi, An Giang) thì tâm sự: "Tôi già yếu, sống thui thủi một mình, không con cháu. May nhờ có cháu Huynh và quý nhà hảo tâm tận tình giúp đỡ hằng tháng khiến tôi rất xúc động vì trên đời vẫn còn có người lo lắng cho mình". 

Theo Duy Tân/Thanh Niên

Xem thêm: Ấm lòng lớp dạy nghề bếp - bar miễn phí suốt 10 năm của bà chủ Cần Thơ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận