Người phụ nữ vượt bạo bệnh vươn lên làm cô giáo không chuyên, mở tủ sách yêu thương

Tuy bản thân mang nhiều bệnh khó chữa, người phụ nữ này vẫn cố gắng vươn lên, làm cô giáo gieo chữ miễn phí cho trẻ em.

Chi Nguyễn
08:00 27/11/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chuyện đời của chị Hoàng Thị Dịu (34 tuổi, trú xã Hà Giang, H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) khiến người ta không khỏi xúc động và cảm phục. Chị là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ làm nông, không mấy khá giả. Năm 18 tuổi, chị nhận thấy cơ thể mình có khác biệt so với các bạn nữ khác, liền đi khám. Đó là lúc chị phát hiện mình bị hội chứng MRKH (hội chứng rối loạn khiến phụ nữ bẩm sinh không có tử cung hoặc âm đạo, không có kinh nguyệt, không thể có con - PV).

8x nhớ lại: "Mình buồn lắm, không thể diễn tả bằng lời nỗi đau ấy. Bởi theo mình, niềm hạnh phúc nhất của phụ nữ là được làm mẹ. Mình rơi vào tình cảnh này, sao còn dám nghĩ đến chuyện yêu một ai đó nữa". Đã có lúc, vì quẫn trí, chị ra bờ sông Gạch gần nhà và có ý định kết thúc tất cả.

nguoi-phu-nu-vuot-bao-benh-vuon-len-lam-co-giao-gieo-chu-cho-tre

Tuy nhiên, khi nghĩ về người mẹ tảo tần bao năm nâng giấc cho mình; nghĩ về câu nói của cha "xem mày như một thằng con trai"; rồi nghĩ đến những người tật nguyền không tay, không chân, thiệt thòi hơn mình nhưng họ vẫn sống vui vẻ và có ích, cô gái trẻ Hoàng Thị Dịu khi đó lại có thêm động lực động viên bản thân: "Mình có đủ tay, chân đã là hạnh phúc".

Thế là, chị vượt bạo bệnh, xin vào làm lao công tại Bệnh viện đa khoa H.Đông Hưng. Công việc bình dị nhưng cô vui vì có những đồng nghiệp, những người bạn để hàn huyên mỗi ngày. Mỗi tối, Dịu lại kèm đứa cháu đang học lớp 1 học bài. Cháu bé được cô giáo khen vở sạch, chữ đẹp, cô giáo cũng khen Dịu kèm cháu tốt. "Thời điểm đó, mình thấy vui vì có thêm một công việc ý nghĩa để vẽ lên những gam màu sáng cho cuộc đời", 8x Thái Bình tâm sự.

Thế nhưng, số phận sao quá nghiệt ngã với chị. Năm 30 tuổi, chị bỗng thấy cơ thể đau nhức khắp nơi, đặc biệt hai đầu gối ngày một sưng to. Nhiều lần chị tới khám tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mới phát hiện bị mắc bệnh xương thủy tinh. Bác sĩ chỉ định chị phải thực hiện 8 cuộc phẫu thuật, nhưng chính họ cũng không dám chắc chắn sau phẫu thuật sẽ khỏi bệnh, nên chị đã không tiến hành phẫu thuật.

nguoi-phu-nu-vuot-bao-benh-vuon-len-lam-co-giao-gieo-chu-cho-tre

Đỉnh điểm, một buổi chiều tháng 9.2020, khi đứng dưới hiên nhà, cơ thể của chị bỗng đổ về phía trước, cổ xương đùi bị gãy. Sau đó, chị phải nằm liệt giường suốt 4 - 5 tháng đằng đẵng, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào mẹ. Tủi thân trước sự trớ trêu của số phận, trong nước mắt, người phụ nữ số khổ xin mẹ được chết, xin mẹ hãy cho chị một liều thuốc độc để được giải thoát.

Mẹ chị không khỏi xót xa, nỗ lực chăm sóc con gái, rồi cũng vì thế mà đổ bệnh. Bà Đỗ Thị Hồi (75 tuổi) nhớ lại, căn bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát, khiến mà nằm liệt một chỗ, tưởng không qua khỏi. Bà đã phải gọi các con lại, nhắc nhở từng người, nếu bà "đi", các anh em phải thương yêu, chăm sóc chu toàn cho chị Dịu… May mắn thay, bà Hồi dần khỏe lại. Tinh thần của chị Dịu cũng dần dần vực dậy, suy nghĩ tích cực hơn.

Khi sức khỏe dần hồi phục, người phụ nữ ấy bắt đầu quay lại với những niềm vui nho nhỏ. Chị lại dạy cháu học bài, lại tự học thêm kiến thức. Nhờ đó, cháu của chị ngày càng tiến bộ, cô giáo cũng khen chị dạy học khéo léo. 

nguoi-phu-nu-vuot-bao-benh-vuon-len-lam-co-giao-gieo-chu-cho-tre

Thậm chí, một người hàng xóm cũng tin tưởng nhờ chị kèm thêm cho con khi cháu chuẩn bị vào lớp 1. Và từ việc chỉ kèm học cho cháu của mình, giờ đây, lớp học của chị đã có gần 10 cháu ở các lớp 1, 2, 3 theo học. 8x Thái Bình chia sẻ: "Nhờ giáo viên gửi lời khen ngợi, các phụ huynh gửi gắm niềm tin mà tôi thêm tự tin, sống có ích hơn. Sắp tới sẽ có thêm các cháu học sinh lớp 4, lớp 5 cũng đến nhờ tôi kèm cặp. Tôi đều dạy miễn phí cho các cháu. Nếu ngày xưa tôi nói có đủ tay, đủ chân đã là hạnh phúc, thì đến giờ tôi hiểu thêm rằng, khi ngồi dậy được còn hạnh phúc hơn nằm rất nhiều".

Không dừng lại ở việc mở lớp học, được sự giúp đỡ từ một người bạn khuyết tật, chị Hoàng Thị Dịu tự mở cho mình một tủ sách có tên gọi "Tủ sách yêu thương". Tủ sách có hơn 1.500 đầu sách các loại, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn, người già cũng có thể đến đọc sách, trau dồi kiến thức. 

Chị chia sẻ: Hàng ngày, nhìn mọi người đến nhà chơi, đọc sách, tôi càng có khát vọng sống, khát vọng vượt lên chính mình. "Cho đi là còn mãi". Tôi muốn cống hiến quãng đời còn lại để làm những điều ý nghĩa cho quê hương mình, cho gia đình mình. Giờ đây tôi chẳng mong ước gì cao xa, tôi chỉ mong sao sức khỏe ổn định để mẹ tôi đỡ khổ.

Theo báo Thanh Niên

Xem thêm: 9x Thái Bình vượt qua bạo bệnh, mở thư viện miễn phí lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận