Tấm lòng nhân ái: Nghe lời trăng trối của con trai, người mẹ dốc lòng giúp người lầm lỡ suốt 10 năm

Sau khi mất con trai vì m.a t.ú.y, lại nghe lời trăng trối của con, người mẹ này đã dốc lòng giúp đỡ người lầm lỡ suốt 10 năm.

Chi Nguyễn
08:00 05/12/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Lê Kim Chung (SN 1954) đang là đội phó đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Suốt 10 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn luôn miệt mài tham gia công tác quản lý người sau cai nghiện.

Bà Chung có mối thù không đội trời chung với ma túy. Ở tuổi trung niên, bà phát hiện con trai đầu lòng nghiện ma túy. Bà trình báo, đưa con đi cai nghiện bắt buộc nhưng đã muộn. Chuỗi ngày giúp con cai nghiện kéo dài suốt 10 năm không giúp bà tránh khỏi nỗi đau mất con. Bà Chung nhớ mãi lời con trăng trối. 

“Trước lúc ra đi, con nắm chặt tay tôi nói lời xin lỗi rồi dặn: 'Mẹ nói với những người trẻ như con đừng dính vào ma túy. Không có ích mà mất tất cả'”, bà Chung kể.

Nỗi đau mất con cùng lời trăng trối ấy khiến bà quyết dành phần đời còn lại để chống tệ nạn ma túy, hỗ trợ người sau cai nghiện.

Đó cũng là lý do bà trở thành chủ nhiệm của câu lạc bộ Lá chắn với các thành viên là phụ huynh có người thân, con em vướng vào tệ nạn ma túy. Thấu hiểu nỗi đau gia đình có người vướng tệ nạn, bà gần gũi, yêu thương, trân trọng, chở che những người lầm đường lạc lối.

Sự gần gũi của bà chiếm được niềm tin của các thành viên câu lạc bộ. Thay vì kỳ thị, xa lánh con em mình đang nghiện ma túy, nhiễm HIV, họ gần gũi, động viên và cùng con cai nghiện, đương đầu với bệnh tật.

Những năm tháng hoạt động trong câu lạc bộ Lá chắn giúp bà Chung nhận ra rằng muốn hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phải giúp đỡ, gần gũi những người sau cai nghiện.

Bởi, khi được giúp đỡ, có công ăn việc làm, họ sẽ không còn nghĩ đến chuyện buôn bán, hút chích ma túy nữa.

Từ suy nghĩ này, năm 2011, bà Chung tham gia và trở thành Đội phó Đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai phường 3, quận Bình Thạnh. Người đi cai nghiện ma túy trở về gia đình thường được địa phương quản lý, hỗ trợ.

Vốn đã có kinh nghiệm khi còn hoạt động tại câu lạc bộ Lá chắn, bà Chung quyết định tham gia Đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai của phường với hy vọng có thể giúp đỡ người hồi gia từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Những ngày đầu đảm nhận nhiệm vụ, bà Chung thường đến gặp người sau cai bằng tấm lòng hiền hậu, dễ gần. Bà thường bắt đầu chuỗi ngày theo dõi, hỗ trợ họ bằng những lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, có công ăn việc làm hay chưa. 

Bà nói: “Hiện nay, người sau cai rất được Nhà nước hỗ trợ. Ở nơi tôi sinh sống, làm việc, học viên cai nghiện hồi gia đều được chính quyền phường quan tâm, thăm hỏi. 

Đối với những người có khả năng không tái nghiện, tạo được uy tín sẽ được phường hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn, giới thiệu việc làm… 

Tôi là người mẹ đau khổ và không muốn bất cứ người mẹ nào khổ như mình trước đây. Thế nên khi tiếp nhận công tác hỗ trợ người sau cai, tôi luôn cố gắng tìm cách giúp các em thoát khỏi ma túy mãi mãi”.

nghe-loi-trang-troi-cua-con-trai-nguoi-me-doc-long-giup-nguoi-lam-lo

Tâm thế trên khiến bà sẵn sàng giúp đỡ những người hồi gia bằng cả tấm lòng. Là mạnh thường quân của phường, bà Chung sử dụng nguồn kinh phí của cá nhân mua gạo, nhu yếu phẩm để hỗ trợ những người sau cai.

Những ai chưa có phương tiện lao động, việc làm… đều được bà giới thiệu vào làm việc ở những nơi uy tín. Đối với những người sau cai nhiễm HIV, ngoài việc hướng dẫn họ tự bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh, bà giới thiệu họ đến các trạm y tế để sử dụng thuốc ARV.

Bà Chung cũng chú trọng công tác tuyên truyền vận động các gia đình có con em vừa hồi gia, người xung quanh không kỳ thị, xa lánh họ. Mỗi ngày, bà thường đi từng hẻm để trò chuyện, động viên người sau cai kiên quyết bỏ ma túy.

Mỗi lần như thế, bà thường khuyên: “Thôi, đã đi cai về rồi thì cố bỏ nha con. Không lẽ đời này, mình cứ ở trong trại cai nghiện. Ai cũng phạm sai lầm nhưng hơn nhau là biết cách vượt qua, sửa chữa sai lầm đó. Đời người chỉ có một lần được sống, mình phải sống vui, sống khỏe”.

nghe-loi-trang-troi-cua-con-trai-nguoi-me-doc-long-giup-nguoi-lam-lo

Cách tiếp cận, hỗ trợ người sau cai bằng cả tấm lòng của bà Chung đem lại hiệu quả rõ rệt. Bà được những người hồi gia tin tưởng, yêu thương đến độ gọi má, xưng con. 

Bà Chung tâm sự: "Không như bây giờ, trước đây, địa phương tôi sinh sống có nhiều người nghiện ma túy. Vì thế, việc tôi tiếp xúc, hỗ trợ khoảng 200-300 người sau cai trong hơn 10 năm qua là điều dễ hiểu. 

Hai năm trở lại đây, phường 3 (quận Bình Thạnh) không còn người nghiện ma túy nữa. Dù vậy, tôi vẫn quan tâm, hỗ trợ những người hồi gia từ lâu nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn...

Tôi luôn quan niệm, muốn hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phải giúp đỡ, gần gũi những người sau cai nghiện. Hơn thế, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp các em thoát khỏi ma túy, làm lại cuộc đời. Thế nên, còn khỏe, còn minh mẫn, tôi còn tiếp tục công việc này”, người mẹ U70 chia sẻ thêm.

Theo Vietnamnet

Xem thêm: Tấm lòng nhân ái: Anh công nhân ở Hậu Giang hết lòng vì người nghèo

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận