Gia đình người hiến tạng muốn tìm lại người nhận tim: Nỗi oan người mẹ bị đồn thổi "bán" tim
Đồng ý hiến tạng con trai, cứu sống 6 mạng người, thế nhưng người mẹ ấy lại bị người đời đồn thổi "bán" tim, và giờ bà muốn tìm lại người nhận tim để an ủi nỗi lòng.
Nỗi oan người mẹ bị đồn thổi "bán" tim
Mới đây, cư dân mạng không khỏi xôn xao trước tâm thư của người mẹ ở Hải Dương trên Facebook, khao khát muốn tìm gặp người đã được ghép tim con trai bà vào giữa tháng 9/2020.
Cụ thể, theo chia sẻ của bà T.T.N. (Hải Dương), bà có một cậu con trai, trước kia từng học Đại học Thủy Lợi, sau khi tốt nghiệp thì làm việc ở một công ty thủy lợi tại Bắc Ninh. Anh dự kiến sẽ cưới vợ vào cuối năm 2020, nhưng không may gặp tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Anh được cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Bắc Ninh, sau đó chuyển tới BV Trung ương Quân đội 108. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng, anh đã qua đời.
Dù xót xa trước sự ra đi của cậu con trai thân thương, người mẹ quê Hải Dương vẫn đồng ý hiến tạng con cho y học, nhằm cứu chữa nhưng người mắc bệnh hiểm nghèo. Nguyện vọng của bà là được biết những người đã nhận tạng của con mình, xem liệu phần cơ thể của con ở trên đời có ổn không.
Theo thông tin từ BV 108, con trai bà N. đã hiến 6 tạng, cứu sống 6 người bệnh. Trong đó có ca ghép 2 phổi cho một bệnh nhân xơ phổi nguyên phát, ghép gan cho bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan vì virus viêm gan B, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, ghép đồng thời 2 cẳng bàn tay cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối Quốc gia) đã vận chuyển tim của bệnh nhân tới BV Việt Đức, ghép tim cho một bệnh nhân giãn cơ tim giai đoạn cuối.
Theo Vietnamnet, bà N. chia sẻ rằng: "Lúc đầu tôi không đồng ý vì muốn đưa con về nguyên vẹn như người đi ngủ. Nhưng sau nhiều lần, cộng thêm lời nói của con gái: Mẹ ơi! Mẹ cố nén tâm và trấn tĩnh lại để đưa ra quyết định, thời gian không còn nhiều. Nhà mình hiếm người, mẹ hiến một phần thân thể em là để dành một phần sự sống của em trên đời. Hiến bao tạng là thêm bấy nhiêu người như em vẫn bên mẹ. Mẹ suy nghĩ đi mẹ nhé. Cuối cùng tôi đồng ý...".
Bà N. cũng cho hay, sau đó BV 108 đã tổ chức tang lễ cho con bà rất trang trọng, tri ân người hiến tạng. Sau đó, bà N. đã có cơ hội được gặp những người nhận tạng của con mình, chỉ trừ người nhận ghép tim. Cũng chính vì điều này, nhiều người đã đồn thổi, tung tin đồn thất thiệt rằng bà... "bán" tim con trai với giá 2 tỷ đồng. Những lời đồn sai trái ấy đã khiến bà mẹ mất con gục ngã, đau đớn, và mới đây đã viết tâm thư trên MXH để cư dân mạng chia sẻ, kết nối để bà gặp được người ghép tim.
Chị N.T.C., con gái bà N. chia sẻ: "Duy chỉ có ca nhận tim mẹ mong mỏi nhất, muốn được nghe nhịp thở nhất thì không có liên hệ gì. Mẹ đã tìm đến Việt Đức, nhưng thông tin mỗi lúc một khác. Mẹ đau khổ, gần đây không ngủ được, thậm chí có lời đồn mẹ bán tim, mẹ càng muốn tìm, muốn chứng minh cho mọi người thấy mẹ làm vì nghĩa cử".
BV Việt Đức nói gì về việc người mẹ muốn tìm người nhận tim?
Theo báo Người Lao động, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, ông đã nắm được thông tin trên, từng đề nghị Trung tâm điều phối Quốc gia liên lạc với gia đình hiến tạng để giải thích về quy định cung cấp thông tin giữa người hiến và ghép mô tạng. GS Giang giải thích, nếu có cơ sở nào đó thực hiện kết nối giữa người hiến tạng và người nhận tạng dù là bất cứ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông khẳng định, việc hiến tạng cho người khác là một nghĩa cử cao đẹp, vô cùng nhân văn nên các y bác sĩ sẽ làm việc bằng tất cả y đức để nối tiếp sự sống cho người bệnh. Ông cũng cho biết: "Chúng tôi rất chia sẻ với nguyện vọng của bà mẹ. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra". Cũng theo thông tin từ GS-TS Giang, hiện người ghép tim từ con trai bà N. vẫn đang sống khỏe mạnh.
GS Giang chia sẻ, nếu người nhận muốn gặp người hiến hoặc gia đình, họ sẽ tìm cách gặp gỡ, còn ngay cả khi họ không muốn đến, muốn giữ cuộc sống riêng tư thì hoàn toàn có quyền. Bệnh viện không thể yêu cầu họ mang ơn, tìm đến người đã hiến tạng cho mình bởi nó có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tạng, cứu người.
Minh oan cho người mẹ bị "đồn thổi" thất thiệt
Liên quan tới lời dị nghị, đồn thổi "bán tim", GS. TS Trần Bình Giang khẳng định, việc hiến tạng là hành động nhân đạo, không vụ lợi, tuyệt đối không có chuyện tiền nong, mua bán. Những lời đồn thổi, dị nghị nêu trên là vì có những người chưa hiểu rõ ý nghĩa nhân văn cũng như quy định của pháp luật về hiến, ghép tạng.
Trước kia, một gia đình hiến tạng ở Bắc Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vợ người hiến tạng đã rất đau đớn khi bị đổ oan "bán tạng" chồng, con chị cũng không dám đến trường vì bị đồn thổi. Trước sự việc này, Trung tâm Điều phối Quốc gia và BV Việt-Đức đã sắp xếp thời gian, về tận nơi, cùng chính quyền địa phương tổ chức buổi lễ tri ân trang trọng cho người hiến tạng và gia đình, giải thích mọi hiểu lầm, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp.
Bên cạnh đó, GS Gaing cũng cho hay, cơ thể người hiến tạng sau khi người đó chết, chết não, hiến xác,... sẽ được chăm sóc chu đáo, tùy thuộc vào di nguyện của người hiến tạng hoặc mong muốn của gia đình. Theo quy định, người hiến tạng sau khi chết sẽ được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở, đồng thời họ sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
Tiết lộ thông tin về người hiến và người được ghép bị xử lý ra sao?
Trước đó, phía gia đình bà N. thông tin rằng trước khi đồng ý hiếng tạng, bà "có một nguyện vọng được biết tạng, người nhận với tên và địa chỉ cụ thể để bà biết phần cơ thể của con trai có ổn không". Tuy nhiên, phía BV 108 khẳng định, họ không có bất kỳ cam kết nào với bà N. về việc cung cấp thông tin người nhận tạng. Theo quy định, nếu gia đình người hiến có bất kỳ điều kiện nào trước khi hiến thì không được lấy tạng, bởi đây là hành động nhân đạo, không có điều kiện nào đi kèm.
Khoản 4, Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định: "Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác". Trường hợp có thỏa thuận riêng trên chỉ xảy ra khi người hiến và người nhận sẵn sàng cung cấp thông tin, còn bệnh viện không được đứng ra kết nối.
Nếu những người được hiến tạng chủ động liên lạc, gửi lời tri ân tới gia đình bà N. là do sự tự nguyện giữa hai bên, hoàn toàn không trái pháp luật. Còn nếu người hiến muốn liên hệ với người nhận nhưng người nhận không muốn thì cũng không vi phạm quy định về pháp luật, bởi người nhận có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, tinh thần.
Bên cạnh đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể người trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Nghị định 176/2013. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác.
Mức phạt này đồng thời áp dụng cho các hành vi:
- Môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người ;
- Tiến hành lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống khi chưa có ý kiến bằng văn bản của hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận