Sự vĩ đại của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: Gạt bỏ thù nhà, chỉ lo nghiệp nước

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là 1 trong những vị tướng lừng danh nhất lịch sử Việt Nam, mà còn là người vô cùng vĩ đại khi sẵn sàng quên việc tư, làm việc công.

Chi Nguyễn
12:00 10/09/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Hưng Đạo (陳興道) tên thật là Trần Quốc Tuấn (陳國峻), tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là 1 trong những vị tướng lừng danh nhất lịch sử Việt Nam. Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng, từng chỉ huy quân đội đánh tan cuộc xâm lược quân Nguyên - Mông. Không chỉ vậy, ông còn được người đời ngợi khen vì phẩm chất khí phách, dám gạt bỏ hiềm khích riêng, một lòng trung thành với vua và đất nước.

hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-gat-bo-thu-nha-chi-lo-nghiep-nuoc
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là 1 trong những vị tướng giỏi nhất lịch sử Việt Nam

Mâu thuẫn hoàng tộc nhà Trần

Trần Quốc Tuấn là con trai Khâm minh Đại vương Trần Liễu, anh cả của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Vì thế, Trần Quốc Tuấn gọi Trần Thái Tông là chú ruột, sinh ra đã mang trong dòng máu hoàng gia. Đại Việt sử kỹ toàn thư có mô tả về Trần Quốc Tuấn như sau: "... có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người".

Thế nhưng, hoàn cảnh dòng họ nhà Trần lúc bấy giờ vô cùng phức tạp. Lúc bấy giờ, Thái sư Trần Thủ Độ vô cùng lo lắng vì Trần Thái Tông lên ngôi đã lâu mà chưa có con nối dõi. Ông đã ép Trần Liễu phải nhường vợ cho Trần Thái Tông, tức Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) đang mang thai 3 tháng. Chưa dừng lại ở đó, ông còn giáng Lý hoàng hậu xuống làm công chúa.

Quá uẫn ức, Trần Liễu tập hợp quân chống lại, nhưng thân cô thế cô không thể làm gì được nên phải đầu hàng. Vua Thái Tông thương anh trai, xin Thái sư tha cho ông tội chết, dù vậy quân lính đều bị giết hết.

Được tha chết, nhưng Trần Liễu vẫn không nguôi hậm hực, không chịu được cảnh vừa mất vợ, vừa mất con. Ông bôn ba khắp nơi, tìm thầy giỏi, người tài về dạy văn chương, lễ giáo và võ công cho con trai. Ông hi vọng sau này Trần Quốc Tuấn sẽ trở thành người thập toàn thập mỹ, văn võ song toàn, có thể thay cha trả thù.

Về sau, khi Trần Liễu ốm nặng, tới lúc gần đất xa trời có gọi Trần Quốc Tuấn lại gần căn dặn. Ông nói: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì người cha này dưới suối vàng cũng không thể nhắm mắt". 

Gạt bỏ thù nhà, quả thực là vĩ nhân

Lời trăn trối của cha trước lúc lâm chung, dĩ nhiên Quốc Tuấn không thể nào từ chối. Thế nhưng, ông ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải. Được biết, sau này khi vận nước lung lay, quần quân quyền dân đều do tay mình, Trần Quốc Tuấn mới đem lời cha dặn kể với hai thuộc tướng thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu để dò ý. 

hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-gat-bo-thu-nha-chi-lo-nghiep-nuoc
Lời trăn trối của cha trước lúc lâm chung, Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải

Hai người nghe xong, liền can rằng: "Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu". Trần Quốc Tuấn nghe xong vô cùng cảm phục, vừa khóc vừa khen ngợi hai người.

Được biết, ông cũng từng dùng lời cha căn dặn để thử lòng con trai của mình. Ông hỏi Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn - sử sách cho là con trai cả của ông rằng: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?". Hưng Vũ vương thưa rằng: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!". Trần Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. 

Một lần khác, ông lại đem chuyện ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng đáp rằng: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Trần Quốc Tuấn nghe xong thì nổi giận, rút gươm mắng: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra". Ông định ra tay giết Quốc Tảng, nhưng Hưng Vũ vương vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay. Ông tha chết cho Quốc Tảng, nhưng không quên dặn Hưng Vũ vương rằng: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng".

hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-gat-bo-thu-nha-chi-lo-nghiep-nuoc
Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng. Tranh họa sĩ Nguyễn Kao Thương

Dù cha có hiềm khích lớn với vua Trần Thái Tông, nhưng Trần Hưng Đạo luôn một lòng trung thành, đặt việc nước lên trên việc tư. Ông luôn hết lòng phò tá các vua Trần, hết sức mình đánh giặc ngoại xâm cứu nước. Sinh ra là bậc kỳ tài, văn võ song toàn, khôi ngôi tuấn tú, lại thể chất hơn người, nhưng không vì thế mà Hưng Đạo đại vương có ý định phản bội, luôn giữ trọn vẹn tấm lòng trung.

Tương truyền rằng, có lần ông cùng vua Trần Nhân Tông đi dạo, có kẻ trông thấy liền xì xào chuyện ông cầm gậy có bịt sắt đi cạnh. Biết chuyện, Trần Hưng Đạo không nói không rằng bẻ đôi cây gậy rồi bỏ đi.

Không chỉ vậy, chính Trần Quốc Tuấn là người chủ động đứng ra xóa tan nghi ngại, hiềm khích với con trai lớn vua Trần Thái Tông, Thái sư Trần Quang Khải. Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải liền xuống thuyền trò chuyện, chơi cờ hết cả một ngày.

Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Hưng Đạo thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm". Ông sai người đun nước thơm, rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, tự tay kỳ lưng, tắm rửa cho thái sư và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Trần Quang Khải cũng đáp lại: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng tốt.

hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-gat-bo-thu-nha-chi-lo-nghiep-nuoc
Tranh vẽ Trần Hưng Đạo

Sau này, Hưng Vũ vương Nghiễn được lấy Thiên Thụy Công chúa, nhưng tướng Trần Khánh Dư lại tìm cách thông dâm với bà. Vua biết chuyện, xuống chiếu trách phạt và đuổi Khánh Dư về Chí Linh vì "sợ phật ý Quốc Tuấn". Thế nhưng, trước trận chiến lớn với quân Nguyên Mông lần thứ 3, chính Trần Hưng Đạo lại là người chủ động xóa tan hiềm khích với Khánh Dư. Ông gạt bỏ hiềm riêng, thấy Khánh Dư được phục chức thì nói rằng "giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư". Về sau, khi ông soạn xong Vạn Kiếp tông bí truyền thư, chính Trần Khánh Dư là người được ông chọn để viết bài Tựa.

Phim ảnh thường có câu: "Quân tử trả thù mười năm cũng chưa muộn". Nhưng nhìn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, có thể thấy thế nào mới là quân tử đích thực.  Ông chủ động gạt bỏ hiềm khích, đối nhân xử thế bằng lòng vị tha và khiêm nhường, hết lòng cứu dân cứu nước. Có thể thấy, Trần Hưng Đạo không chỉ là một bậc đại quân tử, mà còn là một vĩ nhân đáng ngưỡng mộ.

Tài thao lược của Hưng Đạo Vương khiến đạo quân mạnh nhất thế giới đại bại

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận