Hộp đen máy bay: Gần như không thể bị phá hủy, lưu trữ dữ liệu máy bay
Hộp đen máy bay thường được nhắc đến rất nhiều khi không may xảy ra tai nạn, vậy chúng là gì và tại sao người ta phải tìm nó?
Ngày 21/3 vừa qua, máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines chở 132 người không may gặp nạn và bị rơi ở Tây Nam Trung Quốc. Chuyến bay mang số hiệu MU5735 bay từ Quảng Châu đến Côn Minh, hiện chưa rõ thương vong. Đến ngày 23/3, chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã tìm thấy một trong những hộp đen của máy bay gặp nạn.
Ông Zhu Tao, quan chức thuộc cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc, cho biết chiếc hộp đen đầu tiên đang được gửi đến một viện khoa học ở Bắc Kinh để giải mã. Thời gian giải mã sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của hộp đen.
Hộp đen là gì?
Hộp đen là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực hàng không, dùng để miêu tả máy ghi dữ liệu chuyến bay điện tử. Hộp đen có thể là CVR (Máy ghi âm buồng lái) hoặc FDR (Máy ghi dữ liệu chuyến bay), hoặc sự kết hợp của cả hai. Chúng thường được đặt ở đuôi máy để giảm thiểu các tác động nếu máy bay không may gặp sự cố.
Hộp đen thường nặng khoảng 4,5 kg, chứa 4 thành phần chính gồm:
- Khung cứng hoặc vỏ hộp được thiết kế đặc biệt để bảo vệ thiết bị bên trong và có điều kiện ghiv à phát lại.
- Một đèn hiệu định vị dưới nước.
- Bộ nhớ có khả năng chịu lực cao được làm bằng thép không gỉ hoặc titan.
- Các bản ghi âm trong hộp đen được lưu thẳng trên chip hoặc các định dạng cũ hơn.
Trên thực tế, hộp đen máy bay không thực sự có màu đen, trái lại nó có màu cam để người ta có thể dễ tìm thấy. Mục đích tìm ra hộp đen là để tìm ra nguyên nhân khiến máy bay gặp sự cố, giúp các chuyên gia xác định và ngăn ngừa những tai nạn trong tương lai.
Dù bằng cách nào, vì lợi ích dự phòng, mỗi máy bay phải có ít nhất hai chiếc hộp đen trên khoang. Những chiếc hộp này về cơ bản là những ổ cứng được gia cố chắc chắn để ghi lại mọi thứ về một chuyến bay trên cơ sở liên tục. Thậm chí, để đảm bảo duy trì hoạt động phát tín hiệu khi bị tách khỏi máy bay, hộp đen thwofng được trang bị nguồn năng lượng phụ, có thể hết pin sau 1 tháng. Mọi hộp đen đều có đèn hiệu định vị để truyền tín hiệu khi tiếp xúc với nước.
Hộp đen cần đủ khả năng chống chọi với trường hợp xấu nhất, vì thế chúng phải được thiết kế vô cùng bền bỉ. Các chuyên gia sẽ thử nghiệm hộp đen bằng cách phóng chúng lên một bức tường bê tông với tốc độ 750 km/h và có thể chịu được tải trọng 2,25 tấn trong ít nhất 5 phút, nhiệt độ 1.100 độ C trong một giờ, chống thấm nước và chịu được áp suất nặng được tìm thấy ở độ sâu hàng nghìn mét dưới nước.
Xử lý hộp đen thế nào?
Sau khi tìm được hộp đen, kỹ thuật viên sẽ bóc lớp vật liệu bảo vệ rồi làm sạch các kết nối cẩn thận. Điều này nhằm đảm bảo rằng họ không vô tình xóa mất dữ liệu chuyến bay. Tệp âm thanh hoặc dữ liệu phải được tải xuống, sao chép trước khi đánh giá.
Dữ liệu ban đầu thu được chỉ là dữ liệu thô, sau đó chúng phải được giải mã và chuyển sang đồ thị hay âm thanh. Các chuyên gia đôi khi phải sử dụng "phân tích quang phổ" để kiểm tra âm thanh một cách kỹ càng. Đây là công nghệ cho phép các nhà khoa học nhận ra những tiếng còi báo động khó nghe nhất hoặc tiếng nổ thoáng qua.
Chỉ có một số ít các cơ quan trên thế giới có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để phân tích dữ liệu hộp đen trong các sự cố phức tạp. Các điều tra viên lâu năm hầu như luôn có thể sử dụng những gì họ tìm thấy để vẽ một bức tranh rất hoàn chỉnh về những gì đã xảy ra và sử dụng nó để giúp các chuyến bay trong tương lai an toàn hơn.
Hiện nay, dù đã có một số giải pháp khác dựa trên vệ tinh để phát trực tiếp dữ liệu chuyến bay, nhưng điều này không được ưu tiên. Nguyên do là việc này rất tốn kém và phức tạp hơn hẳn. Hiện tại, có hàng ngàn hộp đen lưu trữ hàng triệu điểm dữ liệu đang tồn tại. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều không được sử dụng nhiều, vì các vụ tai nạn nghiêm trọng hiếm khi xảy ra.
Xem thêm: David Warren - người được Google Doodle tôn vinh hôm nay là ai?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận