Lời trăng trối của người sĩ quan quân đội mắc bệnh ung thư: Hãy rải tro của con xuống biển, xuống đất

Ngay đêm trước khi qua đời vì ung thư, anh Vũ Minh Khuê, sĩ quan quân đội đã có lời trăng trối với mẹ rằng hãy rải tro của anh đi thay vì chôn cất.

Chi Nguyễn
11:40 13/01/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lời trăng trối của anh sĩ quan

Bà Nguyễn Thị Liên (trú xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) buồn bã kể lại cái đêm cuối trò chuyện với con, vẫn chưa hết đau vì cảnh "lá xanh rụng trước lá vàng". Con của bà là anh Vũ Minh Khuê, sĩ quan quân đội, cách đây 8 năm phát hiện mình mắc ung thư. Dù vậy, anh vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, không khi nào chịu đầu hàng. 

Bà Liên nói: "Sinh thời con tôi thích đi phượt, thích đi offroad, là thủ lĩnh Hội Mậu Ngọ toàn quốc (những người sinh năm ngọ 1978), cũng là những thành viên đầu tiên của otofun, hăng hái hoạt động xã hội, được nhiều người yêu quý. Ốm yếu như thế nhưng lần cuối cùng nó vẫn còn đi từ thiện, xây trường học ở Mường Lay tỉnh Điện Biên...".

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Vũ Minh Khuê cùng mẹ và em trai ngày mới vào quân đội. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngay đêm trước khi mất, anh Khuê khi ấy mới bước sang tuổi 44, liền nối với mẹ: "Bây giờ mọi người biết tình cảnh của con rồi đúng không?". Bà Liên lúc ấy đáp lại: "Biết rồi nhưng Covid thế này không ai lên thăm con được đâu, F0 nhiều lắm, người ta chặn cấm tất cả các ngõ". Thấy thế, anh bảo: "Con bảo này: Tro cốt của con hãy chia làm hai phần - một phần mang ra bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), một phần ra Phan Xi Păng (Lào Cai)". Bà Liên nghe thế thì giật mình, hỏi rằng là đi chôn ở hai nơi sao. Nhưng anh Khuê gạt đi, nói: "Không, mẹ rải xuống biển, xuống đất ra cho con".

Nghe di nguyện của con, bà Liên lập tức đồng ý, chưa kể còn động viên con đã có tư duy đúng. Bà tâm sự, trước kia bà cũng không có ý định hỏa táng và rắc tro của con như thế, dù từng nói với các con hãy làm vậy với chính mình. Cách đây 10 năm, mà đã nhờ cháu xây quây khoảng đất rộng 14m2 gồm cả mộ ông nội  tại thôn Vân La, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội). với tâm nguyện sẽ được các con chôn cất mình ở đó.

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Vũ Minh Khuê (ngồi cao nhất) khi là sĩ quan tăng thiết giáp. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Nhưng rồi, sau những lần tham gia cải táng mộ cho người thân, bà nhận thấy làm vậy rất ô nhiễm, tự nhủ văn minh nhất là thiêu thành tro rồi mang đi rải. Bà kể: "Ba bốn năm trở lại đây tôi yêu cầu các con sau rằng: 'Mẹ sẽ làm di chúc nhưng mẹ nói trước, ba mặt một lời rằng nếu mẹ chết thì thi thể hãy hiến cho khoa học'. Bọn nó cười bảo, tôi già thế ai lấy xác làm gì? Tôi mới nói, vậy thì hãy thiêu xác mẹ lấy tro rồi rải ra biển và nhấn mạnh nhất định phải làm thế. Bọn chúng trả lời rằng chúng con sẽ đi xuyên Việt, mỗi vùng biển sẽ thả một nắm tro của mẹ ra biển".

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Dù bệnh tật phải chống nạng, anh Khuê vẫn đi từ thiện

Bà Liên kể thêm, suốt 40 năm qua bà đều tới nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì) để thăm nom mộ bố mẹ chồng. Tới đây, bà nhận thấy phải hơn 65% ngôi mộ từ lâu không có ai chăm sóc, chẳng hề có chân nhang, những ngôi mộ còn lại cũng chỉ loáng thoáng. Bà tâm sự: "Thiết nghĩ trái đất chỉ có chừng đó km2 trong khi một cặp công tằng tổ khảo, công tằng tổ tỷ chúng ta đã sinh sôi ra hàng vài nghìn người cho mỗi dòng họ. Ai cũng xí 2,2m2 khi chết thì người mới sinh sau này lấy đất đâu mà cạp chứ đừng nói là sinh sống. Chưa kể đến ô nhiễm môi trường do địa táng"...

Hành trình thực hiện di nguyện của con

Ban đầu, mọi việc tất nhiên không được suôn sẻ như dự định, bởi gia đình, họ hàng và cả bạn bè đều phản đối. Bà Liên cho biết: "Đầu tiên là con dâu tôi, nó giật nẩy mình lên khi biết ý định của tôi là hỏa táng rồi trải tro cốt của chồng nó. Tôi mới nói rằng ở huyện Thường Tín, dòng họ của mẹ rất lớn nhưng mẹ cũng biết đến cụ thôi, còn bên nội nhà con giờ mộ của cụ còn chẳng biết ở đâu thì làm sao mà cháu chắt chăm nom mộ được? Thứ nữa mỗi người chết đi, chỉ còn bộ xương khô chứ chẳng có linh hồn nào ở trong đó cả".

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Chị Nguyễn Thị Liên tiếp nhận tro cốt của con để đem đi rải ngoài biển

Không thuyết phục được mẹ chồng, con dâu bà Liên liền gọi cho bạn thân của bà, vốn là cán bộ cao cấp ở Tòa án nhân dân Tối cao nay đã nghỉ hưu, nhờ thuyết phục. Khi ông bạn hỏi vì sao bà lại làm thế, bà Liên trả lời y hệt. Ông bạn hỏi tiếp: "“Mày nói cũng phải nhưng dù sao chúng ta sống vì mồ vì mả chứ không ai chết vì cả bát cơm".

Nghe xong, bà Liên trả lời: "Tôi không phải không có đất, giờ chôn cất cũng có thể làm được nhưng tôi hỏi ông sau này ai sẽ là người chăm sóc mồ mả cho nó? Nó chỉ có một đứa con gái trong khi toàn bộ ông bà ngoại cùng các dì ruột thịt thì đang định cư tại Mỹ. Ai sẽ hương khói cho thằng Khuê trong khi tôi sống được mấy năm nữa còn thằng Bình (em trai Khuê) cũng kiến giả nhất phận, không thể chăm sóc mộ mãi được?".

Bà Liên vẫn cứ kiên trì theo đuổi di nguyện của con, thuyết phục được cả chồng, ông thông gia và cả họ hàng, bạn bè. Sau khi bà phản biện, nhiều người cảm thấy hợp lý nên đồng tình, có người còn nói sau này cũng sẽ làm như thế. 

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Con gái của anh Khuê ôm bình tro cốt của bố

Sau khi con mất, gia đình bà Liên tự cúng 3 ngày, cúng 7 ngày vì thầy sợ COVID-19. Gần tới ngày cúng 49, em trai của anh Minh Khuê mới thưa với mẹ rằng: "Bây giờ còn mốc 49 ngày nữa, nếu lúc đó cúng được tử tế cho anh thì sẽ làm theo ý nguyện của anh và quyết định của mẹ, nếu không cúng được tử tế thì để con mua một miếng đất chôn anh cho bạn bè anh đến viếng".

Ban đầu, bà Liên cũng lung lay, nghĩ rằng làm thế cũng phải. Nào ngờ, đến đúng ngày cúng 49 ngày, lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, gia đình làm được mấy mâm cỗ mời họ hàng, con cháu. Đến mốc cúng 100 ngày, gia đình định lên đường đi rải tro cốt của anh Khuê, nhưng do dịch COVID-19 đang phức tạp nên phải tạm hoãn.

Bà Liên nói, sau khi biết mình bị ung thư vô phương cứu chữa, anh Khuê tâm sự với cả nhà là chưa đi du lịch với nhau ba giờ. Vì thế, cả gia đình quyết định đi hết những địa danh nổi tiếng ở miền Trung, từ qua Ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh tới Quảng Bình - nơi chốn cất Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng. Có lẽ vì thế mà anh Khuê đã nhờ mẹ rắc tro của mình ở bán đảo Sơn Trà. 

Bà kể thêm: "Bao nhiêu năm từ ngày con mắc trọng bệnh tôi đã làm rất nhiều việc, từ cúng lễ, giải hạn, phóng sinh…cho tới tụng kinh, niệm Phật cho con rồi bảo nó cùng làm cho đỡ đau mà Khuê cứ chối đây đẩy bởi con là sĩ quan, là đảng viên nên không tin vào tâm linh nhưng trước khi mất mấy hôm đã bắt đầu niệm Phật, chắc là cảm nhận được phép tu tâm, đạo lý của Phật. Thế nhưng bây giờ tôi nghĩ sẽ không chia tro làm hai phần nữa mà sẽ bê nguyên tro ra bán đảo Sơn Trà thả ở một nơi thôi và khi cúng cho con tôi vẫn thầm bảo với con như thế...".

di-nguyen-cua-si-quan-quan-doi-bi-ung-thu-muon-duoc-rai-tro
Gia đình và bạn bè cùng rải tro cốt của anh Khuê xuống biển

Sau khi dịch bớt nguy hiểm, gia đình bà Nguyễn Thị Liên bắt đầu lên đường đi rải tro cốt theo đúng di nguyện của con. Vừa hay đến đoạn ngã ba Đồng Lộc, gia đình gặp sư thầy Đào Trung Hiếu đang chuẩn bị tổ chức lễ cầu siêu cho 10 chị thanh niên xung phong. Bà Liên liền trình bày rằng cả mình và con là bộ đội, giờ đang đi rải tro cốt theo di nguyện của con, sư thầy nghe xong hoan hỉ nhận lời cúng cầu siêu.

Tới ngày 9/1/2022, cả đoàn tới Đà Nẵng an toàn, có vài người bạn của anh Khuê đã chờ sẵn. Quá nửa đêm, cả nhà quây quần ở bán đảo Sơn Trà, đốt lửa thực hiện nghi thức tiễn biệt. Người lớn tuổi  hì đặt tay lên hũ tro, cánh trẻ thì truyền tay nhau ôm hôn lên hũ tro. Bà Liên nhớ lại: "Khi rải tro xuống biển, tiếng nhạc tử sĩ cất lên từ chiếc loa di động khiến ai nấy đều cảm động. Ngó lên trời đêm chỉ thấy duy nhất một vì sao lấp lánh, không ai bảo ai đều nhận định đó là Khuê - tên một ngôi sao tượng trưng cho trí tuệ...".

Theo Dương Đình Tường/ Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Xem thêm: Giây phút khó quên của "người hùng" Trung Văn Nam

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận