Từng bỏ bê việc học, cú sốc nhận điểm 0 giúp nam sinh tốt nghiệp loại Giỏi ở ĐH Bách Khoa
Từng bỏ bê việc học, nhưng nhờ cú sốc nhận điểm 0 mà nam sinh Phạm Minh Hiếu đã bắt đầu lại, rồi tốt nghiệp loại Giỏi ở ĐH Bách Khoa.

Phạm Minh Hiếu, 22 tuổi, quê Nghệ An, vừa tốt nghiệp chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thuộc ngành Quản lý công nghiệp, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu bạn có điểm trung bình (GPA) 3.58/4 điểm, nhận bằng giỏi.
Không chỉ vậy, nam sinh còn giành giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải nhì ở cấp đại học. Hiếu cũng có bài báo được đăng tải ở hội thảo quốc tế, cùng nhiều giải thưởng, học bổng liên quan đến chuyên ngành Logistics.
Nhìn lại, nam sinh cũng bất ngờ về những gì làm được. Bởi trước đó, Hiếu từng nghi ngờ bản thân, bỏ bê việc học và lao đi làm thêm sau chuỗi ngày "học không nổi" ở trường Bách khoa.
Hiếu thi đại học năm 2019 với 25,25 điểm khối D01 (Toán, Văn, Anh). Định hướng theo học Logistics - ngành "hot" lúc bấy giờ. Bởi biết không đủ điểm đỗ các trường kinh tế có tiếng, Hiếu chọn đăng ký ngành Quản lý công nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trúng tuyển vào trường, 10x nhận nhiều dèm pha về việc học kinh tế trong trường kỹ thuật. Cộng với việc học không suôn sẻ, nhiều môn đại cương khó nhằn, chàng trai hoài nghi về lựa chọn của mình.

Mình là dân khối D, học kinh tế nhưng phải học cả những môn như Vật lý đại cương nên chật vật", Hiếu chia sẻ. Việc học không có gì vui vẻ khiến chàng trai bỏ bê, lao vào đi làm thêm, từ nhân viên bán hàng, phục vụ, đến gia sư, dẫn đến kết quả học tập bết bát.
Đỉnh điểm là vào học kỳ I năm thứ hai, Hiếu không thể học được môn Xác suất thống kê, thậm chí không vận dụng được ở mức cơ bản nhất. "Đúng như dự đoán, mình nhận điểm 0 đầu tiên trong đời. Điều đó sẽ không có gì đáng nói nếu mình không nhìn thấy bảng điểm hiện dòng Phạm Minh Hiếu - 00.0. Ba số 0 liền nhau khiến mình choáng", cậu bạn nhớ lại.
Kỳ đó, Hiếu đạt GPA 1.71/4, xếp loại yếu. Ngoài học lại môn Xác suất thống kê, nam sinh còn trượt môn Toán kinh tế. Hình ảnh số điểm 00.0 quẩn quanh trong đầu khiến Hiếu khó chịu. Cả kỳ đó, Hiếu tập trung cho Xác suất thống kê với quyết tâm một ngày không làm được 10 bài sẽ không đi ngủ. Nam sinh nhờ bạn học chuyên Toán giảng từng ly từng tí để nắm được gốc rễ. Khi đi thi lại, Hiếu vỡ òa vì nhìn câu nào trong đề cũng có thể làm được. Kết quả, cậu đạt 9,5 điểm.
Cùng thời điểm đó, phải nghỉ làm thêm do Covid-19, Hiếu có thời gian nhìn nhận lại bản thân. Nam sinh liên tục đặt câu hỏi "Vì sao mọi người phát triển được mà mình chỉ dậm chân tại chỗ?", nhưng cũng băn khoăn liệu hai năm còn lại có kịp để thay đổi không.
Giữa lúc đó, một người bạn chia sẻ về việc nghiên cứu khoa học, cho hay nhóm đang thiếu thành viên. Hiếu nghĩ đây có thể là cơ hội để thay đổi, ít nhất là có kỷ niệm trong thời sinh viên nên xin tham gia.

Từ chỗ mất định hướng, Hiếu lấy nghiên cứu khoa học để xây lại đường đi cho mình. Ngoài ra, 10x muốn nâng điểm GPA và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nam sinh lấy các tiêu chí của danh hiệu "Sinh viên 5 Tốt" cấp thành phố làm mục tiêu phấn đấu.
Ghim trong đầu câu nói của một giảng viên rằng "Không gì là không thể" và "Muốn sẽ phải tìm cách", Hiếu lên kế hoạch cụ thể cho từng tuần, tháng, kỳ học. Nhờ nỗ lực vượt bậc, cậu bạn đã đạt được hầu hết mục tiêu mà bản thân đề ra.
Nam sinh là đồng tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; hội thảo quốc tế về Vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh, Tận dụng thị trường Carbon để phát triển bền vững tại Việt Nam; hay hội thảo khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu.
Giải ba Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ mà Hiếu nhận hồi tháng 1 là giải thưởng cấp Bộ đầu tiên của Viện Kinh tế và Quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội với đề tài về chuỗi cung ứng. Về học tập, Hiếu giành học bổng khuyến khích các kỳ, giải ba cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam. Nam sinh cũng tham gia nhiều dự án, hoạt động tình nguyện.
Cũng nhờ khả năng xử lý số liệu được trau dồi trong quá trình nghiên cứu khoa học, Hiếu đã trúng tuyển vào một công ty đầu tư chuỗi siêu thị, ngay sau khi nhận bằng hồi cuối năm.
"Mình tâm đắc nhất với câu nói: May mắn là do mình tạo ra và cách tốt nhất để dự đoán tương lai là hãy tạo ra nó. 4 năm đại học của mình là minh chứng cho điều đó và mình sẽ tiếp tục lấy làm động lực phấn đấu trong thời gian tới", Hiếu nói.
Theo Dương Tâm/VnExpress
Xem thêm: Nữ sinh gen Z sở hữu thành tích đáng mơ ước, 4 năm là Sinh viên 5 Tốt cấp trường
Đọc thêm
Phòng gym ở đường Ngô Văn Tự (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là nơi giúp phục hồi miễn phí cho người bị tai biến. Nhờ sự hướng dẫn của ông Trần Văn Dũng đã có nhiều người bệnh có thể phục hồi.
Những suất cơm không phải là cao lương mỹ vị nhưng lại đầy sự ấm áp và tình thương dành cho những người đặt chân đến. Đó là quán cơm "Đồng cảm" ở Đà Nẵng.
Là một nhân viên làm việc chục năm ở công ty, tôi cảm thấy chán nản khi biết mức lương của mình không bằng sinh viên mới ra trường.
Tin liên quan
Trong một buổi trò chuyện với sinh viên tốt nghiệp, tỷ phú Bill Gates đã có 5 lời khuyên thành công sâu sắc gửi tới người trẻ.
Làm giàu không phải chuyện ngủ một giấc dậy là nên chuyện, nhưng nếu áp dụng bí kíp này, người trẻ có thể đổi vận bất ngờ.
Lê Thiên Quân - nam sinh Quảng Trị đã khiến nhiều người phải nể phục khi 3 lần đạt giải tại kỳ ti học sinh giỏi quốc gia.