Tổng hợp các loại pháp khí Phật giáo và những điều chưa biết
Pháp khí là những dụng cụ dùng trong tu chứng Phật pháp, nhưng không phải ai cũng biết hết về chúng.
Pháp khí là gì?
Pháp khí hay Phật khí là những dụng cụ dùng trong tu chứng Phật pháp giúp người tu hành thực hiện các nghi thức Phật giáo. Đạo Phật có rất nhiều pháp khí, chẳng hạn như chuông, trống, bảng, khánh, tràng hạt,... Mỗi pháp khí lại có chức năng và ý nghĩa khác nhau.
Mỗi pháp khí trong đạo Phật đều là những bài kinh vắn tắt, có thứ để dùng làm phương tiện tu niệm hoặc để tiêu biểu ý nghĩa giáo pháp. Nhìn chung, đó đều là phương tiện để biểu dương ý nghĩa cao thâm của chánh pháp, và giúp cho người tu hành thêm phần dễ dàng tiến tu trên đường giải thoát.
Ý nghĩa một số pháp khí trong Phật giáo
Chuông
Chuông không biết có từ bao giờ, nhưng xuất hiện trong kinh truyện thì đã từ rất lâu. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: "Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui".
Có 3 loại chuông được sử dụng trong các tụ viện là Đại hồng chung, báo chúng chung và gia trì chung.
- Đại hồng chung: Có nghĩa là chuông lớn, còn gọi chuông u minh, thường đánh vào lúc đầu đêm và cuối đêm. Chuông này thường được đánh 108 tiếng, tượng trưng cho 108 phiền não căn bản.
- Báo chúng chung, cũng gọi là Tăng đường chung, tức là thứ chuông dùng để báo tin trong khi nhóm họp, thọ trai và khóa tụng v.v… trong các tự viện.
- Gia trì chung, là thứ chuông dùng điều hòa và ra hiệu trong khi tụng kinh, lễ Phật cho được nhịp nhàng đều đặn.
Mõ
Mõ hay còn được gọi là "mộc ngư", cũng có nhiều truyền thuyết liên quan tới cái tên này. Có 2 loại mõ trong Phật giáo, một là mõ hình bầu dục có chạm đầu cá, hai là mõ hình điếu chạm nguyên hình con cá nằm dài.
Gõ mõ có 3 ý nghĩa là:
- Gõ khi đang tụng niệm sao cho nhịp nhàng, lộn xộn, giữ được vẻ trang nghiêm.
- Gõ mõ để kỉnh thỉnh tâm trí người tụng niệm khỏi bị hôn trầm.
- Gõ mõ ể báo tin thì giờ ăn uống, tu tập v.v…. trong các tòng lâm, tự viện như cách dùng bảng, khánh v.v…
Trống
Trống là một trong những pháp khí quen thuộc trong Đạo Phật. Kinh Lăng nghiêm chép: “A-nan (lời Đức Phật)! Ngươi hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, và tiếng chuông mỗi khi nhóm chúng trong tịnh xá Kỳ-Đà này. Tiếng chuông hoặc tiếng trống trước sau nối tiếp nhau. Vậy theo ý ngươi nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ngươi, hay tai của ngươi đến nơi những chỗ phát tiếng?”.
Trống có 2 loại trống là trống đại và trống tiếu - hay còn gọi là trống kinh. Trong Phật giáo, tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp, là giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh.
Đây là nhạc khí nhắc nhở người con Phật luôn sống bằng lòng chân thật, không giả dối, cảm thông, sẻ chia. Chúng sinh nghe tiếng trống chánh pháp thì tội chướng được tiêu trừ, nhờ vậy mà giải thoát vào cảnh giới an lạc, nơi chư Phật đón chờ.
Trống Bát Nhã là nhạc cụ không thể thiếu trong các buổi lễ quan trọng của Phật giáo. Tiếng trống bát nhã làm tức tỉnh thiện căn, đánh động vào lương tri và thắp lên ánh sáng cho con người ta trong bóng tối vô minh.
Bảng khánh
Bảng khánh hay cái khánh là một nhạc khí thuộc bộ gõ quen thuộc trong Phật giáo. Sách tượng khí tiêu quyển thứ 18 có chép: “Ngài Vân Chương nói: hình của bảng giống như đám mây, nên người ta cũng thường gọi tên của bảng là Vân bảng".
Bảng khánh thường có hình dạng giống cái mây, xưa làm bằng ngọc, đá, nay chủ yếu làm bằng đồng. Bảng cũng được thay thế cho trống và dùng trong những trường hợp như báo tin giờ thọ trai, giờ học tập, và cả những lúc nhóm họp Tăng để nghị bàn Phật sự, phân phát cúng vật, hoặc xử đoán các lỗi lầm v.v…
Bát
Bát là một trong những pháp khí quan trọng, tiếng phạn gọi là Bát đa la, tiếng Trung dịch là Ứng lượng khí. Bát được trổ bằng đá, nặn bằng đất sét, không được làm bằng vàng, bạc, ngọc ngà,...
Kinh Phật bổn hạnh chép: “Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có hai thương gia một người tên là Đế-ly Phú-bà và một người tên là Bạt-ly-ca đều ở tại Bắc Ấn-Độ. Một hôm, hai thương gia này phát tâm đem sửa cúng dường Phật, nhưng Đức Phật không có gì để đựng sữa. Bấy giờ có 4 vị Thiên vương đem 4 cái bát bằng vàng cúng Phật để đựng sữa, Đức Phật không nhận, bốn vị Thiên vương lại đem 4 cái bát khác đủ các loại quí giá như ngọc, ngà v.v… Đức Phật cũng không nhận, sau cùng có 4 vị Thiên vương đem cúng dường Phật 4 cái bát bằng đá, Đức Phật hoan hỷ nhận, không từ chối.
Trích trượng
Trích trượng hay tích trượng, tiếng Phạn gọi Khích khí la, là gậy mà các vị Tỳ-kheo sử dụng khi đi đường, khi khất thực. Tích trượng có công dụng là dẹp trừ chướng ngại vô minh, giác ngộ người đời thoát khỏi trầm luân đau khổ.
Trong số các đệ tử lớn của Phật, có một người tên Ca Diếp, Ca Diếp hỏi Phật về ý nghĩa tên gọi Tích trượng, đức Phật trả lời về các ý nghĩa như sau :
- Tích có nghĩa là Khinh (nhẹ), có nghĩa là nhờ chiếc gậy đức hạnh và trí tuệ nầy mà phiền não được nhẹ đi và sớm ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi, được ra khỏi tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)
- Tích cũng có nghĩa là Minh (sáng), nghĩa là được trí huệ sáng suốt, là hết khổ não.
- Tích trượng cũng còn có tên là Đức trượng, nghĩa là chiếc gậy trí huệ và đức độ nầy mà người xuất gia học đạo giải thoát được vững tiến và hướng đến quả vị giải thoát.
Lự Thủy Nan
Lự Thủy Nan xuất hiện trong bộ Hội Chánh Ký rằng: “Nếu làm túi lọc nước thì nên may một lớp vải dày lên trên, nếu không có lụa thì dùng vải dày cũng được”. Nói cách khác, lự thủy nan là túi lọc nước, sử dụng để lọc nước uống hoặc dùng trong việc tắm rửa,...
Lự Thủy Nan được dùng một là phòng ngừa bệnh tật, giữ gìn vệ sinh; hai là vì lòng từ bi muốn bảo vệ các sinh mạng trong nước như thủy trùng vi tế,.... Có 5 cách chế tác Lự Thủy Nan là phương la, pháp bình, quân trì bình, chước thủy là và y-giác-la.
Y
Y không phải là pháp khí mới được sáng chế, mà đã tồn tại từ đời quá khứ các Đức Phật trước đó. Y là pháp phục của người xuất gia, mang nhiều ý nghĩa.
Dù vậy, có 2 ý nghĩa lớn là:
- Giữ lối ăn mặc của người xuất gia khác với lối ăn mặc thông thường của thế gian, cốt để giảng trạch giữa người Tăng, kẻ tục.
- Tiêu biểu cho giới đức phẩm hạnh cùng tôn chỉ ý chí siêu trần của người xuất gia theo đạo Phật.
Tràng hạt
Tràng hạt hay chuỗi tràng hạt là vật dụng được sử dụng trong việc tụng kinh Phật giáo. Không chỉ Phật giáo mới sử dụng và đề cập tới chuỗi hạt. Nó được sử dụng bởi các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, đạo giáo và đức tin của Baha'i.
Tuy nhiên, trong Phật giáo, tràng hạt đến từ sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử.
Tràng hạt ban đầu có 108, tượng trưng cho 108 phiền não, gồm 88 kiến hoặc, 10 tư hoặc và 10 triền. Con số 108 cũng được lý giải theo nhiều ý nghĩa khác nhau. Về sau, tràng hạt được xâu chuỗi đa dạng hơn, chẳng hạn như chuỗi 54 hạt, chuỗi 42 hạt,...
Tháp
Tháp (塔) hay còn gọi là bảo tháp - bửu tháp, Phật tháp hay tháp chùa, là công trình kiến trúc Phật giáo khá quen thuộc. Tháp hay stupa theo truyền thống Phật giáo là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi (một phần của di thể Đức Phật). Đây cũng là nơi để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Ngoài ra, stupa còn được gọi là Tháp Phật, Đại Bảo Tháp (nơi lưu giữ tro cốt hay xá lợi) của Đức Phật hay các bậc cao tăng, tổ sư), hoặc tháp mộ - mộ tháp (nơi lưu giữ tro cốt của tín hữu gửi vào chùa).
Theo kinh Nhân Duyên thì có 8 hạng người được dùng Tháp, tuy nhiên, phải tùy theo quả vị tu chứng mà số tầng Tháp có khác nhau.
- Tháp Phật từ 8 tầng trở lên.
- Tháp Bồ-tát 7 tầng.
- Tháp Duyên-Giác 6 tầng.
- Tháp Thanh Văn 5 tầng.
- Tháp A-na-hàm 4 tầng.
- Tháp Tu-đà-hàm 3 tầng.
- Tháp Tư-đà-hàm 2 tầng.
- Tháp Chuyển Luân vương 1 tầng.
Tổng hợp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận