Tháp là gì và Đạo Phật dùng tháp để làm gì?
Tháp hay bảo tháp là công trình kiến trúc quen thuộc của Đạo Phật. Có điều, ít người thực sự hiểu rõ về công trình này.
Tháp là gì?
Tháp (塔) hay còn gọi là bảo tháp - bửu tháp, Phật tháp hay tháp chùa, là công trình kiến trúc Phật giáo khá quen thuộc. Trong Phật giáo nguyên thủy, tháp chính là ngôi chùa, kiến trúc tháp là trọng tâm của chùa, gọi là stupa.
Stupa (tiếng Phạn và Pāli: स्तूप, stūpa, nghĩa đen là "búi tóc") hay tháp, tháp-bà (từ tiếng Trung: 塔 hay 塔婆), bảo tháp, hay phù đồ (浮屠), hay thạt (từ tiếng Lào, xuất phát từ Phạn ngữ: dhatu). Công trình này thường được xây trong khuôn viên các thánh tích, chùa chiền, hình dáng về cơ bản là cao, nhỏ dần về đỉnh.
Nguồn gốc của tháp
Theo lịch sử Phật giáo, bảo tháp xuất hiện từ khi Đức Phật còn tại thế. Tương truyền, trước khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn, các môn đệ có hỏi, mai sau lấy gì tưởng nhớ Phật?
Nghe xong, Phật tổ mới gấp tấm áo cà sa đặt xuống, úp chiếc bát khất thực lên, đặng đặt tiếp cây gậy chống rồi tịch. Ban đầu, các môn đệ dựa theo hình ảnh ấy mà xây tháp có hình bát úp, rồi đặt xá lợi vào.
Tất nhiên, cũng có nhiều lời lý giải khác cho công trình này. Theo Thập Tụng Luật, quyển 56 chép: Trưởng giả Tu Đạt từng xin tóc và móng tay của Phật về xây tháp để cúng dường. Ngoài ra, Ma-ha-tăng-kỳ luật, quyển 33 chép: Vua Ba-tư-nặc noi gương Phật, kiến tọa tháp Phật Ca-diếp để lễ bái, cúng dường hằng ngày. Sau khi Phật nhập diệt, Bà-la-môn Hương Tánh chia xá lợi của Phật cho 8 nước; rồi các vị quốc vương rước xá lợi ấy về nước xây tháp cúng dường. Đó là lịch sử xây dựng tháp đầu tiên sau khi Phật nhập Niết-bàn.
Đạo Phật dùng tháp để làm gì?
Về sau, mỗi ngôi chùa đều có 2 công trình kiến trúc riêng biệt. Trong đó, tháp là nơi để Tăng Ni Phật tử tưởng niệm Phật. Đây là nơi lưu trữ tro cốt (xá lợi) của Đức Phật hay của sư tổ trụ trì chùa. Công trình thứ 2 là tịnh xá, nơi để ở và thuyết pháp của các Tăng Ni.
Tháp hay stupa theo truyền thống Phật giáo là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi (một phần của di thể Đức Phật). Đây cũng là nơi để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Ngoài ra, stupa còn được gọi là Tháp Phật, Đại Bảo Tháp (nơi lưu giữ tro cốt hay xá lợi) của Đức Phật hay các bậc cao tăng, tổ sư), hoặc tháp mộ - mộ tháp (nơi lưu giữ tro cốt của tín hữu gửi vào chùa).
Tại các quốc gia châu Á theo Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,... tháp lại được xây theo dạng lầu các. Nguyên do là vì, người Trung Hoa quan niệm, tháp là nơi chôn cất Xá lị Phật, thiêng liêng và thần thánh, phải dùng hình thức kiến trúc cao quý để tôn trí. Hơn nữa, xây cao như vậy, chúng sinh khi ngửa đầu chiêm bái, tự nhiên có lòng kính trọng và ngưỡng vọng.
Tháp ở Việt Nam có gì khác biệt?
Nếu ở Ấn Độ, tháp có hình dạng như bát úp, thì khi truyền sang các nước phương Đông lại có nhiều thay đổi. Những tháp Phật Giáo tại Việt Nam về việc quy định các tầng đã không theo những ý nghĩa cũ.
Tính chất và thể loại của những loại tháp được phân chia ra: Phùđồ (stupa) và bảo tháp (pagoda). Nếu xét về hình dạng kiến trúc thì hoàn toàn khác biệt, mặc dù bảo tháp bắt nguồn và là biến thể của phù đồ.
Tháp thường vươn theo chiều cao, rộng nơi chân bệ, thân tháp có hình dáng tượng phù đồ. Tháp có đáy hình vuông hoặc lục lăng hay bát giác. Các tầng phải là số lẻ, có vành mái ngắn nhô ra, vòm cầu của phù đồ có khi được nhắc lại trên nóc tháp, hoặc thiết kế khác đi theo dạng bầu rượu, búp sen,...
Kiến trúc tháp ở Việt Nam đa số là kết cấu gỗ, kết hợp các vật liệu địa phương tự khai thác như đá vân, đá ong, gạch nung, đá hộc. Tháp ở nước ta không quá cao, không quá cao, được xây dựng để phù hợp với những ngôi chùa trải rộng. Cũng có một số thiền tự có cả rừng tháp, như quần thể vườn tháp chùa Phật Tích và chùa Bổ Đà từ hàng chục đến hàng trăm tháp nhỏ của nhiều đời sư tăng.
Tổng hợp
Xem thêm: Ý nghĩa tràng hạt trong Đạo Phật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận