Cái duyên từ thiện của cô giáo trẻ đạp xe khắp TP.HCM để giúp người nghèo
Suốt 6 tháng qua, cô giáo trẻ Trúc Ly quyết tâm nán lại ở TP.HCM, ngày ngày đạp xe đi khắp các quận để giúp người nghèo.
Bén duyên với từ thiện từ mùa dịch
Trúc Ly (SN 1991, quê Phú Yên) đang là giáo viên mầm non ở một trường quốc tế tại TP.HCM, nay đang tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Đợt tháng 6 vừa qua khi dịch bùng phát, cô bắt đầu dùng tiền lương để mua quà tặng người có hoàn cảnh khó khăn trước khi lên đường về quê tránh dịch. Thế nhưng, xót xa cho hoàn cảnh của những người nghèo ở Sài Gòn, cô giáo trẻ quyết định ở lại và gắn bó với việc thiện nguyện.
Mới đây, bắt gặp một người đàn ông khoảng 70 tuổi đang vất vả leo cây hái me trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), cô giáo dừng chân hỏi chuyện. Thấy tội nghiệp chú lao động vất vả, cô mua lại hết số me rồi đem chia thành nhiều túi nhỏ, phát cho những người khó khăn dọc đường đi. 9x tâm sự: "Cách tôi đi làm từ thiện suốt 6 tháng qua là như vậy. Tôi cứ đi ra khỏi nhà chứ không biết mình sẽ giúp ai, nhiều khi định chạy qua giúp người này nhưng trên đường gặp vài ba hoàn cảnh khó khăn khác, lại chẳng thể làm ngơ".
Trúc Ly kể lại, thời gian đầu mới làm thiện nguyện, cô mua bánh ngọt, đồ ăn nhẹ rồi hàng đêm đi bộ dọc các con đường để phát cho người vô gia cư. Vì không biết đi xe máy, cô mượn tạm của người quen 1 chiếc xe đạp để tiện đi lại. Không chỉ tặng quà, nữ giáo viên còn dành nhiều thời gian ngồi xuống tâm sự để hiểu được hoàn cảnh của từng người.
Những lần tâm sự đó đã mở ra chân trời mới cho cô giáo, thấu hiểu những nối khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Vì thế, cô hi vọng có thể giúp họ có được thứ mình thực sự cần và muốn, chứ không phải chỉ là trao tặng quà một cách hời hợt. Cô nói: "Những người nghèo, khó khăn rất ngại trải lòng, họ giữ trong lòng những khắc khổ. Tôi thường ngồi xuống trò chuyện để họ thả lỏng tâm trạng. Khi cảm nhận được đây là người chịu lắng nghe, họ sẽ kể về những điều mà thậm chí không nói được với vợ, với gia đình hay bạn bè. Lúc đó, tôi mới biết họ thực sự cần gì để giúp cho đúng".
Chỉ lo thân mình mắc bệnh, không ngại tốn tiền
Trong những tháng TP.HCM giãn cách, Trúc Ly đăng ký làm tình nguyện viên cho một tổ chức xã hội. Công việc của cô là tìm hiểu, xác minh những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ tiền và giúp những người có nhu cầu vào ở trong mái ấm tình thương. Dù bạn bè, người thân ngăn cản vì sợ cô nhiễm bệnh, Ly vẫn quả quyết đi.
9x nói: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là mình trở thành F0, khu nhà bị phong tỏa thì không thể đi giúp người ta. Nhiều khi tôi nằm trằn trọc, mất ngủ cả đêm, chỉ mong đúng 5h sáng để dẫn người ta đi test COVID-19 rồi đưa họ vào nhà trọ tình thương... Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất thôi là nếu mình không làm, họ sẽ thiệt thòi, nên bất chấp nguy hiểm để tiếp tục công việc này".
Ly chia sẻ, thời gian đó trời nắng nóng, cô lại phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đạp xe đi chục cây số để trao quà. Thế nhưng, vì tấm lòng nhân ái và nhiệt huyết tuổi trẻ, cô đi suốt từ quận này sang quận khác mà không thấy mệt. Có lần nọ, 9x tham gia hỗ trợ đội phát lương thực tiếp tế, cứ mỗi sáng đạp xe từ nhà trọ ra bến xe miền Đông để phát quà. Đi suốt như thế, các nhân viên chốt chặn quen mặt, cho cô đi qua mà không cần hỏi giấy tờ.
Trúc Ly tâm sự, niềm vui của cô không chỉ là giúp đỡ người vô gia cư, mà còn hi vọng có thể thay đổi cuộc đời người khác. Cô kể, có lần cô tình cờ gặp cậu thanh niên vô gia cư bị cụt một tay nằm dưới chân cầu Bông (quận 1, TP.HCM) tên là Trung, liền dừng xe lại hỏi han. Ly nói: "Khi thấy cậu ấy, mình cũng trò chuyện hỏi han, mới biết cậu từng học khoa Luật của ĐH Thủ Dầu 1 (Bình Dương). Trung không có bố mẹ, ông bà ngoại vừa mất vì Covid-19, thế giới của cậu sụp đổ hoàn toàn, còn vay nợ rất nhiều và dường như buông bỏ mọi thứ".
Sau khi chia sẻ clip và câu chuyện về Trung lên mạng, bạn cùng lớp cũng như người quen của cậu vô cùng bàng hoàng. Một người bạn bình luân: "Trời ơi đây là lớp trưởng Trung, học rất giỏi, sao bây giờ lại thế này". Xót xa cho tình cảnh của Trung, nhiều người bạn cũ cùng cư dân mạng đã hết lòng giúp đỡ, quyên tiền để cậu có thể trả nợ. Chưa kể, một mạnh thường quân còn giúp đỡ Trung có công việc ổn định ở văn phòng Luật tại quận 1. Cô giáo trẻ nhớ lại: "Bạn có nhắn cho mình một tin nói rằng: 'Cả cuộc đời này, em sẽ không quên ơn chị'. Mình hạnh phúc khi bạn ấy giờ có việc làm ổn định, kết nối lại với bạn bè ở quê và cuộc đời bước sang trang mới".
Suốt 6 tháng qua, Trúc Ly đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trên hành trình thiện nguyện. Cô kể: "Mình từng bị người ta giả mạo Facebook rồi đi lừa đảo tiền từ bạn bè trên mạng. Khi đó, mình đã sốc và mất khoảng 3 ngày mới bình tâm lại. Mình không muốn bạn bè của mình bị lợi dụng, việc tốt của mình bị kẻ khác dùng để trục lợi". Những lúc như thế, cô lại suy ngẫm về công việc từ thiện của mình, rồi tự nhủ rằng vẫn sẽ tiếp tục để giúp đỡ người nghèo.
Đặc biệt, 9x không hề đăng số tài khoản để kêu gọi từ thiện, mà chỉ làm với danh nghĩa cá nhân. Chỉ khi có ai đó thực sự muốn giúp, nhắn tin riêng, cô mới rụt rè nhận thêm hỗ trợ. Trải qua biết bao nỗi mệt nhọc, vất vả, niềm vui cuối ngày của nữ giáo viên là được gặp gỡ và giúp nhiều người khó khăn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận