Chiến dịch 'Lòng tốt dễ lây': CĐM bớt hằn học, yêu thương y bác sĩ, lan tỏa yêu thương
UNICEF phối hợp cùng Bộ Y tế và Nhã Nam tổng kết chiến dịch truyền thông 'Lòng tốt dễ lây', nhấn mạnh sự đổi thay của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Trước đó, vào tháng 5/2020, UNICEF Việt Nam (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) đã phối hợp với Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông 'Lòng tốt dễ lây'. Thông qua việc chia sẻ, trao đổi thông tin, vẽ tranh, quay video,... chiến dịch chia sẻ những kiến thức, thông tin về đại dịch, trách nhiệm của thanh thiếu niên trong và hậu COVID-19 cũng như kêu gọi thanh thiếu niên tham gia giúp đỡ cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh.
Chiến dịch này gồm 3 thông điệp chính là 'Hãy giúp đỡ mọi người', 'Hãy đồng cảm' và 'Hãy lạc quan'. Đây là chiến dịch truyền thông phòng - chống dịch COVID-19 đầu tiên của Bộ Y tế trên nền tảng MXH Instagram phối hợp với UNICEF, khuyến khích người trẻ lên tiếng thông qua mạng xã hội, cùng sự tham gia của nghệ sĩ, họa sĩ,... sáng tạo, chia sẻ thông tin. Chiến dịch cũng nêu tấm gương người tốt, chia sẻ những việc làm tử tế, truyền cảm hứng thông qua câu chuyện, bài viết,...
Ngày 28/1, ở Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết chiến dịch truyền thông Lòng tốt dễ lây do UNICEF phối hợp cùng Bộ Y tế và Nhã Nam. Đại diện UNICEF cho biết, chiến dịch đã tiếp cận được hơn 65 triệu người dùng MXH trên cả nước, trong đó có 2 triệu lượt người tương tác và đóng góp sản phẩm cho chiến dịch.
Kết hợp cùng Nhã Nam, một cuốn sách mang tên 'Lòng tốt dễ lây' ghi lại thành quả của chiến dịch đã được phát hành. Trong đó có in 106 bức tranh được chọn lọc từ hơn 500 tác phẩm của thanh thiếu niên cả nước tham gia chiến dịch.
Diễn giả của buổi tổng kết là nhà báo Đinh Đức Hoàng, Đinh Trần Tuấn Linh - tác giả nhân vật 'Lê Bích" cùng nhà hoạt động môi trường Trang Nguyễn đã có mặt và trò chuyện về những biến đổi mà đại dịch gây ra, tác động tới con người và xã hội ra sao.
Đại dịch COVID-19 tuy là "bóng đen" ám ảnh, chết chóc và lo sợ nhưng cũng là nguồn động lực thúc đẩy con người thay đổi, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, nỗ lực hơn.
Chị Trang Nguyễn cho hay, trong năm 2020 có tới 1,56 tỷ khẩu trang dùng 1 lần được thải ra môi trường. Đây là con số gây chấn động nhất là khi ô nhiễm nhựa vẫn đang ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, giết hại nhiều sinh vật trên Trái Đất. Rất may, trên khắp cả nước, những người trẻ đã không e ngại đại dịch mà hăng hái tham gia nhặt rác, dọn sạch bãi biển, truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người.
Nhà báo Đức Hoàng cho rằng, năm 2020 đã có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp xuất hiện, nhưng trong đó điều tốt đẹp nhất với anh là "cộng đồng và ngành y tế đã tha thứ cho nhau". Anh chia sẻ: "Trước đây cộng đồng xã hội đã ném vào ngành y tế rất nhiều những lời không hay, giờ thì chúng ta trân trọng các bác sĩ tuyến đầu. Chúng ta đoàn kết hơn. Trước đây chúng ta dành nhiều không gian và thời gian hơn cho những lời phê bình, chỉ trích, giờ chúng ta hiểu điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể dành cho nhau lúc này, đấy là sự động viên, lòng trắc ẩn. Chưa bao giờ xã hội chúng ta yêu quý những bác sĩ như lúc này".
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh nói: "COVID-19 làm lộ hết những mặt tốt nhất và xấu nhất của nhân loại, cũng có những bóng tối, nhưng nhiều người đã bắt đầu lọ mọ thắp lên những ngọn nến, cùng nhau làm một vài điều tốt thay vì ngồi chửi bới nhau".
Tuy rằng COVID-19 đã làm lộ ra nhiều mặt xấu, như là việc tranh giành thu mua khẩu trang, gom giấy vệ sinh,... thế nhưng những việc làm tử tế vẫn tiếp tục diễn ra. Đó là những bài hát động viên vượt qua đại dịch bên cửa sổ, đó là những mạnh thường quân trao tặng khẩu trang miễn phí, đó là những y bác sĩ tuyến đầu không lo sợ xông pha chống dịch,... Đại dịch COVID-19 đã tạo nên những câu chuyện nhân văn, cảm động, những tấm gương truyền cảm hứng, những việc tử tế nhân đạo thương người, vẫn tiếp diễn ngày này qua tháng nọ, đến nay vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận