Cho đi là còn mãi: Chuyện về một xã có 50 người hiến tạng, hiến xác
Xem việc thiện như lẽ sống, người dân xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) rủ nhau đi đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác khi qua đời. Đáng nói, phần lớn họ là làm nông.

Rủ nhau đi hiến tạng, hiến xác
Người đầu tiên trong xã đăng ký hiến tạng là ông Đỗ Văn Quảng (78 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hưng. Năm 2018, trong chuyến chuyển bệnh từ thiện từ xã lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông Quảng tình cờ biết nơi đây tiếp nhận hồ sơ hiến mô, tạng, xác nên ông nhờ nhân viên y tế tại bệnh viện tư vấn để ông về địa phương triển khai vận động.
"Khi chết rồi mà vẫn có thể làm một việc có ích cho xã hội thì sao lại từ nan. Nghĩ vậy nên tôi quyết định hiến xác và xin ý kiến cấp trên để triển khai vận động người dân trong xã", ông Quảng chia sẻ.
Năm 2019, sau khi thuyết phục gia đình, ông Quảng nộp đơn tình nguyện hiến xác. Sau đó, ông xin hồ sơ về trình Hội Chữ thập đỏ H.Cờ Đỏ và được đồng ý nên ông đứng ra tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm này, vận động người dân tham gia.

Thời gian đầu, việc vận động gặp nhiều khó khăn do bà con chưa nắm rõ quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục, quyền hiến tặng mô, tạng, xác, và người thân trong gia đình không đồng ý. Sau thời gian kiên trì vận động, lấy bản thân ra làm minh chứng, ông Quảng dần thuyết phục được nhiều người tự nguyện viết đơn đăng ký hiến tạng, hiến xác cứu người. "Cái khó là gia đình những người muốn hiến xác, tạng hầu như không ai đồng ý, bởi muốn người thân khi qua đời thân xác nguyên vẹn. Trong khi đó, phải có gia đình, thân nhân, con cháu đồng thuận ký vào cam kết mới được đăng ký hiến. Tôi miệt mài vận động, đến khi mọi người hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này họ mới ủng hộ", ông Quảng cho biết.
Tính đến ngày 20.4.2023, xã Trung Hưng có 50 người đăng ký hiến tạng, hiến xác; trong đó có 37 người đã có thẻ, 1 trường hợp chờ làm thẻ và 12 trường hợp nộp hồ sơ đăng ký.
Xem việc thiện nguyện là lẽ sống
Hầu hết những người tham gia hiến tạng đều làm nông. Tuy chẳng mấy khá giả nhưng họ vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: chở người có hoàn cảnh khó khăn đi bệnh viện miễn phí, cất nhà tình thương, đóng quan tài, hùn tiền mua gạo, nhu yếu phẩm tặng cho những trường hợp ngặt nghèo…
Anh Bùi Thanh Vũ (23 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết sau khi được vận động, hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô, tạng nên anh đã ghi tên vào danh sách hiến mô. Anh cũng là thành viên năng nổ của tổ xe từ thiện chuyển bệnh, sẵn sàng đi bất kể đêm khuya hay giữa trưa nắng gắt khi có bệnh nhân cần cấp cứu.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (53 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) chia sẻ thấy anh em trong đội thiện nguyện tham gia hiến tạng, xác, hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này, ông đã lập tức thuyết phục gia đình để mọi người ủng hộ đăng ký. "Nhà tôi làm ruộng, cũng chẳng dư dả chi, nhưng công việc thiện nguyện rất ý nghĩa nên lúc nông nhàn là tôi tham gia ngay. Tôi nghĩ giúp được gì cho người khác, cho xã hội thì nên làm. Hiến xác là việc thiện cuối cùng tôi có thể làm được khi mất đi", ông Minh bày tỏ.
Còn ông Lê Văn Ngon (43 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết ông làm ruộng và chạy xe khách. Tuy mới tham gia hoạt động thiện nguyện 3 năm nay nhưng ông đã coi đó là lẽ sống đời mình. "Còn khỏe thì đi đóng quan tài, cất nhà tình thương, chạy xe chuyển viện miễn phí giúp người nghèo. Khi mất sẽ hiến mô, hiến tạng để cứu người bệnh. Giúp được cho xã hội là tôi sẵn sàng", ông Ngon trải lòng.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Cho đi là còn mãi: Người phụ nữ hiến tạng "hồi sinh" bệnh nhân 37 tuổi
Đọc thêm
Đó là nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Ngô Văn Thu và bà Nguyễn Thị Hà ở xóm Bàng, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, TP Hà Nội).
Một chàng trai 32 tuổi chết não do tai nạn giao thông đã hiến tạng để hồi sinh sự sống cho 1 bệnh nhân ở Huế và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
“Khi nghe mẹ giải thích và biết được ý nghĩa của việc hiến tạng, tôi đã quyết định làm một điều gì đó có ích cho xã hội”, anh Trần Văn Hà chia sẻ.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.