Thương bé gái 3 tuổi không chân, dị tật tay, giờ cõng thêm căn bệnh quái ác
Vừa chào đời An đã chịu cảnh thiệt thòi hơn các anh chị và bao đứa trẻ khác khi tay, chân của con không phát triển bình thường, bị suy tủy xương, thiếu máu bẩm sinh.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1982) và chị Trần Thị Hiền (1987) nằm bên bờ dòng sông Như Ý, trong một ngôi làng thuần nông thuộc thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, thành phố Huế.
Cuộc sống của gia đình thợ may này đang chênh vênh hơn bao giờ hết khi cháu Nguyễn Thị Bình An, con gái thứ 4 của họ không may bị đa dị tật, suy tủy xương và thiếu máu bẩm sinh, phải nhập viện thường xuyên.
Chị Hiền không giấu được những giọt nước mắt, giọng run run khi kể về cô con gái bất hạnh của mình. Năm 2006, chị về làm dâu nhà anh Hòa, cả 2 vợ chồng đều làm nghề may âu phục tại gia.

Những năm đầu, cuộc sống yên bình trôi qua với đôi vợ chồng trẻ. Ba người con, một trai, hai gái lần lượt chào đời, đến nay cháu lớn nhất đang học lớp 12.
"Năm 2021 có lẽ là thời điểm bước ngoặt, tôi mang thai con gái thứ 4, tức cháu Bình An hiện nay. 2 tháng đầu thai kỳ, tôi bị thủy đậu, đến bác sĩ thăm khám thì được thông báo là thai đang phát triển, siêu âm không được. Bác sĩ hẹn tái khám sau", chị Hiền kể.
Chị Hiền cho biết, khi chuẩn bị đến thời gian tái khám thì bản thân lại bị nhiễm Covid-19, phải đi cách ly tập trung dài ngày. Đến tháng thứ 5 của thai kỳ, vợ chồng chị nhận kết quả siêu âm mà lòng quặn thắt, họ không muốn tin nhưng sự thật là thai nhi trong bụng chị Hiền phát triển không bình thường.
Ngày 8/1/2022, bé Bình An chào đời tại bệnh viện nhưng lập tức được đưa vào nằm trong lồng kính do cháu bị nhiễm trùng máu. Kể từ đây, cô bé Bình An và mẹ nằm bệnh viện nhiều hơn là ở nhà.

Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhi Nguyễn Thị Bình An bị đa dị tật, suy tủy xương và thiếu máu bẩm sinh. Thời gian đầu, bé được điều trị nội khoa và phải thực hiện truyền máu 2 lần/tuần.
Hiện, bé đã được xuất viện về nhà, nhưng nửa tháng lại phải nhập viện một lần để truyền máu, đồng thời phải uống thuốc thải sắt thường xuyên.
"Truyền máu thì cháu được miễn phí nhưng thuốc thải sắt phải mua ngoài, mỗi viên 300.000 đồng. Riêng tiền thuốc của Bình An mỗi tháng đã tốn đến 9 triệu đồng", chị Hiền chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hòa cho biết, từ khi sinh cháu Bình An, chị Hiền không còn thời gian để may áo quần, mọi việc đều do anh gánh vác. Những năm trở lại đây, nghề may tại nhà của anh dần thất thế so với hàng may sẵn trên thị trường, thu nhập vì thế cũng giảm sút. Dù bị gai đôi cột sống, anh phải chạy thêm những cuốc xe ôm để có tiền trang trải cho gia đình.
"Mỗi tháng tôi cũng chỉ kiếm được 5-6 triệu đồng, trong khi có quá nhiều thứ phải chi, từ ăn uống, tiền học của 3 cháu lớn, đến thuốc điều trị cho Bình An. Có nhiều thời điểm, chúng tôi chỉ mua được nửa tháng thuốc cho con.
Bác sĩ nói bệnh suy tủy xương của Bình An cần hóa trị sớm nhưng giờ chúng tôi chưa dám nghĩ đến", anh Hòa nói.
Bà Lê Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, xác nhận hoàn cảnh của gia đình anh Hòa là rất khó khăn, năm 2024 còn nằm trong diện hộ cận nghèo của xã. Bản thân cháu Bình An cũng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
"Ở đây có rất nhiều người biết đến và thương cảm với hoàn cảnh của anh chị ấy và cháu bé. Chính quyền và các hội, đoàn thể, bà con lối xóm cũng rất quan tâm, hỗ trợ nhưng không đáng kể. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình có thêm kinh phí chữa trị cho cháu", bà Tình kêu gọi.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về:
Chị Trần Thị Hiền
Địa chỉ: Thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, thành phố Huế.
Số điện thoại: 0972551600.
Số tài khoản: 26856757; ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), chủ tài khoản Trần Thị Hiền.
(Theo Dân Trí)
Xem thêm: Cặp vợ chồng nghèo và hành trình cứu con gái đầy gian nan
Tin liên quan
Trong căn trọ xập xệ, bà Bích cố nén cơn đau vì bệnh ung thư. Ở tuổi 58 bà không sợ chết, lòng chỉ lo nghĩ, thương xót cho các con, người thì góa chồng nuôi con thơ, người bị tật nguyền.
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, tính mạng của bé gái 3 tuổi – Trần Lê Bảo Uyên ngày một mong manh, cha mẹ nghèo hết tiền chạy chữa chỉ biết bất lực cầu cứu.
Hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật giày vò, đau đớn bất lực là vậy, nhưng người cha nghèo ấy không nghĩ mình sẽ chữa được bệnh, chỉ mong cho các con có bữa cơm no.