Đắt giá hơn vàng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Bài học kinh doanh đắt giá hơn vàng trong câu chuyện dưới đây giúp chúng ta hiểu rằng: Con người sống trên đời cần dựa vào hai chữ “tôn trọng” để đứng vững trong xã hội. Người biết đánh giá đúng về lòng tôn trọng mới là người thực sự có trí tuệ.

Diệu Nguyễn
08:30 07/07/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trên con đường phồn hoa, náo nhiệt nhất thành phố, một ông lão ăn mày xuất hiện. Ông mặc quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, cả người tỏa ra mùi hôi khó chịu. Những người mà ông bước ngang qua đều cau mày tỏ vẻ khó chịu.

Đến trước một cửa tiệm bánh ngọt, ông lão dừng chân nhìn một lúc lâu và quyết định mở cửa bước vào xếp hàng chờ mua. Những vị khách đang mua bánh trong cửa hàng đều tỏ thái độ bực bội, khó chịu. Thậm chí một số người còn bịt mũi, phàn nàn với nhân viên cửa hàng.

Thấy vậy, một nhân viên bán hàng chạy ra quát lớn: “Ông kia, ông vào đây làm gì đấy? Đi ra ngoài đi, mau lên!”.

Ông lão ăn mày run rẩy đáp: “Tôi muốn mua một cái bánh ngọt”. Vừa nói ông vừa cho tay vào túi lấy ra những đồng tiền lẻ: “Cậu ơi, loại bánh nào ở đây rẻ nhất?”.

Đúng lúc đó, ông chủ tiệm bánh nhanh ra ngoài. Ông ta niềm nở lấy từ trong tủ kính ra một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh, đặt vào trong hộp, gói ghém cẩn thận rồi đưa cho ông lão ăn mày. Sau khi nhận số tiền thanh toán từ ông lão ăn mày, chủ tiệm nở nụ cười niềm nở tiễn ông lão ra ngoài cửa. Sau đó, người chủ cúi gập người và nói: “Cảm ơn quý khách đã ghé đến mua hàng. Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.

Ông lão ăn mày cầm chiếc bánh ngọt trên tay, nét mặt thể hiện rõ vẻ kinh ngạc. Có lẽ rất lâu rồi ông mới được người khác đối xử một cách tôn trọng như vậy. Ông lão cười vui vẻ, cúi người nói cảm ơn rồi rời đi.

Dat-gia-hon-vang-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam

Cháu trai của chủ tiệm bánh cũng có mặt tại đó và chứng kiến toàn bộ sự việc. Nhân lúc cửa hàng vắng khách, cậu tò mò hỏi người ông của mình: “Ông ơi, sao ông lại niềm nở với một ông lão ăn mày như vậy ạ? Ông ta có gì đặc biệt sao?”.

Ông chủ tiệm bánh nghe vậy thì mỉm cười, giảng giải cho cháu trai rằng: “Điều đặc biệt duy nhất chính là ông lão ăn mày ấy là một trong những vị khách của chúng ta. Ông ấy đã phải rất vất vả mới tích cóp được số tiền ấy, thế mà lại dùng chúng để mua bánh ngọt tại cửa hàng chúng ta và đứng xếp hàng chờ đợi rất lâu. Sự ưu ái ấy không xứng đáng để chúng ta niềm nở với khách hàng của mình hay sao?’.

Người cháu trai suy nghĩ một lúc lại hỏi tiếp: “Nếu như vậy thì sao ông còn lấy tiền của ông ấy ạ? Sao ông không tặng miễn phí cho người ta?’.

Ông chủ tiệm xoa đầu cháu trai nói: “Hôm nay ông ấy đến đây với tư cách khách hàng chứ không phải ăn xin cháu ạ. Ông ấy hoàn toàn có đủ khả năng để chi trả cho bản thân thì chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu cửa hàng mình không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao?”.

Dừng lại một lúc, người ông lại tiếp tục nói: “Khi đã làm kinh doanh cháu nhất định phải nhớ kỹ điều này: Hãy tôn trọng khách hàng, bất kể họ có là ai đi chăng nữa. Bởi tất thảy những gì chúng ta có hôm nay đều là do khách hàng mang lại”.

Và chủ tiệm bánh này chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Bài học kinh doanh đắt giá hơn vàng này từ ông nội đã giúp Yoshiaki Tsutsumi tìm được phương hướng đúng đắn để ngày một phát triển, khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Ông cũng đã nhiều lần kể lại câu chuyện này cho nhân viên của mình.

Sưu tầm

Xem thêm: Bà ngoại tôi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận