Hành trình giành giật sự sống cho đứa con bị ung thư máu của chị Beng

Chị Beng đang đồng hành cùng con trai giành giật sự sống tại Khoa Nhi Ung Bướu. Trong khi đó, chồng chị mang chiếc xe cũ đi khắp TP Pleiku mới bán được 8 triệu đồng để tạm ứng viện phí. Hoàn cảnh của gia đình người mẹ này vô cùng cơ cực.

Minh Hằng
17:00 13/10/2021 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ở xứ của cà phê, hồ tiêu nhưng gia đình Beng không có lấy mảnh vườn, kinh tế chỉ dựa vào mảnh ruộng nhỏ. Một năm sau, Beng sinh con gái đầu lòng. Hai vợ chồng cặm cụi làm ăn, nuôi con và mẹ chồng già yếu.

Năm 2018, đứa con thứ hai tên Ya-Kơ ra đời. Khi thằng bé được một tuổi, trong một lần đi khám, bác sĩ chuẩn đoán con bị viêm phổi, phải thường xuyên uống thuốc để điều trị. Gia cảnh vốn đã khó, chạy ăn từng bữa, nay thêm tiền thuốc cho con, gắng lắm vợ chồng Beng mới xoay xở được.

Bệnh tật chưa dừng lại với Ya-Kơ. Một sáng cuối tháng 7/2021, Ya-Kơ đang ngủ, chị Beng vào thức con dậy, chị thấy hai mắt của con sưng húp lên, phía dưới cằm nổi cục u lớn.

"Con bị sao thế này?", Beng hỏi con, nhưng cháu bé không trả lời được. Cô quay qua hỏi chồng. Hnginh cũng không biết con mình bị gì. Hai người đưa con lên Bệnh viện huyện Mang Yang khám. Bác sĩ bảo hai vợ chồng cần đưa con lên tuyến trên để đưa thăm khám. Beng vẫn không nghĩ con mình mắc ung thư.

Hai vợ chồng quay về nhà, vay tiền rồi chở con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cho con nhập viện xong, chồng chị Beng mang chiếc xe máy cũ đi khắp thành phố Pleiku mới bán được 8 triệu đồng, để tạm ứng viện phí.

Khi đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, trong túi áo chị Beng còn đúng 2 triệu đồng đi mượn hàng xóm. Hoàn thành thủ tục nhập viện, anh chị ngồi chờ đợi kết quả. Bác sĩ thông tin con mình bị ung thư máu, chị Beng suy sụp, khóc đỏ hoe con mắt. Chiều, bệnh viện thông báo "cháu phải đưa ra Huế để chữa trị", tiền xe bệnh viện sẽ hỗ trợ, ăn uống gia đình tự lo.

"Con em sẽ ra sao hả bác?", chị Beng gạt nước mắt, hỏi bác sĩ. "Chữa trị tốt cháu sẽ bình phục thôi, anh chị đừng quá lo lắng", vị bác sĩ trả lời.

Từ bệnh viện Đa khoa tỉnh, vợ chồng chị Beng lại tiếp tục một hành trình dài khi các bác sĩ bảo nên đưa cháu ra Huế. Đây là hành trình dài nhất mà Beng từng đi.

Rạng sáng, xe đến thành phố. Chuyến xe tiếp tục chuyển thẳng 3 người ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cách thành phố 25 km. Lại di chuyển, cô cảm thấy kiệt sức. Đó là ngày 29 tháng 7 năm 2021. Beng vẫn nhớ như in ngày mình đặt chân đến Huế.

Hanh-trinh-gianh-giat-su-song-cho-dua-con-bi-ung-thu-mau-cua-ba-me-Gia-Lai-1
Chị Beng và con trai trong căn phòng ở tầng 5, Khoa Nhi Ung Bướu, đầu tháng 10/2021. Ảnh: Đắc Thành.

Nhập viện cho con đúng lúc dịch Covid-19 đang bùng phát, bệnh viện chỉ cho một người thân chăm nuôi. "Em ở lại chăm con. Anh bắt xe về lại quê đi làm rồi chăm mẹ với con ở quê", Beng nói với chồng.

Đã 2 tháng Beng bám trụ ở bệnh viện nuôi con. Đêm nào Ya-Kơ cũng khóc, đòi về với bố với chị, với bà ở quê. Chị chỉ biết động viên con "ở lại chữa trị cho lành rồi về". Những lúc cháu khóc, đòi về, Beng lại địu con đi quanh khuôn viên bệnh viện. Cô đưa con ra phía cổng, nhìn ra sông Hương, phía bên kia bờ là Đại nội Huế, Kỳ đài... những thứ đẹp đẽ mà cô vẫn hay thấy khi xem trên tivi nhà hàng xóm. Beng hy vọng một ngày nào đó sẽ ra Huế chơi, không ngờ chuyến đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này lại là lúc đưa con đi viện.

"Bác sĩ bảo cháu muốn lành phải ở đây điều trị dài ngày", Beng nói. Trong căn phòng 504, tầng 5, Khoa Nhi Ung Bướu, Bệnh viện Trung ương Huế, mẹ con Beng sống, sinh hoạt chung với các bệnh nhân ung thư khác. Giường cô nằm ngay cửa ra vào. Beng sắp xếp mọi thứ gọn gàng. "Bác sĩ nói cháu muốn nhanh lành bệnh phải giữ vệ sinh thật sạch", Beng nhớ lời dặn và luôn tuân thủ.

Mẹ con Beng vẫn thường được các mạnh thường quân cho tiền, giúp đỡ. Cơm nước của cô được các đơn vị hỗ trợ miễn phí. Bữa ăn của Ya-Kơ đôi khi phải thay đổi theo tình hình sức khỏe. "Cháu đã đỡ hơn trước, mắt hết sưng và cục u cũng nhỏ dần", Beng nói.

Nằm viện đúng những ngày dịch, Beng càng lo lắng. Cô sợ "nhỡ mắc thêm Covid-19 nữa thì khổ". Biết vậy nên Beng lúc nào cũng đeo kín khẩu trang. Ya-Kơ thì không, cu cậu tỏ ra khó chịu với khuôn mặt bịt kín. Cháu lột bỏ khẩu trang ném đi, Beng nhặt lên mang lại cho con rồi nói "con có muốn lành bệnh để về không". Nghe vậy, Ya-Kơ để yên cho mẹ mang vào, nhưng một lúc sau nó cũng tháo ra.

Hanh-trinh-gianh-giat-su-song-cho-dua-con-bi-ung-thu-mau-cua-ba-me-Gia-Lai-2
Những lúc con đòi về nhà, chị lại địu con trên chiếc khăn dạo một vòng quanh viện. Ảnh: Đắc Thành.

Ba tuổi Ya-Kơ đã biết đi, nói nhưng căn bệnh đã khiến việc đi lại của cháu khó khăn hơn. Bây giờ, Beng phải cho con tập đi trở lại. Việc nói chuyện của Ya-Kơ cũng lúc rõ lúc không.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng Khoa Nhi Ung Bướu cho biết Ya-Kơ bị bệnh ung thư máu, quá trình điều trị phải trải qua 6 vòng, sau đó có thể về nhà 28 ngày, rồi quay trở lại Huế để tiêm thuốc và bơm nội tủy.

"Ya-Kơ hiện điều trị ở vòng giai đoạn củng cố. Thời gian điều trị xong 6 vòng sẽ mất gần một năm. Do dịch bệnh việc đi lại khó khăn, nên việc điều trị của Ya-Kơ sẽ ở lại lâu dài với bệnh viện cho đến lúc ổn mới về. Để chữa trị hoàn toàn căn bệnh này cũng phải mất 3-4 năm", bác sĩ Hoa nói.

Hiện Ya-Kơ được chương trình Mặt trời Hy vọng hỗ trợ 80 triệu để điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Theo bác sĩ Hoa, số tiền này "có thể đủ chi trả kinh phí điều trị" nên sẽ giúp ích rất nhiều cho gia đình Ya-Kơ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về:

Chị Beng, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Đọc thêm: Tương lai của 2 đứa trẻ bỗng trở nên mờ mịt khi mẹ mất, bố không kiếm ra tiền, 2 bên nội ngoại đều nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận