Triều phục của các quan văn võ thời Nguyễn trông như thế nào?

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Vào thời này, nam giới 2 miền Nam Bắc đã quen mặc áo ngũ thân, thân áo dài quá đầu gối và tay áo hẹp.

Thùy Nguyễn
10:00 28/09/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong khi đó, phụ nữ từ Hoành Sơn trở vào Nam cũng mặc áo ngũ thân nhưng phần thân áo được may dài hơn, gấu áo dài quá bắp chân, mặc quần dưới hạ y còn phụ nữ từ Hà Tĩnh trở ra vẫn mặc áo tứ thân và mặc váy.

Thời xưa, trang phục thường được phân loại theo cách cắt của cổ áo thành 3 dạng: đối lĩnh (tức giao lĩnh), trực lĩnh và bàn lĩnh. 

Đối lĩnh có cổ áo vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền mà được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả chính là áo cổn ở trong cung, được may bằng loại thất thể quý hiếm và được quan vua mặc trong lễ tế Giao. Tay áo đối lĩnh cắt thụng, khi buông xuống dài bằng gấu áo. Tuy nhiên, dưới thời Nguyễn ở Việt Nam phụ nữ không mặc giao lĩnh. 

trieu-phuc-cac-quan-van-vo-thoi-nguyen-trong-nhu-the-nao-2

Trực lĩnh là áo có vạt xử dọc ở giữa thân trước. Thời nguyễn, lễ phục trực lĩnh trong cung dành riêng cho các bà được gọi là áo mệnh phụ và các vua quan, nam giới trong triều đình Việt sẽ không dùng áo này. Lễ phục trực lĩnh được may rộng, xẻ bên và có tay cắt thụng dài bằng gấu, áo được xẻ vạt bên hông.

Bàn lĩnh là áo cổ tròn, vạt cài sang phải, có hoặc không có cổ đính liền. Đây là lễ phục phổ thông nhất ở nước ta thời trước. Trong cung, cả nam và nữ đều sử dụng bàn lĩnh dưới dạng long bào, phượng bào của vua, hoàng thái hậu, hoàng quý phi; mãng bào của thân vương, hoàng tử và các quan. Áo được may bằng gấm thất thể và ngũ thể quý hiếm, áo rộng, xẻ bên, tay thụng dài bằng gấu áo, hay được mặc trong các lễ đại triều, triều yến. 

Lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt mặc cả trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng và gọi là áo Tấc. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu và cài khuy bên phải như cài áo. Áo Tấc thường được mặc trong các lễ như yết miếu, từ đường, việc hỷ và cả các cuộc thăm viếng quan trọng. 

trieu-phuc-cac-quan-van-vo-thoi-nguyen-trong-nhu-the-nao-1

Bên cạnh phổ phục thì áo cổn, áo chầu cũng rất phổ biến, đó chính là nhung phục. Giống như phổ phục, nhung phục cũng được may rộng cùng với loại vải, hoa văn và màu sắc cùng áo chầu của người mặc. Tuy nhiên, nhung phục có tay áo cắt chẽn như tay áo dài và là áo tấc tay hẹp. 

Loại nhung phục cao quý nhất thường là những áo được vua ngự tứ đặc biệt cho các công thần và lấy ra từ kho ngự dụng của nhà vua. Những chiếc áo như vậy thường được trang trí theo dạng cửu long. Bên cạnh đó, còn có một loại áo chiến tay chẽn nữa với 2 đầu tay được may đáp miếng vải được gọi là mã quải, thường mặc khi dự lễ ngoài trời như tịch điển hay duyệt binh. Khi vua mặc được gọi là long trấn còn thân vương, hoàng tử và các quan thì gọi là mãng lan.

Đối với lễ phục vẫn sử dụng áo giao lĩnh nhưng khi khoác ra bên ngoài để hành lễ thì gọi là bổ phục hay áo thụng. Áo Nhật Bình (xẻ trước ngực) với tay áo rộng là lễ phục khoác ngoài của nữ giới quyền quý trong cung. Những thiếu nữ nhà quý tộc khi xuất giá vẫn mặc áo nhật bình nhưng có hoa văn giản lược hơn.

Áo viên lĩnh dưới thời Nguyễn gọi là áo bào, dùng để làm lễ phục của các quan đại thần và vương tôn. Vua quan có lễ phục riêng gồm có đới, xiêm, bì ngoa, Phốc Đầu. Phẩm phục của các quan sẽ theo cấp bậc mà dùng màu đỏ hoặc tía, cung đình thì mặc áo cổn miện.

Trong đó, võ quan thì dùng bì ngoa mũi nhọn, quan văn thì dùng bì ngoa mũi tròn. Trang phục của quan lại triều Nguyễn có phân biệt cấp bậc cũng như ban hệ theo màu sắc và hoa văn của áo, cụ thể như sau:

Chính nhất phẩm: Vải đoạn bát ti màu cổ đồng, dệt hoa văn 5 màu cộng thêm kim chỉ tuyến, vải đoạn là satin gấm, các loại vải từ đây trở xuống đều dệt bằng tơ gấm.

trieu-phuc-cac-quan-van-vo-thoi-nguyen-trong-nhu-the-nao-3

Tòng nhất phẩm: Vải đoạn bát ti màu thiên thanh, dệt hoa 5 màu với kim tuyến.

Chánh nhị phẩm: Vải đoạn bát ti màu cam bích dệt hoa văn 5 màu với kim tuyến.

Tòng nhị phẩm: Vải đoạn bát ti màu quan lục, dệt hoa văn 5 màu với kim tuyến.

Chánh tam phẩm: Vải đoạn bát ti màu bửu lam, dệt hoa văn 5 màu với kim tuyến.

Tòng tam phẩm: Vải đoạn bát ti màu ngọc lam, dệt hoa văn 5 màu với viền kim tuyến. 

Hai cấp tứ phẩm và ngũ phẩm cả quan văn lẫn quan võ đều mặc áo chầu may bằng lụa, dệt hoa văn tròn toàn hoa, màu ngũ thể (5 màu) với kim tuyến. Áo tứ phẩm màu quan lục còn ngũ phẩm màu bửu lam, phân biệt quan văn võ qua mão đội đầu. 

Chánh và tòng lục phẩm mặc áo bào may bằng lụa dệt hoa văn đơn sắc gọi là quang tố trừu, màu ngọc lam. Đến thời điểm 1916, sắc áo đại triều của cấp bậc chánh tòng lục phẩm là quan lục. Từ cấp bậc này trở xuống ở lễ đại triều sẽ phải đeo bổ tử.

Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, màu sắc và chất liệu áo chầu của chánh thất phẩm cũng giống như của lục phẩm, chỉ khác nhau ở bổ tử. Thực tế, từ trước thời Khải Định, quan từ chánh thất phẩm trở xuống đến cửu phẩm đã không còn được cấp áo đại triều nữa mà chỉ mặc áo giao lĩnh thường triều may bằng vải sa đoạn với bổ tử các cấp.

Xem thêm: 3 bí ẩn chấn động của nhà Nguyễn đến nay vẫn chưa có lời giải

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận