Cuộc đời bi thương của Ngọc Hân công chúa và những bí mật ít người biết
Ngọc Hân công chúa được biết đến là hoàng hậu có số phận bi thảm cùng nỗi oan thấu. Khi bà qua đời, bí ẩn ngôi đền thờ thiêng cũng khiến nhiều người suy ngẫm.
Tiểu sử công chúa Ngọc Hân
Ngọc Hân công chúa sinh ngày 27/4/1770. Theo ghi chép lịch sử, bà là con gái thứ 9 hoặc 21 của hoàng đế Lê Hiển Tông. Mẹ của bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, thuộc phủ Từ Sơn – Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp thuộc Gia Lâm, Hà Nội).
Ngọc Hân công chúa hay Bắc cung Hoàng hậu thường được nhiều người nhắc tới cùng với mối tình đẹp với vua Quang Trung Nguyễn Huệ và là vợ thứ của ông. Khi 16 tuổi, Lê Ngọc Hân và Nguyễn Huệ thành hôn qua mai mối của tướng Bắc Hà là Nguyễn Hữu Chỉnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Quang Trung, Ngọc Hân công chúa được phong là Hữu cung Hoàng hậu. Sau đó, tới năm 1789, Nguyễn Huệ phong bà làm Bắc cung Hoàng hậu.
Bà cùng vua Quang Trung có 2 người con là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Năm 1792 sau khi vua Quang Trung đột ngột băng hà, bà cùng các con sống đơn giản trong chùa Kim Tiền. Tới 4/12/1799, bà qua đời khi mới 29 tuổi, 2 người con cũng mất không lâu sau đó.
Bí ẩn về cái chết và ngôi đền thiêng thờ Ngọc Hân công chúa
Cuộc đời Ngọc Hân công chúa phải chịu nhiều nỗi truân chuyên, đến khi chết vẫn chịu oan ức, bị đào mộ vứt hài cốt cùng nhiều câu chuyện bí ẩn. Ngọc Hân công chúa qua đời ở tuổi 29 vì nỗi đau mất chồng khi cả 2 mới bên nhau được 6 năm. Sau khi qua đời 3 năm, mẹ của bà không yên tâm nên đã bí mật vào Phú Xuân đưa hài cốt của nàng và hai con về an táng và lập miếu thờ tại Phù Ninh, tức Ninh Hiệp, Gia Lâm bây giờ.
Nhiều năm sau, khi đền thờ Ngọc Hân công chúa xuống cấp, một ông tú tài vì thương xót 3 mẹ con nên đã cho dựng lại. Một kẻ trong làng biết chuyện lên với triều đình nhà Nguyễn rằng có người lập miếu thờ thân nhân của ngụy (Nguyễn Huệ). Sau đó, tú tài bị kết trọng tội, tổng đốc của tỉnh Bắc Ninh bị giáng chức.
Chưa dừng lại ở đó, triều Nguyễn còn quật mộ Ngọc Hân công chúa cùng 2 con lên, ném hết xuống sông Hồng. Khi quan quân nhà Nguyễn mang hài cốt của Ngọc Hân công chúa qua Đền Ghềnh ở sông Hồng thì giông tố nổi lên, thuyền bị gió quật dữ dội nên đành vứt luôn xuống sông rồi chèo lên bờ. Dân làng Ái Mộ thương tiếc cho 3 mẹ con bà nên đã nhặt lại xương cốt, lập cho bà một đền thờ mới.
Ai ngờ, nước sông lại một lần nữa cuốn trôi ngôi đền. May mắn một người trong vùng là bà Đặng Thị Bản vì mến mộ tài năng và đức hạnh của Ngọc Hân công chúa nên đã đứng ra quyên góp, xây dựng ngôi đền mới.
Cái chết của Ngọc Hân công chúa được các nhà học giả đưa ra nhiều giả thuyết. Trong cuốn “Nhân vật Tây Sơn” và “Thi văn bình chú” thì cho rằng, vào năm Tân Dậu (tức năm 1801), Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh dẫn hoàng tộc và quần thần tháo chạy ra Bắc. Khi đó, Ngọc Hân công chúa cùng con thay tên đổi họ lánh vào Quảng Nam nhưng chưa được bao lâu thì bị nhà Nguyễn bắt về Phú Xuân. Sau đó, bà bị xử trọng hình. Theo tác giả của, “Thi văn bình chúa”, Ngọc Hân công chúa cùng hai con đã uống thuốc độc quyên sinh.
Tuy nhiên, trong bài lược sử “công chúa Ngọc Hân” của Ngô Tất Tố thì cho rằng bà đã tự tử, 2 con thì thắt cổ bằng lụa mà chết. Tuy nhiên, khi căn cứ vào gia phả của dòng họ Nguyễn Ngọc tại làng Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh cho thấy, Ngọc Hân công chúa mất vào ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tức ngày 4/12/1799.
Chính sử triều Nguyễn cũng lưu lại rằng, bà Nguyễn Thị Huyền là cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái tên là Lê Ngọc Hân. Sau này, Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ và sinh được 2 con 1 trai 1 gái. Không bao lâu sau, Ngọc Hân chết, 2 con cũng đều mất sớm.
Tới đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc Hài đã lén đem hài cốt của 3 mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về Phù Ninh chôn cất, đổi lại tên họ. Điều này cho thấy, khi Ngọc Hân công chúa và các con chết đều trước mốc tháng 6 năm 1801, trước khi Nguyễn Ánh tiến về Phú Xuân.
Mối tình đẹp với vua Quang Trung cùng nỗi oan giết chồng
Nhiều giai thoại cho rằng, Ngọc Hân công chúa gả cho Nguyễn Huệ là từ việc dàn xếp chính trị giữa nhà Lê và Tây Sơn. Ngọc Hân theo lệnh vua cha kết hôn khi mới 16 còn Nguyễn Huệ đã 33, có chính thất là Phạm Thị Liên (hay còn gọi là Bùi Thị Nhạn).
Dù ban đầu đến với nhau là mục đích chính trị nhưng sau một thời gian sống cùng nhau, bà đã chiếm trọn tình yêu của chồng. Nguyễn Huệ rất hài lòng trước sự thông minh, cách ứng xử gia giáo của bà. Theo cuốn “Những bà vợ của vua Quang Trung” có viết: “Vua Quang Trung trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Ngọc Hân giúp chồng nhiều việc quan trọng như khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc”.
Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng mặn nồng chỉ kéo dài 6 năm. Năm 1792, Quang Trung đột ngột băng hà, bà nén đau thương để sống vì con còn quá nhỏ. Mọi nỗi đau đớn, tâm tư trong lòng, nàng đều gửi gắm trong bài thơ “Ai tư vãn” nàng làm để tế vua Quang Trung:
Quyết liều mong vẹn chữ tòng. Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e
Còn trứng nước thương vì đôi chút. Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi. Hình tuy còn ở, phách thì đã theo…
Gót lân chỉ mấy hàng lẩm chẩm. Ðầu mũ mao mình tấm áo gai
U ơ ra trước hương đài. Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào..."
7 năm sau, Ngọc Hân công chúa cũng qua đời ở tuổi 29. Nhiều người nhắc đi nhắc lại chuyện tình đẹp của hai người để ngợi ca tấm lòng chung thủy sắt son của Ngọc Hân công chúa.
Dù thế, bà vẫn bị nhiều người nghi ngờ là người giết chồng vì ghen tuông, chịu thêm nỗi oan lấy vua Gia Long, kẻ thù của vua Quang Trung làm chồng. Mối nghi ngờ Ngọc Hân công chúa giết chồng bắt nguồn từ một bài viết trong cuốn Tạp chí phổ thông số 62 ra ngày 1/8/1961 của tác giả Thượng Khánh. Ông đưa giả thuyết rằng, do hoàng đế Càn Long hứa gả con gái cho vua Quang Trung, Ngọc Hân ghen tuông mù quáng nên đã đầu độc chồng.
Thế nhưng, sổ sách đều xác thực rằng vua Quang Trung chết do “huyễn vận” hay còn gọi là bệnh cao huyết áp. Bên cạnh đó, Ngọc Hân công chúa là người có học thức và việc Quang Trung sang cầu hôn con gái của vua Càn Long với mục đích là để chọc tức nên càng không có chuyện đầu độc. Bên cạnh đó, nếu Quang Trung bị trúng độc thì ngự y trong cung chắc chắn sẽ phát hiện ra.
Trong sách “Quốc sử di biên” của tác giả Phan Thúc Trực đã chép: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802) vào ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…” Bởi vậy, người lấy vua Gia Long là em gái của Ngọc Hân công chúa - Lê Ngọc Bình chứ không phải bà.
Có thể thấy cuộc đời Ngọc Hân công chúa đầy rẫy những đau thương và thị phi. Những oan trái bà phải gánh chịu bao năm qua cuối cùng cũng sáng tỏ. Ngày nay, hậu thế vẫn nhớ tới bà với tài năng, đức hạnh cùng chuyện tình đẹp với vua Quang Trung.
Xem thêm: Quyết định quan trọng của Quang Trung sau khi lên ngôi giúp đất nước phát triển, thoát li chữ Hán
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận