Nỏ thần của An Dương Vương có thật sự tồn tại?

Nỏ thần hay còn có tên gọi là nỏ liên châu có thể bắn một phát được nhiều mũi tên, trở thành vũ khí lợi hại dưới thời An Dương Vương. Theo nhiều nhận định nỏ thần thực chất chỉ là hư cấu.

Thùy Nguyễn
17:00 08/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nỏ thần trong câu chuyện huyền thoại

Chuyện nỏ thần hay còn được biết đến với tên gọi Chuyện Mị Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết nổi tiếng ở Việt Nam gắn liền với nhiều biến cố lịch sử dưới thời An Dương Vương. Chuyện kể rằng, sau khi giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội), thần Kim Quy đã lấy một chiếc móng trao cho An Dương Vương chế lẫy nỏ, làm vũ khí giữ thành giữ nước khỏi giặc ngoại xâm.

Thời điểm đó, vua đã giao cho tướng quân Cao Lỗ chế nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ gọi là “Linh quang kim trảo thần nỗ”. Sau khi làm xong, nỏ thần có thể bắn một phát cả trăm mũi tên, bách phát bách trúng.

no-than-cua-an-duong-vuong-co-that-su-ton-tai-1

Khi Triệu Đà từ phương Bắc đem quân xâm lược Âu Lạc nhưng lần nào cũng thất bại trước sức mạnh của nỏ thần. Triệu Đà bèn dùng kế hòa thân, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mị Châu - con gái An Dương Vương, mục đích chính là tìm hiểu bí mật quân sự của Âu Lạc. Do lơ là và mất cảnh giác, An Dương Vương đã mắc mưu Triệu Đà, để Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần. Không có nỏ thần, An Dương Vương thua trận mang theo Mị Châu bỏ chạy vào Nghệ An và tử trận tại đây. 

Ai là người sáng chế ra nỏ liên châu?

Như đã nói ở trên, người chế tạo ra nỏ thần chính là Cao Lỗ. Cao Lỗ (277 TCN - 179 TCN), còn gọi là Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. 

Cao Lỗ từng làm bộ hạ của Hùng Vương thứ 18 nhưng không được trọng dụng. Khi Âu Lạc xâm lược Văn Lang, phò mã Nguyễn Tuấn tử trận, vua Hùng tự tử, Cao Lỗ chán nản bỏ vào rừng sống ẩn dật. Sau này, Thục Phán giết danh tướng Đồ Thư và đánh tan 50 vạn đại quân nhà Tần, Cao Lỗ ra giúp nhà Thục Phán và được trọng dụng. 

no-than-cua-an-duong-vuong-co-that-su-ton-tai-2

Chính ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô. Sau đó, ông được An Dương Vương giao cho việc thiết kế và chỉ huy công trình xây dựng thành Cổ Loa. Sau này, Cao Lỗ chế tạo ra nỏ liên châu, được sử sách thần thánh hóa là nỏ thần hay “Linh Quang Thần Cơ”, ông ngày đêm huấn luyện cho hàng vạn binh lính tập bắn nỏ.

Là người sáng tạo ra nỏ thần lại có tài bắn nỏ nên Cao Lỗ được dân gian gọi là Ông Nỏ. Ngày nay, tại góc đông bắc ngoại thành vẫn có dấu vết An Dương Vương ngồi trên Ngự xa đài xem quân lính tập bắn nỏ. Từ năm 1959, ở thành Cổ Loa phát hiện hàng loạt mũi tên đồng ở  Cầu Vực.  Năm 2005, trong cuộc khai quật Đền Thượng còn phát hiện thêm di tích lò đúc mũi tên đồng cùng khuôn đúc mũi tên ba cạnh. Điều này chứng tỏ khu vực tây nam nội thành là một binh xưởng đúc mũi tên trang bị cho quân đội An Dương Vương xưa. 

Ngoài ra, khảo cổ học còn phát hiện thêm lẫy nỏ ở nhiều di chỉ như Làng Vạc (Nghệ An), Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Hai chiếc trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia có niên đại khoảng 2500 – 2000 năm được phát hiện ở Cổ Loa. Sau khi phục dựng cho thấy loại nỏ này có thể bắn được nhiều tên một lúc, có nhiều rãnh để nạp tên, sau khi thả lẫy thì dây bật ra, nhiều mũi tên cũng sẽ được phóng đi. 

no-than-cua-an-duong-vuong-co-that-su-ton-tai-3

Theo sử sách, sau khi Triệu Đà muốn hòa thân, Cao Lỗ đã phản đối khuyên vua không nhận nhưng An Dương Vương không nghe theo. Dần dần, Cao Lỗ bị vua xa lánh nên ông đi ở ẩn. Khi An Dương Vương thua trận bị quân Triệu truy đuổi, Cao Lỗ đã ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát. Tuy nhiên, do Mị Châu tin lời Trọng Thủy, rải lông ngỗng phía sau đánh dấu nên cả hai đều tử trận.

Dân gian truyền nhau rằng, Cao Lỗ bị thương nặng ở cổ nhưng buộc lại, tiếp tục thúc ngựa chạy tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm), nghỉ ngơi một lúc rồi lại di chuyển tới vùng Bình Than, Lục Đầu. Không bao lâu sau, ông mất vài ngày 4 tháng 4 âm lịch năm Nhâm Tuất (179 TCN).

Ghi nhớ công ơn của tướng Cao Lỗ, người dân Đại Than (nay là xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) đã lấy ngày sinh và ngày mất của ông là 10/3 và ngày 4/4 âm lịch hàng năm làm ngày khai mạc lễ hội tại đền Cao Lỗ vương. 

Xem thêm: Hai vị đế vương đất Việt "thân bại danh liệt" vì con rể

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận