Khởi nghĩa Mai Thúc Loan: Anh hùng áo vải lật đổ ách đô hộ nhà Đường, xưng đế An Nam
Bằng tài thao lược và uy tín của mình, Mai Thúc Loan đã thiết lập đoàn kết toàn cõi An Nam, mở rộng quan hệ với Java, Xảo Oa, Chân Lạp và Kim Lân lúc bấy giờ.
Ách đô hộ hà khắc của nhà Đường
Sau thất bại của Lý Nam Đế, nhà nước Vạn Xuân bị nhà Tùy (603) đô hộ. Đến năm 622, nhà Đường thay thế nhà Tùy tiếp tục nền thống trị. Dưới thời Đường, Trung Quốc phát triển thịnh vượng về mọi mặt, nhưng đó một phần là từ kết quả bóc lột nặng nề nhân dân trong nước và áp bức các nước thuộc địa, bao gồm cả Vạn Xuân.
Thời đó, nhà Đường bãi bỏ các quận, khôi phục các châu và đổi tên Vạn Xuân thành An Nam đô hộ phủ nhằm dập tắt và mai một ý chí chiến đấu của người dân. Bên cạnh đó, nhà Đường còn huy động quân đội, dân phu và tiền của đã đắp lũy xây thành phòng thủ ở Tống Bình (Hà Nội), ở châu Hoan (Nghệ Tĩnh) và châu Ái (Thanh Hóa).
Mặt khác, nhà Đường còn tăng cường khai thác kinh thế, đẩy mạnh bóc lột ở các nước thuộc địa, mở rộng buôn bán ra bên ngoài. Người dân An Nam hàng năm phải cống nạp nhà Đường nhiều lâm sản, thổ sản quý hiếm, nhiều sản phẩm thủ công địa phương cùng nhiều thứ thuế vô lý khác.
Cuộc sống người dân ngày càng khổ cực, kinh tế hao mòn. Một bộ phận đông đảo dân chúng bị bần cùng hóa, cộng thêm chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh liên miên càng khiến họ khó khăn tột cùng. Càng khổ cực càng khiến người dân An Nam dâng lên ý chí chiến đấu, vùng lên lật đổ ách áp bức, bóc lột của nhà Đường.
Khởi nghĩa Mai Thúc Loan: Lật đổ ách thống trị nhà Đường, xưng đế An Nam
Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Trừng (nay thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, ông sớm chịu cảnh mồ côi, phải đi ở cho những gia đình giàu có trong vùng. Ông được nhiều người biết đến là người mưu trí, đô vật nổi tiếng và là tay săn thú dữ cừ khôi. Chứng kiến cuộc sống lầm than của người dân trong làng, năm 713 Mai Thúc Loan đã tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa ở làng Vạn An (nay là Vân Diên, Nam Đàn).
Thời điểm đó, nhà Đường không chỉ áp bức, bóc lột mà còn âm mưu dùng An Nam là công cụ xâm lược, nô dịch các nước phía Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ lâu An Nam và các nước phía Nam đã có quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa; nhiều vị cao tăng An Nam cũng ghé thăm các nước vùng Nam hải khi hành đạo sang Ấn Độ. Mặt khác, quân đội Java, Chăm Pa, Côn Lôn đều có mối thâm thù với quân nhà Tùy, Đường, chỉ thuần phục trên danh nghĩa mà thôi.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân khu vực sông Lam, chỉ trong thời gian ngắn Mai Thúc Loan đã xây dựng hoàn thiện hệ thống đồn lũy bao quanh thành Vạn An. Ông còn không ngừng liên kết với các thế lực và nhân dân ở 32 châu quanh vùng; đồng thời mở rộng quan hệ với các nước Java, Xảo Oa, Chân łạp, Kim Lân lúc bấy giờ để xây dựng một đạo quân đông mạnh lên tới 40 vạn người.
Nhiều sử sách cũng ghi lại, bằng tài năng và uy tín của mình, vào đầu thế kỷ VIII Mai Thúc Loan đã thiết lập được liên minh quân sự và lực lượng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước ta. Liên minh quân sự này có mục tiêu chung là lật đổ ách thống trị của nhà Đường.
Từ thành Vạn An, Mai Thúc Loan cùng liên quân các nướng cùng các tướng sĩ lật đổ ách thống trị của nhà Đường trên địa bàn Nghệ An, sau đó đánh thẳng ra phủ thành Tống Bình (thành Thăng Long). Khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã đập tan toàn bộ nền thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc sau nhiều năm bị đô hộ.
Sau đó, Mai Thúc Loan xưng đế, sử gọi là Mai Hắc Đế, chọn Vạn An đóng đô, sắp xếp lại bộ máy quan lại và thực thi nhiều chính sách tích cực, có lợi cho các tầng lớp nhân dân.
Xem thêm: Cái đức của Hưng Đạo Vương: Giao binh cho kẻ đắc tội với mình, tạo nên chiến công ngoạn mục
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận